Bác sĩ truyền lửa tinh thần y khoa dấn thân

Kim Dung/VOV-TPHCM | 26/02/2024, 11:58

Với TS.BS Đỗ Nguyên Tín, niềm vui lớn trong ngày 27/2 là khi lập xong một kế hoạch cho chuyến đi vùng đồng bào dân tộc thiểu số “tìm” trẻ bị tim bẩm sinh và chữa trị. Đó là cách vị bác sĩ trẻ gây dựng tinh thần y khoa dấn thân, truyền lửa cho thế hệ học trò và các đồng nghiệp.

Tiếp lửa nghề y khoa dấn thân

12h trưa, trong phòng Cath lab hiện đại của Đơn vị can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM, Trưởng đơn vị can thiệp tim mạch, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM chăm chú theo dõi những thao tác tỉ mỉ của 2 học trò, trong đó có một bác sĩ đến từ Nhật Bản.

Sau những kỹ thuật của học trò, bàn tay khéo léo của - Bác sĩ Tín luồn chiếc ống thông qua da bệnh nhân rồi di chuyển lên buồng tim, chụp lại kích thước của dị tật van động mạch phổi.

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Nguyễn Phú Quý, Đơn vị can thiệp tim mạch cho biết, thời gian đầu các học trò đều được thầy Đỗ Nguyên Tín “cầm tay chỉ việc”. Từ những thủ thuật nhỏ nhất, cấp độ đơn giản, đến nay các bác sĩ trẻ như anh Quý đều đã làm được những ca khá phức tạp. Bác sĩ Tín chỉ quay lại giải quyết những ca bệnh khó.

Để đào tạo, truyền nghề cho thế hệ đàn em, TS.BS Đỗ Nguyên Tín đưa các bác sĩ trẻ đến những hội nghị chuyên ngành tim bẩm sinh trong và ngoài nước, tham gia báo cáo thực tế để trau dồi, nâng cao năng lực và học hỏi được nhiều hơn.

Đáng quý hơn cả là trải nghiệm từ những chuyến đi thực tế khắp các tỉnh thành, đặc biệt là vùng sâu vùng xa để khám chữa bệnh cho các bệnh nhi bị mắc bệnh lý tim bẩm sinh.

Với vai trò là Chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM, TS.BS Đỗ Nguyên Tín quy tụ các cộng sự trẻ, học trò, mang máy siêu âm, tìm về với bệnh nhân khó khăn ở miền Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…. Phát hiện trẻ mắc bệnh, đoàn sẽ đưa các em đến bệnh viện phù hợp để điều trị. Chi phí của những hoạt động này thường được phòng Công tác xã hội- Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ từ nguồn quỹ do các nhà tài trợ đóng góp hoặc anh vận động các nhà hảo tâm  có chung tấm lòng mang lại trái tim lành lặn cho trẻ em Việt.

Chứng kiến những mảnh đời khó khăn, gặp nhiều trường hợp éo le, người trẻ như bác sĩ Quý càng thêm đồng cảm, thấu hiểu hơn với nỗi đau của người bệnh, bao dung hơn và cống hiến nhiều hơn.

Bác sĩ Lê Nguyễn Phú Quý cho biết: “Thầy thường nói rằng niềm yêu nghề giống như là mạch nước ngầm vậy. Dòng nước đó không bao giờ mất đi, luôn âm ỉ chảy dưới lòng đất, lâu bền. Ngoài ra, thầy cũng thường nói, nếu những lúc mà mình nản chí thì hãy nghĩ về những bệnh nhân khó khăn của mình và niềm hạnh phúc mà bệnh nhân có được. Họ có được một cuộc sống khỏe mạnh sau khi được cứu chữa là động lực giúp cho mình vượt qua khó khăn”.

Trưởng thành từ thất bại

Đã một phần tư thế kỷ qua đi, kể từ khi bác sĩ nội trú Đỗ Nguyên Tín được cử đi tu nghiệp ở Đài Loan để học bài bản can thiệp tim bẩm sinh trẻ em. Lúc bấy giờ, tim mạch nhi ở Việt Nam còn sơ khai, hàng trăm trẻ phải chịu cảnh thai lưu khi còn trong bụng mẹ hoặc vừa chào đời. Mỗi năm, Bác sĩ Tín phải ký gần 200 trường hợp bệnh viện trả về vì không cứu được.

Anh quyết tâm phải làm được gì đó để giảm bớt tỉ lệ tử vong. Bác sĩ Tín lăn lộn khắp nơi ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, những nơi có máy DSA, để học hỏi, thực hành và phát triển tay nghề trên từng ca bệnh.

Sau gần 3 năm, khi phòng lab can thiệp tim mạch của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM ra đời, được trang bị máy DSA, Bác sĩ Tín mới có “đất dụng võ”. Ban đầu, số lượng bệnh nhân chờ nhiều, có nhiều bé cũng đã tử vong, khiến anh day dứt vô cùng.

Sau đó, số lượng trẻ bị tim bẩm sinh được sửa lỗi tăng dần. Đến nay, TS.BS Đỗ Nguyên Tín đã sửa tim cho hơn 17.000 trường hợp.

Đầu năm 2024, ca can thiệp tim bào thai đầu tiên ở Việt Nam do ê-kip Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) thực hiện thành công đã mở ra một hướng đi đặc biệt trong lĩnh vực tim mạch trẻ em, điều trước đây ngành y nước nhà chưa làm được. Đây cũng là ca can thiệp bào thai chữa dị tật tim bẩm sinh đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ít ai biết, để có được thành công ấn tượng đó, Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín, phẫu thuật viên chính của ca đặc biệt này đã đau đáu, ám ảnh thời gian dài vì từng thất bại khi can thiệp bào thai trước đó.  

Bác sĩ Tín tự nhận đã trải qua nhiều vấp ngã, vẫn không quên được những ca thất bại. Có trường hợp tử vong do sự kém hiểu biết của bản thân, vì anh chưa biết hết, vì tay nghề chưa cao, đã phải trả giá bằng tính mạng người bệnh. Anh luôn răn mình, phải tiếp tục tìm tòi, học hỏi nhiều hơn nữa, không thể để cái chết của bệnh nhân vô nghĩa.

TS.BS Đỗ Nguyên Tín trăn trở: “Dĩ nhiên là khi bắt đầu làm (hoặc mới vào nghề) thì thường gặp rất nhiều khó khăn và cản trở. Điều quan trọng là mình vì bệnh nhân mà cố gắng. Nếu đã không biết, hoặc trình độ, tay nghề của mình chưa tới để có thể thực hiện kỹ thuật đó, nhưng khi bản thân có đủ khả năng có thể thực hiện được thì tại sao lại không lên kế hoạch cứu em bé. Điều đó khiến mình trăn trở, thôi thúc mình làm”.

TS.BS Đỗ Nguyên Tín cho rằng, nghề y không thể không sai. Quan trọng nhất là dám nhìn nhận cái sai, dám trung thực nói ra cái sai để mình sửa sai và lấy làm bài học cho người khác. Thông điệp và tinh thần luôn luôn học tập đó vẫn tiếp tục được anh nhắc nhở trong phòng lab, trên giảng đường y khoa hay trên những chuyến khám bệnh từ thiện cùng cộng sự về nơi vùng sâu, nẻo xa.

Bài liên quan
Bác sĩ 2 bệnh viện ở Hà Nội cùng 'cân não' mổ lấy thai cho ca bệnh đặc biệt
Hai bệnh viện ở Hà Nội vừa phối kết hợp phẫu thuật cho thai phụ mắc bệnh lý tim bẩm sinh, ca mổ thành công, trẻ chào đời nặng 1,2 kg.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất