Cảnh báo lừa đảo từ tiếp nhận các 'kho báu nghìn tỷ'

25/11/2020, 07:49

Thủ đoạn chung của các đối tượng là thành lập doanh nghiệp nhưng không có hoạt động sản xuất kinh doanh để lừa đảo.

Thời gian gần đây, lực lượng công an phát hiện nhiều nhóm cá nhân, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động mang dấu hiệu lừa đảo thông qua việc lập các hồ sơ, đơn thư xin tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tìm kiếm, khai thác “kho báu”, “tiếp nhận di sản”, “tiền trôi nổi”... có giá trị từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. 

Thủ đoạn chung của các đối tượng là thành lập doanh nghiệp nhưng không có hoạt động sản xuất kinh doanh; trực tiếp hoặc thông qua các cá nhân, doanh nghiệp trong nước lập các bộ hồ sơ gửi tới các cơ quan của Đảng, Chính phủ đề nghị xem xét, giải quyết cho tiếp nhận, giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khai thác kho báu... có sử dụng giấy tờ giả mạo của các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn như; hối phiếu/trái phiếu quốc tế, điện chuyển tiền, chứng từ bảo lãnh, chứng nhận sở hữu tài sản, di sản thừa kế có giá trị hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng; thậm chí sử dụng các văn bản tiếp nhận đơn, thư, phiếu giải quyết văn bản của các cơ quan nhà nước để lấy mẫu dấu, chữ ký và làm văn bản giả mạo để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo lừa đảo từ tiếp nhận các 'kho báu nghìn tỷ' - 1

Ảnh minh hoạ

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ một nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cảnh báo, việc mời gọi tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài hoặc tiếp nhận “kho báu”, “tiếp nhận di sản” chỉ là cái bẫy để lừa đảo.

"Ở góc độ để đầu tư thì ít nhất anh phải có căn cứ để đảm bảo lòng tin vào chuyện gửi tiền. Ai chỉ nghe như vậy mà đã gửi tiền vào đó là những người nhẹ dạ, không có căn cứ để phân tích. Bỏ tiền vào đấy chắc chắn là sẽ mất tiền"- ông Nguyễn Minh Phong phân tích.

Đặc biệt, các đối tượng còn tìm cách tiếp cận những người có ảnh hưởng để tạo sức ép tới nơi xử lý hồ sơ, tiếp nhận đơn thư, tạo uy tín cho bản thân.

Sau đó, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, doanh nghiệp trong nước, các đối tượng tiếp cận, tạo niềm tin và đề nghị ký kết hợp đồng hợp tác hoặc tham gia vào việc lập hồ sơ để đăng ký tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài, khai thác “kho báu”, “di sản, tài sản thừa kế”.

Chưa hết, các đối tượng còn móc nối với các cá nhân là người nước ngoài, Việt kiều tự xưng là “chuyên gia”, người đại diện cho các tổ chức, quỹ tài chính quốc tế rồi đề nghị các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận/vay vốn phải tạm ứng, chi trả các “chi phí cho chuyên gia xét duyệt hồ sơ”, “chi phí tìm kiếm kho báu”... hòng chiếm đoạt tài sản.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư Hà Nội, là không gian ảo nên trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng. Vì vậy, với những người quen biết qua mạng xã hội, hứa hẹn đầu tư để sinh lời với số tiền lớn thì người dân cần hết sức cảnh giác.

"Tránh trường hợp nghi ngờ rồi, đã biết thông tin đó là giả mạo có thể có dấu hiệu tội phạm, nhưng chúng ta lại lôi kéo dụ dỗ hoặc thông tin cho người khác cùng tham gia vào cùng mất tiền. Trong trường hợp này không những chúng ta trở thành nạn nhân mà còn là đối tượng tiếp tay cho tội phạm" - Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Cảnh báo lừa đảo từ tiếp nhận các 'kho báu nghìn tỷ' - 2

Luật sư Đặng Văn Cường.

Trước những cạm bẫy lừa đảo trên không gian mạng, mọi người cần tìm hiểu thông tin để có những hiểu biết nhất định bảo vệ chính mình. Cần cảnh báo chia sẻ với những người thân, không để sập bẫy đối tượng. Bên cạnh đó, khi có thông tin về đối tượng lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn.

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng, các hành vi lừa đảo này nếu không được cảnh báo và ngăn chặn kịp thời thì hậu quả gây ra cho xã hội là rất lớn.

"Những chiêu trò lừa đảo làm cho các hoạt động bình thường đúng đắn của cơ quan, tổ chức hoạt động kinh tế của quốc gia của đất nước bị rối loạn. Điều thứ hai là người tham gia vào trở thành nạn nhân tự nguyện thì bản thân họ đã mất đi một khoản tài sản lớn.

Bên cạnh đó, nó sinh ra một số hệ lụy khác như: Dẫn đến khuynh gia bại sản, cơ quan thì phá sản, gia đình ly tán, mâu thuẫn trong nội bộ trong gia đình, trong cơ quan…. Trong nhiều trường hợp dẫn đến hậu quả tiêu cực như là tự sát, gây ra án mạng hoặc gây thương tích"- Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cảnh báo.

Hoạt động mang dấu hiệu lừa đảo từ tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tiếp nhận các “kho báu nghìn tỉ” đã được Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần.

Một số đối tượng đã bị công an các địa phương khởi tố, điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc phối hợp với các ban, ngành để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cá nhân, doanh nghiệp nêu trên vẫn tiếp tục hoạt động. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân cần hết sức cảnh giác với các thủ đoạn của các đối tượng, tránh để bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bài liên quan
Giả danh "cảnh sát quốc tế" để cưỡng đoạt tài sản tại Hà Nội
Cầm trên tay tấm thẻ "Cảnh sát quốc tế" giả , hai đối tượng người nước ngoài đã thực hiện các vụ cưỡng đoạt tài sản đối với du khách quốc tế trên địa bàn TP Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Nở rộ kỳ thi riêng vào đại học, áp lực và tốn kém cho thí sinh?
Nhiều người lo ngại, việc diễn ra quá nhiều kỳ thi riêng trong tuyển sinh đại học có thể kéo theo các hệ lụy.
Mới nhất