Do vậy, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nguyên nhân dẫn tới việc giải quyết đơn thư chậm trễ, hoặc xử lý không đến nơi, đến chốn, khiếu kiện kéo dài. Đây cũng là nội dung được nhiều người quan tâm góp ý vào Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.
Tại phường Đức Giang, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, gần một năm qua, 5 hộ dân sinh sống tại ngách 466/110 Ngô Gia Tự, Tổ 15, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội liên tục có đơn khiếu nại về việc UBND phường Đức Giang trong quá trình xác minh, tách thửa đất cho bà Lê Thị Quyên ở nhà số 1, ngách 466/120 đã thiếu sót không xem xét thực trạng, nguồn gốc đất, dẫn đến tranh chấp khiếu kiện kéo dài. Khi các hộ dân gửi đơn lên UBND quận Long Biên xem xét, thì nội dung đơn thư tố cáo sai phạm lại được chuyển trả về UBND phường Đức Giang xử lý.
Ông Hoàng Anh Tuấn, số nhà 106, ngách 466/110, bức xúc cho biết: "Từ năm 1973 UBND xã Thượng Thanh giao đất cho các hộ dân chưa có đường chỉ là bờ mương và người dân phải tự cắt đất để làm ngõ đi. Năm 1980 Khu tập thể vật tư ở bên cạnh làm khu dân cư, ngăn cách bằng một bức tường do công ty này xây dựng. Mới đây, bà Lê Thị Quyên làm sổ đỏ mở lối đi sang ngõ các hộ dân. Chúng tôi không đồng ý đã có đơn kiến nghị lên phường, quận nhưng cứ đẩy đi, đẩy lại".
Theo quy định việc quản lý đất đai hiện nay, UBND cấp phường xã phải chịu trách nhiệm xem xét hồ sơ, thực trạng khi người dân chuyển đổi mục đích sử dụng, chia tách, xác định quyền sử dụng đất. Văn phòng đăng ký đất đai dựa trên hồ sơ do UBND phường cung cấp để tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Luật sư Tạ Ngọc Sơn, Hội Luật gia thành phố Hà Nội, cho rằng: Khi xác minh nguồn gốc đất, chính quyền cấp phường, xã mà làm không chính xác sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.
Theo luật sư Tạ Ngọc Sơn: "Trong thực tiễn quản lý đất đai cấp xã phường thời gian vừa qua dẫn đến khiếu kiện kéo dài, một trong những điểm quan trọng nhất chính là việc xác định nguồn gốc đất ở cấp phường xã được thể hiện ở trong sổ địa bạ, sổ mục kê. Tôi cho rằng phải có thay đổi cần thiết để xác định quyền của cấp phường xã trong việc xác định nguồn gốc đất là rất quan trọng để tránh khiếu kiện kéo dài".
Ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa 12-13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nay là Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến: Theo quy định xã phường không phải là cơ quan cấp quyền sử dụng đất, cho nên phường xã không phải cơ quan giải quyết những vụ việc tranh chấp đất đai mà phải là cấp quận huyện, tỉnh thành.
"Khi có vấn đề không chỉ tranh chấp đất đai mà cả về dân sự cấp phường không xử lý, người dân bức xúc thì gửi đơn vượt cấp lên quận huyện, thậm chí cả trung ương. Thế nhưng loanh quanh lại gửi về cho xã phường, tít mù lại vòng quanh, cuối cùng chính người sai phạm lại nhận được đơn xử lý thế nên xảy ra tình trạng“ vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Cấp phường không dại gì công nhận mình sai nên xử lý theo hướng có lợi cho lãnh đạo phường xã. Cuối cùng người dân lại là người thiệt thòi nhất và khiếu kiện lại kéo dài hết năm này qua năm khác. Chúng ta cần xử lý vấn đề này bằng văn bản pháp luật quy định rõ cấp nào có thẩm quyền xử lý theo quyền hạn" - ông Tiến chia sẻ.
Đây là những bất cập đang diễn ra cần có quy định chặt chẽ hơn trong Dự thảo Luật Đất đai( sửa đổi) lần này, tránh tình trạng “ vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong giải quyết các tranh chấp như hiện nay về đất đai./.