Phát thanh làm tôi liên tưởng tới “cô gái đến từ hôm qua”

MS WRD 573 | 21/01/2024, 08:46

Phát thanh sinh trước tôi rất nhiều năm, tôi lớn lên thì “cô ấy” cũng thêm tuổi đời. Bẵng đi một thời gian, hẳn đã có lúc tôi lãng quên, hờ hững. Một ngày kia, tôi lại vô tình (mà hình như là cố ý) kết nối với người bạn từ thơ ấu: Cô gái đến từ hôm qua ấy, giờ ra sao?.

Phát thanh thì ra vẫn ở đó, âm thầm và bền bỉ, vẫn khiến người ta rung động...

“Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui”…

Giai điệu của ca khúc ấy vẫn vẹn nguyên trong tôi như một phần ký ức ngày thơ dại. Mỗi sáng sớm, nhất là vào mùa đông, giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của miền Bắc, khi tôi còn co ro trong chăn ấm thì cùng với tiếng nhạc phát ra từ loa xã, bà nội đã thức dậy. Không dùng đồng hồ hay điện thoại, cái báo thức của bà chính là thùng tôn treo trên cột điện. Bà gọi, bao giờ tôi cũng nấn ná ngủ thêm, mơ màng nhẩm theo giai điệu không lời. Sau này, tôi mới biết đó là ca khúc Chiến thắng Điện Biên. Nghe hết Quốc ca rồi lời giới thiệu: “Đây là tiếng nói Việt Nam”, tôi vẫn cố nằm. Mãi đến khi giọng phát thanh viên nam vang lên: “Chào quý vị và các bạn. Một ngày mới đã bắt đầu”, tôi mới lấy hết can đảm mà lồm cồm bò dậy. Hôm nào người phụ trách quên bật loa (có thể bởi hơi ấm của chiếc chăn bông) thì bà cũng quá giấc. Tôi, như bà, thắc mắc trong cơn mơ màng: Sao hôm nay Đài chưa nói?

Sống cùng ông bà từ thuở ấu thơ nơi làng quê, phát thanh đối với tôi không xa lạ. Xã có loa xã, thường hay phát các chương trình của VOV1 vào mỗi sáng sớm và chiều tối. Không thấy Đài nói là thấy trống vắng, cứ  “thiêu thiếu” thế nào. Còn ông nội tôi thì bao giờ cũng sắm cho riêng mình một chiếc ra-đi-ô xách tay. Thu hút nhất với lũ trẻ con ở chiếc đài ấy không gì khác ngoài gậy ăng-ten. Tôi không đếm được (không thể nhớ) đã bao lần mình nghịch cái gậy nhiều nấc ấy, kéo ra rồi lại thu vào. Và hẳn không ít lần tôi làm nó “trọng thương”.

Ông nội quý cái đài ấy lắm. Ông thường mang nó theo mỗi khi đi làm vườn hay ra đồng. Ông hay nghe họp Quốc hội, những chương trình tin tức thời sự hay các tiểu phẩm truyền thanh. Lúc lên giường đi ngủ, đài vẫn chạy rủ rỉ rù rì, êm êm bên tai, đưa ông vào giấc với những câu chuyện đêm khuya. Rồi khi mất điện, âm thanh phát ra từ cái đài con con khiến thời gian trôi nhanh hơn và bóng tối dường như cũng đỡ phần đáng sợ (với tôi).

Tôi chẳng có chiếc ra-đi-ô cho riêng mình. Nhưng tôi lại thường mượn điện thoại của bà để nghe đài. Chỉ cần một “cục gạch” Nokia 1280 đen trắng, thêm bộ tai nghe có dây là đã có thể bắt sóng.

Ngày ấy, Xone Fm còn phát sóng trên VOV3 và tôi thì mong ngóng những chương trình của Xone từng ngày. Tivi với hàng ngàn chương trình thú vị lúc ấy cũng không làm tôi mê mẩn như thứ thanh âm không hình phát ra từ chiếc điện thoại cỏn con. Vừa nghe vừa nấu cơm. Vừa nghe vừa học bài. Thậm chí, tôi còn nghe Xone cả khi lim dim trong cơn ngủ. Nhớ lắm những cuộc trò chuyện của anh chị dẫn Xone ngày ấy, những bức thư của các bạn thính giả, những bài hát “hót hít”, những thông tin về đời sống văn hoá – giải trí… Khi vui vẻ, hài hước, lúc lại lắng sâu, đong đầy cảm xúc. Tôi cũng đã từng gửi những dòng tâm sự của mình đến Xone, từng sung sướng khi bức thư cùng bài hát yêu cầu được phát sóng. Và có lẽ, hàng ngàn thính giả khác cũng cùng chia sẻ tâm trạng ấy với tôi. Xone FM với tôi khi ấy như một người bạn thân đúng nghĩa.

Tôi dần lớn, rời quê và lên thành phố học, để lại sau lưng loa xã, tiếng gọi của bà mỗi sớm và chiếc ra-đi-ô của ông. Bẵng đi một thời gian, nghe đài cũng không còn là thói quen thường trực trong tôi, đặc biệt là sau khi Xone không còn trên VOV3. Chỉ khi về thăm quê vào dịp cuối tuần, tôi mới thoáng nghe lại những thanh âm thân thuộc một thời.

Lựa chọn Báo chí để theo học, một lần nữa, tôi trở lại với phát thanh. Dù có đủ duyên để đi tiếp với nghề hay không thì quãng thời gian đã qua vẫn đọng lại trong tôi, dẫu chỉ là những mảnh ký ức tản mạn. Tôi nhớ, một người thầy đáng kính của mình từng chia sẻ về thông điệp của UNESCO trong ngày Phát thanh thế giới, rằng: Phát thanh cứu sống con người. Thầy bảo trong hoàn cảnh thiên tai địch hoạ, loa phường hay loa xã ở các thôn bản sẽ phát huy hiệu quả. Rồi thời kỳ chiến tranh, phát thanh chính là phương tiện thông tin chủ lực với những bài bình luận, xã luận xuất sắc, đồng thời cũng là phương tiện giải trí với các chương trình văn nghệ. Câu chuyện về phát thanh viên Liên Xô Levitan – người Hít-le coi là kẻ thù số một mà thầy kể khiến tôi không khỏi choáng ngợp. Nghe phát thanh song tôi chưa từng tưởng tượng “tiếng nói không hình” lại tạo sức mạnh ghê gớm đến vậy. Cũng qua một vài trải nghiệm, kỷ niệm cá nhân mà thầy chia sẻ, không khó để thấy sự gắn bó đặc biệt với phát thanh. Lúc ấy, hình như, tôi đã thấu hiểu hơn tình cảm của thế hệ trước – lớp người từng sống trong những tháng ngày gian khó của dân tộc, như ông nội tôi, như thầy dành cho chiếc ra-đi-ô.

Những bài giảng truyền cảm hứng của thầy cô thôi thúc tôi tìm về với phát thanh thường xuyên hơn, dù khó mà đều đặn như năm tháng tuổi thơ. Tôi lấy việc “dạo quanh một vòng” các kênh phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam làm thú vui. Lần ấy, tôi “dừng chân” ở VOV Giao thông. Chị Phương Hiền đang trò chuyện cùng một thính giả nam trong chương trình Kết nối yêu thương. Anh ấy bày tỏ đầy chân thành và xúc động về tình cảm dành cho kênh và đặc biệt hơn cả, về nỗi nhớ dành cho anh Viết Duy – một phát thanh viên đã đi xa. Khi ấy, hình như, trong tôi có chút lắng đọng của của thứ cảm xúc khó nói thành lời. Vì tình yêu mà thính giả ấy dành cho VOV Giao thông, cho một giọng nói đã đi về miền mây trắng. Phát thanh thì ra vẫn ở đó, được công chúng yêu thương và đón nhận, âm thầm và bền bỉ, vẫn khiến người ta rung động. Đâu phải chỉ những người thuộc về ”một thời gian khó” mới lựa chọn, mới yêu phát thanh?

Đôi lần, phát thanh làm tôi liên tưởng tới “cô gái đến từ hôm qua”. Cô ấy gắn bó với tôi từ thuở “chân trần mắt toét”, dẫu rằng cô ấy sinh trước tôi rất nhiều năm. Và mối duyên của chúng tôi cũng rất tự nhiên, được khởi nguồn bởi những người xung quanh, bởi làng quê nơi tôi sinh sống. Tôi lớn lên thì phát thanh cũng thêm tuổi đời. Bẵng đi một thời gian, chúng tôi chỉ đôi lần gặp mặt ngắn ngủi, hẳn đã có lúc tôi lãng quên, hờ hững. Năm tháng vẫn trôi, một ngày kia, tôi lại vô tình (mà hình như là tôi cố ý) kết nối với người bạn ấu thời trong cơn tò mò: Cô ấy giờ ra sao?. Kết quả, len lỏi đâu đó trong tôi cảm giác nao nao cùng sự sống dậy của những ký ức ấu thơ. Và biết đâu, mấy mươi năm nữa, khi về già, chúng tôi lại tìm về chốn xưa, gắn bó với nhau như những ngày tôi còn bé dại thì sao?
Có thể lắm chứ!

Bài liên quan
Chuyện kể về nghề từ con mắt nhà báo phát thanh
"Chuyện nghề, Chuyện người, Chuyện bốn phương" là cuốn sách dày dặn về nghề - phần lớn là những chuyện kể từ nghề - nghề báo nói, được viết theo phong cách kể chuyện.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất