
Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, giai đoạn 2017-2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đi du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe tăng trung bình 12% mỗi năm. Tại thành phố Đà Nẵng, nhiều cơ sở y tế nằm bắt xu thế này đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng để phục vụ khách du lịch như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện 199, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Vinmec... Từ năm 2017, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã thành lập đơn vị “Du lịch chữa bệnh” tiến hành khám, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe cho khách du lịch và người nước ngoài.
Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã thành lập riêng khu khám và nội trú theo một dây chuyền khép kín. Từ năm 2018, Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai bảo hiểm quốc tế. Đến nay, có 15 công ty bảo hiểm y tế toàn cầu đã ký kết với Bệnh viện Đà Nẵng cam kết thanh toán bảo hiểm y tế trong nước đối với khách hàng ở các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Tây Á, Đông Á…đến điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng. Đây là hình thức bảo hiểm y tế quốc tế toàn cầu được chi trả tại Việt Nam.

Bác sỹ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, số lượng khách du lịch nước ngoài đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng tăng đột biến: “Chúng tôi đã có bảo hiểm y tế quốc tế toàn cầu được chi trả tại Việt Nam. Điều này chứng minh rằng, Bệnh viện Đà Nẵng tại thành phố Đà Nẵng có đủ năng lực để thực hiện các vấn đề liên quan tới sức khỏe y tế đối với các bệnh nhân đến du lịch hoặc là để nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng nhưng mà không may có những sự cố về y tế. Cho nên, tình hình điều trị đối với nước ngoài tại bệnh viện tăng đột biến”.
Thành phố Đà Nẵng hiện có hệ thống bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe toàn diện, đủ các loại hình, trong đó có 29 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập và ngoài công lập. Đến nay, tại Đà Nẵng có 14 bệnh viện đã bố trí những khu vực điều trị chất lượng cao, khu vực điều trị theo yêu cầu cho khách du lịch. Đã có 9 bệnh viện ký kết với 60 công ty bảo hiểm y tế quốc tế thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế khi khách hàng đến khám, điều trị tại Việt Nam. Trong 5 năm qua, hơn 50.000 lượt khách quốc tế đến thăm khám, điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng cũng đang có thế mạnh về du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo (MICE). Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cũng là một thế mạnh của ngành y tế Đà Nẵng và yêu cầu phát triển ngành y tế. Thời gian qua, Đà Nẵng được xem là điểm đến tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ, hội thảo y khoa, học thuật... Chỉ tính riêng 3 năm qua đã có 92 hội thảo khoa học quốc tế, có những hội thảo thu hút hàng trăm chuyên gia người nước ngoài tham gia.
Bà Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho rằng, ngành Y tế thành phố xác định, phát triển du lịch y tế vừa góp phần tăng trưởng kinh tế, vừa là động lực để cải thiện chất lượng, hiện đại hóa các dịch vụ, từng bước hội nhập về lĩnh vực y tế khu vực và toàn cầu: “Hiện nay, các cơ sở y tế chưa có kết nối và các đơn vị đang độc lập tự làm trên nhu cầu và năng lực của bản thân. Chúng ta cần có những gói dịch vụ y tế mang tính chất thương hiệu của thành phố để xây dựng thương hiệu du lịch y tế tại Đà Nẵng”.
Thành phố Đà Nẵng có đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch y tế hàng đầu miền Trung và cả nước. Tuy nhiên, loại hình du lịch y tế này tại Đà Nẵng đang trong giai đoạn khởi động. Các gói dịch vụ trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe hiện nay chưa định hình rõ nét để làm cơ sở quảng bá, giới thiệu dịch vụ. Hiện nay, các cơ sở y tế đang tập trung xây dựng những sản phẩm của mình nhưng chưa có sự kết nối với nhau. Y tế du lịch Đà Nẵng chịu sự cạnh tranh khá lớn đối với các nước có ngành y tế phát triển như: Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc, kể cả thị trường trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Đà Nẵng cũng chưa có chính sách visa y tế, chưa hình thành và tổ chức các chương trình du lịch y tế kết hợp giữa tham quan và chăm sóc sức khỏe.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - sự kiện - vận chuyển VITRACO cho rằng, du lịch chăm sóc sức khỏe là xu thế tất yếu và là xu hướng của khách đi du lịch. Đà Nẵng cần sớm hình thành sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe trở thành sản phẩm du lịch chủ lực.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng đề nghị thành phố Đà Nẵng cần tiên phong làm chính sách visa y tế dài hạn: “Nhu cầu du lịch y tế hiện nay rất lớn. Thành phố cần có có kế hoạch khai thác nguồn khách tiềm năng, đơn cử như khách Nhật Bản có nhu cầu dưỡng lão, điều dưỡng; khách Hàn Quốc quan tâm phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, kiểm tra sức khỏe tổng quát. Cần ban hành chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư lớn ở một số thị trường nước ngoài có khách du lịch y tế”.

Đề án phát triển Du lịch Y tế Đà Nẵng giai đoạn 2025 - 2030 đặt mục tiêu chung là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để phát triển du lịch y tế tại Đà Nẵng, góp phần tăng trưởng kinh tế. Theo đó, trong năm 2025 này, 100% khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố phải được kết nối với mạng lưới y tế, triển khai nền tảng công nghệ số để tích hợp các thông tin y tế, hỗ trợ du khách.
Đến cuối năm 2026, thành phố sẽ xây dựng ít nhất 5 gói dịch vụ y tế kết hợp du lịch và đảm bảo 80% điểm du lịch có nhân viên được đào tạo kỹ năng y tế cơ bản. Từ năm 2027, thành phố đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống quản lý đặt lịch thăm khám sức khỏe, điều trị bệnh thông qua ứng dụng công nghệ số, giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin, đăng ký dịch vụ, đặt lịch khám trực tuyến. Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ có ít nhất 2 cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế về năng lực chuyên môn và chất lượng phục vụ.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, thành phố đã định hướng xây dựng dịch vụ y tế trở thành sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, tạo ra cực tăng trưởng bứt phá trong thời gian tới: “Chúng tôi khai thác kết hợp giữa Đông, Tây y để có được gói sản phẩm chữa trị cho du khách hết sức tốt, trở thành một sản phẩm cốt lõi của du lịch thành phố. Khi người ta nhắc đến khám chữa bệnh không chỉ có Singapore, không chỉ có chị Malaysia, Thái Lan mà có thành phố Đà Nẵng sẽ là điểm sáng”.