Giao dịch đất nền 'loé sáng' hay 'thị trường giả' của môi giới?

21/04/2024, 16:21

Nhiều môi giới cho biết, những ngày gần đây đất nền đang có sức nóng cả về giá và giao dịch khiến nhà đầu tư tìm kiếm nhiều.

Môi giới “làm màu”...

Là một nhà đầu tư bất động sản, nhiều tháng nay anh Phạm Quang Khải (Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn đang chật vật kiếm khách hàng để sang tay lại mấy lô đất tại huyện Chương Mỹ mua từ 2021.

Giá mà nhà đầu tư này rao bán là 23 triệu/m2, giảm 4 triệu đồng/m2 so với mức giá gốc mà anh mua vào, kỳ vọng sẽ sớm bán được trong tháng 4 này vì thấy lãi suất huy động ngân hàng đang tăng lên sẽ thu hút dòng tiền vào, đồng thời dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng lên.

“Trong mấy ngày qua thông tin một số khu đất trong nội nội thành, đất ở khu dân cư có giao dịch trở lại tôi rất mừng. Tuy nhiên, không hiểu sao thị trường đất nền ở khu vực tôi đã đầu tư chưa thấy có chuyển biến, mặc dù tôi đã rao bán trên các trang mạng xã hội, trên các hội nhóm và nhờ cả các môi giới khác”, anh Khải nói.

Giao dịch đất nền vẫn rất hạn chế nhưng các môi giới vẫn dùng chiêu trò để làm nóng ảo. (Ảnh minh hoạ).

Giao dịch đất nền vẫn rất hạn chế nhưng các môi giới vẫn dùng chiêu trò để làm nóng ảo. (Ảnh minh hoạ).

Anh Khải cho biết, bản thân rất hi vọng là sẽ bán được giá tốt trong quý 2 này vì lo lãi vay ngân hàng sẽ được điều chỉnh nâng lên.

“Nếu giảm 4 triệu đồng/m2 mà vẫn không bán được, có thể tôi sẽ tiếp tục giảm giá để thu hồi vốn, thanh khoản ngân hàng chứ cứ gồng lãi trả ngân hàng trong khi đất để không sẽ là gánh nặng rất lớn về tài chính cá nhân”, anh Khải cho biết.

Tương tự, anh Nguyễn Đức Hưng, một nhà đầu tư bất động sản khu vực Gia Lâm, Long Biên cho biết, hơn 2 tháng nay cũng nghe nói thị trường bất động sản đã sôi động trở lại, giao dịch đã tăng khoảng gần 40% so với cuối năm 2023.

Giao dịch bất động sản tăng, nhà đầu tư như chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, 5 lô đất của tôi đầu tư ở Gia Lâm, Long Biên rao bán hơn 2 tháng nay có nhiều người gọi điện đến hỏi, nhưng thực tế hơn 80% cuộc gọi là môi giới bất động sản, người tìm mua chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tạo "thị trường giả"?

Phóng viên VTC News tìm hiểu thị trường đất nền tại một số khu vực tại huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thường Tín... (Hà Nội) và được một số môi giới ở đây cho biết, từ đầu năm đến nay, giá đất nền liên tục tăng cao do người có nhu cầu cũng như các nhà đầu tư không thể tìm mua được các căn hộ chung cư có mức giá phù hợp.

Nhà ở mặt đất khu vực nội thành, trong ngõ nhỏ đã tăng giá khoảng 20- 30% nên nhiều người có nhu cầu tìm mua đất khu vực ngoại thành để mong được an cư, lập nghiệp.

“Điều này đã khiến thị trường bất động sản sôi động trở lại và có giá cao hơn so với thời điểm cuối năm 2023”, môi giới đất khu vực Thanh Trì, Ngô Quang Quân cho biết.

Nói rồi môi giới Quân dẫn phóng viên đến một lô đất vuông vắn, có diện tích 50m2, ngõ thông, xe ô tô đi qua tại xã Tứ Hiệp, Thanh Trì.

"Đất ở đây bán giá 60 triệu/m2, trị giá lô đất 3 tỷ đồng, chủ chịu tiền môi giới 1% và tiền thuế thu nhập cá nhân, khách mua chịu thuế trước bạ, phí sang tên sổ đỏ. Nếu anh chốt nhanh thì còn, không nhanh là hết. Đất hiện giao dịch đang tốt, thanh khoản nhanh. Anh tính toán rồi alo cho em”, môi giới Quân cho biết.

Nhiều lô đất ở khu Tứ Hiệp được rao bán nhiều tháng nay nhưng vẫn không có người hỏi mua. (Ảnh minh hoạ).

Nhiều lô đất ở khu Tứ Hiệp được rao bán nhiều tháng nay nhưng vẫn không có người hỏi mua. (Ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, số lượng giao dịch bất động sản trên địa bàn huyện Thanh Trì từ đầu năm đến nay không đáng kể. Các giao dịch được thực hiện thành công chủ yếu là các khu đất nền có diện tích từ vài trăm m2 trở lên để đầu tư làm kho bãi, kho chứa, kho bảo quản hàng đông lạnh của các doanh nghiệp. Còn lại giao dịch cá nhân để ở rất hiếm hoi.

Và thực tế lô đất mà Quân giới thiệu có diện tích 50m2 tại Tứ Hiệp được chủ đất rao bán 6 tháng nay, giá 52 triệu đồng/m2 nhưng cũng không có người hỏi mua.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), thời gian gần đây giá cũng như số lượng giao dịch bất động sản có tăng ở một số khu vực nội đô, trong đó có nhà ở trong ngõ nhưng không đáng kể, còn khu vực ngoại thành cách trung tâm thành phố từ 15km trở ra, giao dịch rất hạn chế, đất không tăng, mà còn tiếp tục xu hướng giảm.

“Tuy nhiên, ở nhiều vùng không có hoạt động đầu tư thêm nhưng lại thành "chợ" rất nóng, rất "sốt", đặc biệt trong bối cảnh chưa thoát được khó khăn về kinh tế. Tôi cảnh báo đấy là những hiện tượng bất thường, những thị trường giả, thị trường ảo", ông Đính nhấn mạnh.  

Ông Đính cho biết thêm, tại thị trường nhiều khu vực có sự tấp nập nhưng người mua - bán không phải nhà đầu tư mà là những màn kịch mà các môi giới, nhà đầu tư tạo ra. Họ đang tạo ra thị trường giả để lôi kéo, cuốn hút những nhà đầu tư nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm.

"Câu chuyện tăng giá của Hà Nội hiện nay ở một số vùng chúng tôi đang đánh giá là không phải thị trường thật. Giá đó không phản ánh thật thực trạng thị trường nên phải cảnh báo nhà đầu tư, khách hàng hết sức thận trọng. Các dự án đầu tư chất lượng tốt, phù hợp, được đầu tư bài bản, uy tín, thương hiệu… thì đó mới là thị trường thật. ", ông Đính nhấn mạnh.

PHẠM DUY

Bài liên quan
Đất nền sốt ảo và các chiêu thổi giá
Thị trường vùng ven Hà Nội (như Hoài Đức, Sóc Sơn, Mê Linh…) một số khu vực có hiện tượng đất tăng giá gấp 2 lần. Đây là nhu cầu thực hay chiêu trò của “cò đất” thổi giá.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bộ Y tế: Người từng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng
Đại diện Bộ Y tế lên tiếng trước thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông trong một số trường hợp.
Mới nhất