Đài Tiếng nói Việt Nam- cánh cửa đến với cuộc sống của người khiếm thị

MS WRD 453 | 29/01/2024, 09:49

Qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, người khiếm thị vẫn biết được những thông tin kinh tế- xã hội của đất nước và thế giới

“Sống trong một thế giới không có ánh sáng vì là người khiếm thị, thế nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được thế giới xung quanh mình nhờ đôi tai. Đài Tiếng nói Việt Nam là một kênh rất hữu hiệu giúp cho người mù như chúng tôi tiếp nhận thông tin và cảm thụ cuộc sống tốt hơn. Qua phương tiện phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), người khiếm thị chúng tôi vẫn biết được những thông tin kinh tế - xã hội của đất nước và thế giới". Đó là những lời tâm sự của anh Trịnh Minh Duệ, Chủ tịch Hội người mù huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, chia sẻ cùng với tôi.

Anh Trịnh Minh Duệ sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo xã Triệu Giang - huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Năm 1984, anh cất tiếng khóc chào đời trong sự vui mừng của bố mẹ và người thân. Nhưng rồi đến năm học cấp 3 anh bị mắc chứng bệnh về mắt. Gia đình đã hết sức chữa chạy cho anh khắp nơi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đôi mắt của anh không nhìn thấy được nữa. Anh trở thành người mù lòa kể từ đó. Quả là một cú sốc quá lớn đối với anh khi mà bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ giờ phải gác lại.

Anh Duệ sinh hoạt trong Hội người mù huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Tuy đến từ nhiều làng, xã khác nhau trong huyện nhưng Hội người mù huyện Triệu Phong trở thành mái nhà chung của những người khiếm thị. Ở đây anh chị em sống với nhau rất hòa thuận, yêu thương, đùm bọc nhau như anh em một nhà. Có gì vui buồn đều tâm sự với nhau, kể cho nhau nghe. Họ xem đấy là nguồn an ủi tinh thần của những người đồng cảnh ngộ.

Nếu người bình thường cập nhật thông tin trên các loại hình đa phương tiện như truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội, thì người khiếm thị có một loại hình phổ biến gần gũi với họ nhất đó chính là phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam- VOV. Các chương trình truyền hình làm mãn nhãn khán giả bởi hình ảnh sống động, trực quan…còn VOV là người bạn thân tình và “hiểu” họ nhất vì VOV có thể len lỏi vào đời sống tâm hồn, lắng nghe và chia sẻ cảm xúc với mọi thính giả, đặc biệt là với những người khiếm thị, họ cảm nhận thế giới xung quanh bằng giọng nói. Chính VOV là cầu nối đưa họ đến thế giới bên ngoài.

Từ ngày nghe VOV, anh Duệ và các anh chị em Hội người mù huyện Triệu Phong được cập nhật thông tin thời sự, mở mang kiến thức và cảm nhận thế giới xung quanh thông qua những kênh VOV1 chuyên về thời sự chính trị, VOV2 chuyên về Văn hoá- Đời sống- Khoa giáo, VOV3  về Âm nhạc- Thông tin- Giải trí, VOV4 chuyên về các vấn đề dân tộc, VOV5 chuyên về đối ngoại, VOV Giao thông quốc gia. Nhờ nghe VOV  chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” qua giọng đọc truyền cảm của anh chị phát thanh viên: Hải Yến, Việt Hùng… mà anh Duệ biết đến nhiều tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới. “Chúng tôi như đắm mình vào thế giới nhân vật, rơi nước mắt khi nghe những đoạn xúc động”, anh Duệ chia sẻ.

Từ ngày nghe VOV, Hội người mù huyện Triệu Phong xem Đài như một người bạn tri kỷ, càng nghe càng đâm ra nghiện. Họ nghe mọi lúc mọi nơi mà không cảm thấy chán, nghe trong khi làm việc, trong lúc ăn trưa. Công việc chính của anh Duệ và Hội người mù huyện Triệu Phong là làm hương thơm, chổi đót nên họ cài ứng dụng radio trên điện thoại thông minh vừa làm vừa nghe VOV. Chưa bao giờ họ có động lực đến thế.

Nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho hội viên, anh Trịnh Minh Duệ cũng trăn trở, suy nghĩ, chủ động mở rộng các mối quan hệ với các trường học, các đoàn thể trên địa bàn huyện để tiêu thụ sản phẩm. Từ một cơ sở nhỏ lẻ đến nay cơ sở chuyên sản xuất tăm tre, chổi đót và hương thơm của Hội người mù huyện Triệu Phong đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động là người mù và người khuyết tật.

Thấy anh Duệ miệt mài bàn tay thoăn thoắt bó từng ốp hương thơm, công việc không dễ dàng so với một người mù nhưng anh vẫn mỉm cười khi làm dược nhiều điều có ích cho hội viên. Những giọt mồ hôi và công sức mà anh Duệ bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng khi đem đến mức thu nhập ổn định bình quân cho hội viên trực tiếp lao động sản xuất từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Vất vả là thế nhưng ý chí và lòng quyết tâm thoát nghèo của anh và những hội viên ở đây vẫn không ngừng vươn lên. Như cây xương rồng trên cát, dù trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất vẫn mạnh mẽ vươn lên và nở hoa. Những người khiếm thị ấy đã vượt lên bóng tối, thắp sáng cuộc đời bằng chính nghị lực của họ.

Không phó mặc hay buông xuôi cho số phận, bằng chính sức lao động của mình, anh Trịnh Minh Duệ đã tự tạo ra nguồn sáng cho cuộc đời. Nhiều năm liền anh đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở anh được vinh dự nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương Hội người mù Việt Nam, Hội người mù Quảng Trị, UBND huyện Triệu Phong.

Ngoài việc nghe VOV để cảm nhận được thế giới xung quanh, những người khiếm thị Hội người mù huyện Triệu Phong thấy mình lạc quan hơn, tự tin hẳn lên, không còn mặc cảm nữa. Họ thấy rằng mình vẫn là người có đóng góp cho cộng đồng chứ không phải là gánh nặng cho xã hội như Bác Hồ nói “tàn nhưng không phế”. Tất cả những điều ấy một phần nhờ VOV mang lại, đem cả thế giới đến bên người khiếm thị. VOV trở thành người bạn tri kỷ, món ăn tinh thần không thể thiếu của những người mù nơi đây.

“Tôi yêu VOV như yêu chính bản thân mình vậy, tôi thường vận động anh chị em trong Hội người mù nghe VOV. Qua nghe VOV đã truyền nghị lực, niềm tin và cả dẫn lối cho những người khiếm thị như chúng tôi đang tìm điều ý nghĩa trong cuộc sống của chính mình, biết “vượt lên số phận”, anh Duệ bày tỏ.

Khi được hỏi chuyên mục nào của VOV làm anh thích nhất, anh Duệ không ngần ngại chia sẻ đó là chuyên mục “Niềm tin ánh sáng” trên kênh VOV giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh Duệ cho biết với thời lượng 30 phút, chương trình phát thanh “Niềm tin ánh sáng” dành cho người khiếm thị được chia thành nhiều mục nhỏ: tin tức về hoạt động của hội người mù trên toàn quốc, người sáng mắt nói gì về người khiếm thị, phóng sự về gương cá nhân tiêu biểu là người khiếm thị và cuối cùng là tiết mục văn nghệ do chính người khiếm thị sáng tác, biểu diễn.

Có cái Đài làm bạn, nhất là chương trình “Niềm tin ánh sáng” đã mở ra một cánh cửa khác đến với thế giới dành riêng cho người khiếm thị. Qua chương trình anh Duệ được biết những người khiếm thị ở khắp nơi đã sống ra sao, làm việc như thế nào, họ tự tin hòa nhập với cộng đồng như thế nào. Và hơn hết, thông qua chương trình, những người sáng mắt xung quanh không coi họ là những người gánh nặng cho xã hội.

“Khi nghe chương trình ấy, tôi rất đồng cảm với những người khiếm thị như tôi và rất ái mộ anh Hoàng Văn Lý. Anh Lý là người khiếm thị và là cộng tác viên thường xuyên của của “Niềm tin ánh sáng” trên kênh VOV giao thông Đài tiếng nói Việt Nam. Mặc dù đôi mắt không rõ nhưng ở anh như một nhà báo chuyên nghiệp tìm kiếm, thu thập thông tin, gặp gỡ, phỏng vấn sau đó viết bài đưa đến những câu chuyện hay. Chúng tôi những người khiếm thị rất cảm ơn những biên tập viên, phát thanh viên, cộng tác viên đã cho chúng tôi món ăn tinh thần bổ ích ấy và tự hứa với lòng mình “Sống Cho Điều Ý Nghĩa Hơn”, anh Duệ bộc bạch.

Có thể nói chuyên mục “Niềm tin ánh sáng” kênh VOV giao thông ra đời như cánh cửa đến với cuộc sống của người khiếm thị. Theo con số thống kê của Viện Mắt Trung ương, Việt Nam có gần 2 triệu người khiếm thị, trong đó có hơn 600 nghìn người mù thuộc đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, tôn giáo. Hầu hết trong số họ đều là những người nghèo. Dù vậy, họ vẫn không ngừng vươn lên để sống có ích hơn cho xã hội. Tuy nhiên, mất đi ánh  sáng của cuộc đời, họ cũng mất đi cánh cửa để giao tiếp với thế giới bên ngoài. Và chắc hẳn, họ cũng có những điều tâm sự thầm kín muốn sẻ chia…Chương trình “Niềm tin ánh sáng” trên VOV giao thông FM 91MHz ra đời với mong muốn giúp những người khiếm thị có thêm cơ hội để giao tiếp với thế giới, đồng thời thông qua chương trình khơi dậy tình nhân ái của cộng đồng dành cho người khiếm thị, xóa bỏ định kiến xã hội về người khuyết tật, giúp họ vượt qua rào cản của bệnh tật để hòa nhập với cộng đồng.

Phải nói rằng chương trình“Niềm tin ánh sáng” trên VOV Giao thông mang tính nhân văn và đồng cảm với người khiếm thị nhiều đến thế. Họ muốn thắp lên ánh sáng của tình thương cho những người không may mất đi ánh sáng của đôi mắt. VOV đã và đang làm được điều mà không phải loại hình truyền thông nào cũng có thể làm được. Đặc biệt hơn, những người lớn tuổi hay những người khiếm thị sẽ không bị bỏ lại phía sau giữa dòng chảy hiện đại. Vì có VOV làm bạn mỗi ngày.

Bài liên quan
Phát thanh làm tôi liên tưởng tới “cô gái đến từ hôm qua”
Phát thanh sinh trước tôi rất nhiều năm, tôi lớn lên thì “cô ấy” cũng thêm tuổi đời. Bẵng đi một thời gian, hẳn đã có lúc tôi lãng quên, hờ hững. Một ngày kia, tôi lại vô tình (mà hình như là cố ý) kết nối với người bạn từ thơ ấu: Cô gái đến từ hôm qua ấy, giờ ra sao?.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất