Xem xét điều chỉnh thuế để 'hạ nhiệt' giá xăng dầu

15/09/2022, 15:34

Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, trên 100 USD/thùng, chắc chắn phải điều chỉnh thuế để ''hạ nhiệt'' mặt hàng này.

Thị trường xăng dầu trong nước xáo trộn, giá tăng cao ảnh hưởng tới giá hàng hoá trong nước, lạm phát. Nhiều đề xuất cần giảm thêm thuế trong xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT)... ngoài việc giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường.

Sáng 15/9, tại họp báo công bố Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường, giúp giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt. Giá xăng dầu tác động rõ rệt tới rổ hàng hoá (lương thực thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ) trong nước.

Theo ông Thanh, CPI 8 tháng tăng 2,58% so với cùng kỳ 2021, nhưng nếu không kiểm soát tốt giá hàng hoá trong nước, nhất là giá xăng dầu, thì mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% là thách thức. Đã có Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, nhưng Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát tiếp các sắc thuế khác.

Xem xét điều chỉnh thuế để 'hạ nhiệt' giá xăng dầu - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trả lời tại họp báo. Ảnh: Phạm Thắng

Nhiều ý kiến cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT... có nên giảm hay không, ông Thanh cho rằng, theo Nghị quyết 43, chỉ giảm thuế VAT với mặt hàng không tiêu thụ đặc biệt, trong khi đó xăng dầu nằm trong nhóm hàng tiêu thụ đặc biệt nên không giảm được thuế VAT.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ theo dõi chặt chẽ tình hình giá xăng dầu thế giới để đánh giá tác động, từ đó đề xuất giảm các loại thuế với xăng dầu. Thuế bảo vệ môi trường đã giảm kịch khung theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các sắc thuế khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

"Tới giờ chúng tôi chưa nhận được tờ trình của Chính phủ. Ngoài thuế, trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị xem lại các yếu tố cấu thành giá xăng dầu, hay sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu thế nào... để giá trong nước diễn biến theo sát giá thế giới", ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Nghị quyết cũng yêu cầu kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ xăng dầu, nhằm tránh tình trạng khan hiếm giả tạo. Vừa rồi Bộ Công Thương đã kiểm soát, xử phạt hành chính, tước giấy phép tạm thời một số doanh nghiệp.

Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT là hai loại thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết việc việc có trình giảm các loại thuế này hay không phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thị trường thế giới.

"Nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao trên 100 USD/thùng, chắc chắn phải xem xét điều chỉnh thuế, các yếu tố cấu thành trong xăng dầu để hạ nhiệt mặt hàng này. Chính phủ theo dõi tình hình giá xăng dầu thế giới để đề xuất Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới", ông Thanh nói.

Trên cơ sở thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 tổ chức vào tháng 12/2021, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức diễn đàn với tên gọi mới là Diễn Kinh tế xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Diễn đàn năm nay có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc gia và một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.

Diễn đàn năm 2022 dự kiến được tổ chức sẽ bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình, từ đó có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh - xã hội,... đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Các đại biểu sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022. Trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó.

Rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Từ đó, có các đề xuất, kiến nghị và giải pháp.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bài liên quan
Giá xăng dầu hôm nay 6/5: Có dấu hiệu hồi phục sau 1 tuần giảm liên tiếp
Giá dầu thế giới hôm nay hồi phục nhẹ nhờ kỳ vọng giá thấp hơn có thể thúc đẩy Mỹ bắt đầu mua vào để bổ sung kho dự trữ chiến lược của nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hùng tráng Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra hùng tráng, trang trọng vào sáng nay (7/5) tại Sân vận động tỉnh Điện Biên (phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ).
  • Lo lãi suất tăng, người mua nhà vội vã xuống tiền
    Đã có ngân hàng tăng lãi suất cho vay mua nhà ngay khi hết quý đầu năm, người có nhu cầu mua nhà để ở đang mạnh tay xuống tiền khi giá khó hạ thêm.
  • Ngày vui nhất sau 70 năm của đồng bào Tây Bắc
    Dù trời đổ mưa lớn trong sáng ngày kỷ niệm nhưng không cản nổi không khí ngày hội lớn trên các con phố của thành phố Điện Biên Phủ, đồng bào khắp vùng Tây Bắc đã về đây, cùng cờ hoa đón mừng đoàn quân diễu binh, diễu hành.
  • Hải quân Nhân dân Việt Nam - 69 năm một lòng giữ biển
    VOVLIVE - 69 năm một lòng giữ biển, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã và đang lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời trở thành Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, với đầy đủ các thành phần lực lượng, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
Mới nhất