TRỰC TIẾP: Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

03/11/2023, 08:00

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, 8h00 sáng 03/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Trước khi thảo luận luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tại phiên họp, Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trình bày báo cáo giải trình một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 02/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo số 678/BC-UBTVQH15 (400 trang) về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH). 

Về các nội dung có 1 phương án: Về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78 và Điều 79). Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật bổ sung trường hợp thu hồi đất để “thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật”. Theo quy định này các dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 30 của Điều 79 nhưng nếu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ thực hiện thu hồi đất.

Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật bổ sung quy định về “thực hiện các dự án, công trình vì mục đích lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn”.

Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan (khoản 3 Điều 80 và khoản 5 Điều 87)

Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật đã bổ sung về một trong những trường hợp đáp ứng điều kiện đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư để ban hành quyết định thu hồi đất là sau khi “người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư” (khoản 5 Điều 87) nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng là góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai trên thực tế mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 1 Điều 202), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 29/8/2023, Chính phủ có Báo cáo số 411/BC-CP gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14. Đến ngày 23/10/2023, dự thảo Luật kèm theo Báo cáo số 598/BC-CP bổ sung đối tượng “doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý” để phù hợp với thực tế một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (QPAN) sau khi thực hiện thủ tục công nhận lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 03/2022/QH15 và Nghị định số 16/2023/NĐ-CP ngày 25/4/2023 về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ QPAN và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN thì không được công nhận lại là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ QPAN mà là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN trong khi thực tế đang quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

UBTVQH đề nghị Chính phủ làm rõ đối tượng này là “doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý” hay bao gồm cả doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN do Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 100% vốn; cân nhắc việc mở rộng đối tượng áp dụng không phù hợp với nguyên tắc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 132/2020/QH14 có tính chất thí điểm với đối tượng áp dụng và phạm vi áp dụng giới hạn. 

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bảo đảm các mục tiêu quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng thất thoát, sai phạm, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ QPAN, cơ quan có thẩm quyền phê quyệt có trách nhiệm bảo đảm chặt chẽ trong quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất, các doanh nghiệp được phê duyệt phương án chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện các phương án sử dụng đất bảo đảm hiệu quả. 

Bài liên quan
18 nhóm nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận
Sáng nay 15/1, sau phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất