Cải tạo chung cư cũ vẫn còn nhiều vướng mắc

Huy Nam/VOV1 | 21/04/2024, 09:43

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 1.600 tòa chung cư cũ, xây dựng từ những năm 1960-1980. Phần lớn số chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.

Trước thực trạng này, nhiều năm trước, thành phố Hà Nội đã lên phương án sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhưng đến nay con số vẫn rất khiêm tốn.

Trong tổng số gần 1600 tòa chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội thì có khoảng trên 40 nhà tập thể, chung cư cũ ở mức nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm như tại Khu tập thể Thành Công, Ngọc Khánh,  quận Ba Đình; Khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai… Đây là những dãy nhà đã được báo động mất an toàn, nguy cơ đổ sập vào bất cứ lúc nào, cấp bách cần được sửa chữa.

Đơn cử như khu tập thể Tân Mai (quận Hoàng Mai), sau 30 năm sử dụng, năm 2010, tòa nhà A7 xuất hiện sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền địa phương, ngành chức năng thành phố đã phải gia cố khung sắt từ tầng 1 đến tầng 5 để chống nguy cơ đổ sập. Theo các hộ dân, việc tu sửa, chống cột chỉ là giải pháp tình thế, người dân sống trong tòa nhà rất lo lắng về sự an toàn.

“Chúng tôi rất bất an khi phải sống ở đây, vấn đề an toà của toà nhà báo động, nhất là khi mùa mưa bão về, toà nhà có hàng trăm nhân khẩu ở đây” - một người dân trong khu tập thể A7 chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như chỉnh trang đô thị, từ năm 1999, thành phố Hà Nội đã khởi động việc cải tạo, sữa chữa, xây dựng lại chung cư cũ, nhưng sau hơn 20 năm, con số chung cư cũ được cải tạo rất ít ỏi. Đến nay, thành phố Hà Nội mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 19 khu tập thể, nhà chung cư cũ.

Hiện một số dự án đang tiếp tục được triển khai cải tạo, xây dựng lại như: khu tập thể Nguyễn Công Trứ; khu tập thể X1, số 26 Liễu Giai; khu tập thể Dịch vụ vận tải đường sắt (quận Hoàng Mai); nhà chung cư số 148 - 150 phố Sơn Tây (quận Ba Đình)…

Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội diễn ra chậm do những vướng mắc về cơ chế và thiếu sự đồng thuận của một bộ phận người dân. Trong đó, khó khăn nhất là cân đối lợi ích của 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng.

b_vado.jpg

Ông Hồ Văn Sơn, người dân Khu tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa đề nghị: “Chúng ta đã có kế hoạch cải tạo chung cư cũ từ lâu. Vậy, vấn đề là sao không làm được. Theo tôi đây là hài hoà giữa các bên từ người dân, chủ đầu tư và chính quyền phải đứng ra như trọng tài”.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, UBND thành phố Hà Nội thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ; kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các cũ chung cư. Kế hoạch dự kiến ​​chia 4 giai đoạn, trong đó đợt 1 lựa chọn triển khai 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc… và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp.

UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, tham mưu thành phố quy định về hệ số K làm căn cứ để các địa phương, nhà đầu tư chủ động thỏa thuận, thống nhất với người dân.

Ông Mạc Đình Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Thời gian qua, 2 nội dung liên quan đến xây dựng hệ số K, cũng như tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn cụ thể. Tới đây Ban chỉ đạo sẽ uỷ quyền cho UBND các quận huyện có nhà chung cư cũ để xây dựng hệ số cụ thể”.

Tại kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 đã thông qua Nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Thành phố Hà Nội bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng để kiểm định, rà soát thực trạng chung cư cũ, nhất là đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng.

Mới đây, tại buổi kiểm tra tình hình triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan tạo bước đột phá trong công tác quy hoạch; quy hoạch gắn với giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư, nhà nước... để đến năm 2025, Hà Nội khởi công cải tạo, xây dựng lại 1 đến 2 khu chung cư cũ.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng"
VOVLIVE - Một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội”.
Mới nhất