Còn nhiều băn khoăn về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Ngọc Thành/VOV.VN | 23/09/2022, 08:09

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn nhiều vấn đề phải giải quyết, từ giá đất, thu hồi, bồi thường, giao đất… mới đáp ứng được yêu cầu.

Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và đề nghị sửa đổi luật với 11 nhóm chính sách lớn. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã có báo cáo thẩm tra. Dự thảo luật vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên chuyên đề pháp luật tháng 9. Đây là dự án luật khá phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ, dự kiến Quốc hội xem xét qua 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng.

Vấn đề khó nhất là giá đất

Về tài chính về đất đai, giá đất, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật hiện đã bỏ quy định về khung giá đất. Kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật tiếp tục quy định UBND cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành (khoản 1 Điều 133).

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng, quy định của dự thảo Luật chưa làm rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm.

Về giá đất cụ thể được quy định ở Điều 134, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cần quy định việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là bắt buộc.

Thành viên Hội đồng thẩm định giá đất phải là các chuyên gia, cơ quan chuyên môn có liên quan đến hoạt động định giá đất, bảo đảm tính độc lập với cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể.

“Dự thảo Luật cũng chưa làm rõ các khái niệm và cách xác định “vùng giá trị đất”, “giá thửa đất chuẩn”, cơ quan có trách nhiệm xây dựng hồ sơ giá đất cho từng vùng giá trị đất và đến từng thửa đất” – ông Vũ Hồng Thanh nói.

Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề khó nhất là giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, do đó đòi hỏi quy định làm sao để vận hành được.

“Giờ bỏ khung giá đất rồi, nhưng bảng giá đất, vai trò HĐND, UBND như thế nào, không có tiêu chuẩn, tiêu chí, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong định giá đất…. Định nghĩa thế nào là giá, nguyên tắc thị trường với giá thị trường trong điều kiện bình thường còn mang định tính rất lớn” – ông Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng từ Điều 132 đến Điều 136 của dự thảo chưa làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất như yêu cầu của Nghị quyết 18, tức chưa đáp ứng được yêu cầu của Trung ương.

Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định còn chung chung

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 81 “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cần được định lượng cụ thể hơn, có quy định hướng dẫn chi tiết bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Đồng thời, cần có cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc này để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.

Khoản 3 Điều 81 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc bồi thường về đất theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, cơ quan thẩm tra nhận thấy quy định như vậy tạo sự linh hoạt và bảo đảm việc bồi thường phù hợp với nhu cầu của người có đất thu hồi và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, do đó, cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn; quy định thứ tự ưu tiên trong các hình thức bồi thường về đất, bảo đảm thực hiện bồi thường thỏa đáng, công bằng, không gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Cũng cho rằng quy định còn chung chung, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị dự thảo luật cần bổ sung tiêu chí cụ thể về bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ để tránh việc người dân không chấp nhận phương án bồi thường vì không có điều kiện bằng hoặc tốt hơn, chính quyền các cấp khó thực hiện, dẫn đến khiếu kiện kéo dài thời gian thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Dẫn quy định tại khoản 2 Điều 94 dự thảo quy định "tài sản gắn liền với đất được tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được Nhà nước bồi thường", bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng quy định như vậy là chưa công bằng đối với người dân ở một số trường hợp, đặc biệt là ở các dự án “treo” trong thời gian dài sau khi có thông báo thu hồi đất, để duy trì cuộc sống của họ phải tạo lập tài sản gắn liền với đất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu quan điểm rằng  vệc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ là hoàn toàn đúng, nhưng quan trọng phải làm rõ tiêu chí để đánh giá định lượng việc bồi thường, tạo lập chỗ ở mới.

“Tôi nghĩ chỗ này hoàn toàn chưa đáp ứng yêu cầu, chúng ta đang chép lại nghị quyết Trung ương mà không có cơ chế để thực hiện. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng” – ông Hoàng Thanh Tùng bày tỏ.

Minh bạch trường hợp không đấu giá, đấu thầu để tránh tiêu cực

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, tinh thần của Nghị quyết 18 là hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu, nhưng đối dự thảo luật thì đang mở ra một số trường hợp giao đất không qua đấu giá, đấu thầu.

Ví dụ hoạt động khoáng sản trong nhiều trường hợp là hoạt động thương mại, hoạt động kinh doanh, tại sao giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu? Hay xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội cần phải được ưu tiên, cần phải được quan tâm nhưng không có nghĩa giao đất không qua đấu thầu, không qua đấu giá.

“Lý do thỏa đáng để lý giải cho việc như vậy chúng tôi chưa nhìn thấy trong dự thảo. Cần phải được lý giải hết sức rõ, lý do thuyết phục tại sao chúng ta đề xuất như thế để các quy định minh bạch, tránh tiêu cực, tham nhũng. Dựa vào những quy định chung chung thế này rất dễ dẫn tới phía sau có gì đó, lại làm khổ anh em” – ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng quy định trên là không nên: “Ở một địa phương để được xin một mỏ đá vài chục hecta là rất nhiều người muốn vào, tôi cho rằng không có đấu thầu là không được, còn khai thác khoáng sản và khai thác cát nữa. Không đấu giá sẽ thất thu rất lớn cho Nhà nước”.

Cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất./.

Bài liên quan
18 nhóm nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận
Sáng nay 15/1, sau phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất