Azerbaijan “coi trọng” Armenia, muốn Armenia cùng hợp tác trong khu vực Kavkaz

Trung Hiếu/VOV.VN | 26/02/2021, 06:47

Tình hình Nagorno-Karabakh vốn đặc biệt căng thẳng giữa một bên là Armenia với một bên là Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Nhưng sau cuộc chiến Karabakh lần 2, chính Azerbaijan đề xuất Armenia cùng tham gia hợp tác phát triển vùng Kavkaz.

Sau khi cuộc chiến Nagorno-Karabakh tàn khốc lần 2 giữa Azerbaijan và Armenia kết thúc vào ngày 10/11/2020 bằng một thỏa thuận ngừng bắn thì khoảng một tháng sau đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã đưa ra công thức 6 nước hợp tác tại vùng Kavkaz. Sáu nước trong đề xuất này bao gồm Azerbaijan, Nga, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, và Gruzia.

Đáng lưu ý, Armenia nằm trong số 6 nước của công thức này.

Azerbaijan muốn yên ổn để phát triển

Trước khi có Thỏa thuận ngừng bắn (có hiệu lực từ 10/11/2020) và nhất là trước khi cuộc chiến Karabakh bùng nổ vào ngày 27/9/2020, tình hình trên thực địa bất lợi cho Azerbaijan: “Cộng hòa Artsakh” tự phong (không được quốc tế công nhận) chiếm hoàn toàn vùng lõi Nagorno-Karabakh đồng thời kiểm soát gần như toàn bộ 7 vùng lân cận. (“Cộng hòa Artsakh” - của người tộc Armenia, chiếm 7 vùng lân cận này nhằm tạo vùng đệm an ninh cho họ. Phía “Artsakh” được Cộng hòa Armenia hậu thuẫn dù không công nhận.).

Khi các giải pháp ngoại giao trong một thời gian rất dài không đạt kết quả theo hướng có lợi cho họ, Azerbaijan đã tích cực dùng vũ lực quân sự để thay đổi hiện trạng. Và lãnh đạo của Azerbaijan đã nhiều lần không úp mở về điều này. Vào tháng 12/2020, trong cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã nói thẳng như sau: “Chúng tôi đã thay đổi hiện trạng bằng phương tiện quân sự, đuổi đối phương ra khỏi các vùng đất của chúng tôi”.

Trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 24/2/2021, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov tự tin xác nhận, từ tháng 12/2020, Azerbaijan đã kiểm soát hoàn toàn 7 vùng cận kề Nagorno-Karabakh, đồng thời kiểm soát được cả một nửa vùng lõi Nagorno-Karabakh.

Sau khi Azerbaijan tái chiếm được nhiều vùng lãnh thổ (trực tiếp thông qua vũ lực hoặc gián tiếp thông qua thỏa thuận ngừng bắn ký vào đêm 9/11/2020 giữa Azerbaijan, Armenia, và Nga), Azerbaijan lại chiếm thế thượng phong gần như tuyệt đối và chính là bên mong muốn duy trì hiện trạng nhất. Không phải ngẫu nhiên, giới lãnh đạo Azerbaijan vào lúc này thể hiện rõ hơn bao giờ hết mong muốn hòa bình, tạo dựng ổn định để thúc đẩy phát triển trong nước và khu vực.

Liên quan đến nguyện ước hòa bình này, trong cuộc gặp với người đồng cấp Erdogan vào tháng 12/2020, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev bày tỏ như sau: “Chúng tôi phải lật trang sử, phải chấm dứt tình trạng thù địch... Sau đó [sau khi giành lại nhiều vùng đất –PV], chúng tôi nói rằng chúng tôi sẵn sàng hợp tác. Bằng việc tạo ra một mô hình hợp tác mới, chúng tôi có thể giảm nguy cơ chiến tranh trong tương lai xuống bằng không”.

Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan – đồng minh số 1 của Azerbaijan, đã nói như sau trong cuộc gặp đó: “Chúng tôi không muốn đóng cửa với Armenia vì chúng tôi muốn trở thành chim câu hòa bình”.

Trở lại cuộc họp báo 24/2, Đại sứ Azerbaijan Imanov cho biết, nước ông mong muốn nhân dân các nước láng giềng ở vùng Kavkaz sẽ được sống trong hòa bình và thịnh vượng.

Đại sứ Imanov đã cụ thể hóa công thức 6 bên của Tổng thống Aliyev thành “3+3”, trong đó, 3 nước đầu tiên là Azerbaijan, Nga, và Armenia, còn 3 nước sau dấu cộng là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, và Gruzia.

Như vậy theo công thức cụ thể này, Armenia được đặt vào lõi của mô hình 6 nước. Đây có lẽ không phải điều ngẫu nhiên. Thứ nhất, Armenia là 1 trong 4 nước của vùng Kavkaz. Thứ 2, Armenia có xung khắc trực tiếp với Azerbaijan ở vùng Nagorno-Karabakh cũng như có nhiều “duyên nợ” với Azerbaijan trong lịch sử. Thứ 3, lãnh thổ Armenia nằm xen giữa lãnh thổ chính của Azerbaijan và nước cộng hòa tự trị Nakhchivan thuộc Azerbaijan. Muốn phát triển mạnh mẽ toàn diện đất nước mình và vùng Kavkaz, chính quyền Azerbaijan không thể bỏ qua nhân tố Armenia.

Hơn nữa, để tái thiết 7 vùng lân cận Nagorno-Karabakh cũng như bộ phận lãnh thổ ở lõi Nagorno-Karabakh mà Azerbaijan vừa tái chiếm, điều trước tiên là phải rà phá bom mìn được gài dày đặc ở đây. Sau khi Chiến tranh Karabakh lần 2 kết thúc, tiếp tục có thương vong trong dân thường và binh sĩ ở khu vực này do bom mìn còn nằm trong lòng đất. Chính vì vậy, Đại sứ Azerbaijan Imanov đã bày tỏ mong muốn được phía Armenia cung cấp bản đồ các bãi mìn để hỗ trợ công tác gỡ bỏ mìn tại đây.

Hiện nay, theo lời Đại sứ Imanov, Gruzia vẫn đang cân nhắc về đề xuất 6 nước nói trên, còn Armenia chưa có phản ứng gì về đề xuất đó.

Việc Armenia chưa có phản ứng cũng là dễ hiểu trong bối cảnh Tổng thống Ilham Aliyev ra điều kiện như sau: “Nếu ban lãnh đạo Armenia rút ra kết luận đúng về cuộc chiến, từ bỏ các tuyên bố thiếu cơ sở và hướng về phía trước, thì họ có thể tham gia vào nền tảng hợp tác này”.

Số phận phần còn lại của Nagorno-Karabakh mà Azerbaijan chưa kiểm soát được

Thực hiện Thỏa thuận đình chiến ký vào đêm 9/11/2020, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã được triển khai tại khu vực Nagorno-Karabakh (bộ phận lãnh thổ do “Cộng hòa Artsakh” tự phong của tộc người Armenia vẫn còn kiểm soát). Nhưng vị thế của vùng lõi Nagorno-Karabakh không được Thỏa thuận này đề cập.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV, Đại sứ Imanov cho biết, Azerbaijan hài lòng với những gì lực lượng hòa bình Nga thực hiện tại đây. Ông nói, lực lượng Nga đã đáp ứng các yêu cầu của cả hai phía Azerbaijan và Armenia, đồng thời tham gia rà phá bom mìn và vận chuyển hàng hóa cho người dân khu vực này.

Khi được hỏi về phần còn lại của Nagorno-Karabakh mà Azerbaijan tuyên bố chủ quyền nhưng chưa kiểm soát được, Đại sứ Imanov cho biết Azerbaijan hiện nay tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn (được thực hiện trong ít nhất 5 năm tính từ ngay sau ngày ký), đồng thời vẫn coi người tộc Armenia ở Karabakh như công dân của Azerbaijan. Trước đó đã nhiều lần Tổng thống Ilham Aliyev nhấn mạnh rằng Cộng hòa Azerbaijan là một nhà nước đa dân tộc và ông hứa hẹn cuộc sống tốt đẹp cho người tộc Armenia thiểu số.

Nếu không có sự can dự của Nga, có lẽ Azerbaijan đã nỗ lực dùng sức mạnh quân sự để đánh chiếm nốt vùng lõi nói trên. Nhưng với sự can thiệp tích cực của Nga, có vẻ Azerbaijan đã chấp nhận hài lòng với những gì thu được. Dẫu sao, hiện nay thế trận của Azerbaijan ở đây vẫn vững chắc hơn bao giờ hết. Họ đã nắm 7 vùng quanh Nagorno-Karabakh. Họ cũng đã chiếm được thành phố chiến lược Shusha, từ đó luôn trong tư thế uy hiếp thủ phủ của Nagorno-Karabakh. “Cộng hòa Artsakh” (không được quốc tế công nhận) ở vào thế bị cô lập toàn diện. Trước mắt, chính thể tự xưng này chỉ trông chờ chủ yếu vào lực lượng Nga để duy trì sự tồn tại của mình.

>> Xem thêm: Đối đầu Armenia-Azerbaijan 2020: Đột biến ngoài sức tưởng tượng

Azerbaijan kêu gọi các nước ủng hộ tái thiết Karabakh sau chiến tranh

Trong buổi họp báo 24/2/2021 nói trên, Đại sứ Azerbaijan Anar Imanov cho biết nước ông mong muốn tái thiết các vùng Karabakh vừa được thu hồi. Ông Imanov cho biết, các khu vực này đã bị tàn phá nhiều, và do vậy nhu cầu tái thiết là vô cùng lớn.

Tổng thống Azerbaijan thời gian qua đã đích thân tới vùng này và thực hiện động thái mang tính biểu tượng là “động thổ” xây dựng một sân bay tại đó. Giới lãnh đạo Azerbaijan cam kết sẽ xây dựng vùng này đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Về phần mình, Đại sứ Imanov tiết lộ, Azerbaijan có kế hoạch xây dựng các vùng đất này theo hướng trở thành các đô thị, làng mạc thông minh, sử dụng năng lượng xanh và áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Như vậy, đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư.

Theo ông Imanov, thời gian qua nhiều quốc gia và nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã thể hiện mong muốn được đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng lõi và vùng cận kề khu vực  Nagorno-Karabakh của Azerbaijan.

Đại sứ Imanov cho biết, sắp tới ông sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng Việt Nam hỗ trợ công tác rà phá bom mìn ở Karabakh. Ông đồng thời tuyên bố, Azerbaijan mở rộng cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư tại Karabakh. Đại sứ Imanov khẳng định, do mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp giữa 2 nước từ trước đến nay cũng như trong thời gian qua, Việt Nam nằm trong danh sách ưu tiên của Azerbaijan về kêu gọi đầu tư./.

Bài liên quan
Tổng thống Ai Cập: Cần 90 tỷ USD để tái thiết dải Gaza sau xung đột
Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi cho biết cần 90 tỷ USD để tái thiết Gaza sau những thiệt hại từ xung đột vũ trang giữa Israel và Hamas.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất