LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tên gọi Việt Nam – Điện Biên Phủ, tên gọi Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử nhân loại. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Christian C.Lentz (Đại học North Carolina Chapel Hill, Hoa Kỳ) nhận định: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới.
Âm vang của Chiến thắng Điên Biên Phủ đã có sức lan toả như thế nào? Đây cũng là nội dung được đề cập trong bài 4 trong loạt bài“Cuộc đấu trí cân não”.
Trải qua 56 ngày đêm đấu trí với thực dân Pháp, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn nặng nề vào nền móng của chủ nghĩa thực dân Pháp. Trải qua 9 năm tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, giới cầm quyền nước Pháp bị lục đục và chia rẽ sâu sắc.
Trong thời gian 9 năm, 20 lần Chính phủ Pháp bị đổ, trung bình mỗi Chính phủ tồn tại 7 tháng, có Chính phủ chỉ tồn tại trong vòng một tuần lễ. Cũng trong thời gian này, Pháp đã 7 lần triệu hồi Toàn quyền Đông Dương về nước.
Về quân sự, gần nửa triệu binh lính Pháp bị thiệt mạng. 8 đời Tổng chỉ huy kế tiếp nhau thua trận. Chỉ riêng trận Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.000 binh lính cùng tướng De Castries.
Về kinh tế, chiến tranh Đông Dương là một gánh nặng quá sức chịu đựng của nước Pháp. Trong thời gian 9 năm, nước Pháp đã tiêu tốn hơn 2.600 tỷ Franc và 2.600 triệu USD viện trợ của Mỹ. Vì thế, Chiến thắng Điện Biên Phủ là tiếng sét ngang tai giữa ban ngày đối với nước Pháp. Mặc dù được dự báo trước, nhưng sự thất bại này khiến cho những nhà cầm quân của nước Pháp hoàn toàn sụp đổ.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết, khi Điện Biên Phủ thất thủ, cách đó nửa vòng trái đất, cả nước Pháp gần như chết lặng. Cao ủy Pháp tại Đông Dương đã gửi ngay cho người Pháp ở Đông Dương một bức thông điệp với lời lẽ chua chát: Điện Biên Phủ không còn nữa, không việc gì mà chúng ta phải giấu giếm cái đòn mà ta phải chịu. Sau Điện Biên Phủ, trong thế bị động, Mỹ đã lập ra các khối liên minh nhằm ngăn chặn ảnh hưởng và tác động của Điện Biên phủ ra các nước xung quanh.
"Rõ ràng chiến thắng Điện Biên Phủ đã có tác động sâu sắc và làm thay đổi thế giới", Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên cho biết.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa đã bắt đầu có sự chuyển biến. Nhưng bước ngoặt mới, chuyển biến mới chỉ thực sự đến sau Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam. Lúc này, cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức mới thực sự dâng cao. Cơn hấp hối của chủ nghĩa thực dân mới chính thức bắt đầu.
Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, vào thời điểm lúc đó, chưa có một dân tộc thuộc địa nào bằng chính sức mạnh của mình đứng lên giành độc lập. Do vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành sự kiện tiên phong cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa vùng dậy đấu tranh giành độc lập.
"Có thể nói Chiến thắng Điện Biên Phủ là tiếng chuông cảnh tỉnh các dân tộc trên toàn thế giới đấu tranh giành độc lập, chống lại chủ nghĩa thực dân. Và nó cũng là tiếng chuông báo tắc tử của chủ nghĩa thực dân cũ", PGS.TS Trần Đức Cường cho biết.
Tiến sĩ Trần Thị Nhẫn (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài ý nghĩa rất lớn, sâu sắc đối với dân tộc ta, Chiến thắng Điện Biên Phủ còn có ý nghĩa thời đại rất lớn. Chiến thắng đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh. Điều đó được mở đầu bằng thắng lợi cách mạng Cuba và của các nước thuộc địa ở Châu Phi, Mỹ La Tinh trong thập niên 60 của thế kỷ 20.
Ở Châu Phi, vào thời điểm năm 1954, thực dân Pháp đã có tới 32 lãnh thổ thuộc địa, chiếm 90% hệ thống thuộc địa Pháp trên thế giới. Với tấm gương Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam, phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Phi bắt đầu bước sang một giai đoạn mới. Châu Phi đã thực sự vùng lên.
Điển hình cho phản ứng dây chuyền từ Điện Biên Phủ là Algeria. Noi gương Việt Nam, nhân dân Algeria đã phát động khởi nghĩa vũ trang. 8 năm sau đó, người Pháp đã buộc phải thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Algeria, chấm dứt vĩnh viễn nền thống trị hơn 130 năm tồn tại của chủ nghĩa thực dân trên đất nước có diện tích lớn nhất lục địa đen này.
Ông Mourad Lamoudi, Uỷ viên Trung ương, Cố vấn Tổng Thư ký, phụ trách Đối ngoại Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria khẳng định: "Các dân tộc bị thuộc địa hồi đó xem chiến thắng Điện Biên Phủ một cách đầy ngưỡng mộ và hết sức yêu mến dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo cảm hứng cho các nước bị thuộc địa, bởi vì khi dân tộc Việt Nam đánh bại thực dân Pháp là lúc họ mở ra hy vọng cho các dân tộc khác, nhất là những nước bị Pháp đô hộ như Algeria và các nước ở Nam Phi, Tây Phi, hay Trung Phi. Cũng rất thú vị là ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, thì cách mạng Algerie bùng nổ vào ngày 1/11/1954. Cuộc cách mạng của Algeria đã lấy cảm hứng và học tập theo cuộc cách mạng của Việt Nam".
Nếu như năm 1954 ở Châu Phi mới có 720.000 km2 với 18 triệu dân thoát khỏi ách nô lệ, thì sau năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến năm 1959, con số đó đã tăng lên 27 triệu km2 với hơn 37 triệu dân. Đặc biệt, năm 1960, phong trào giải phóng dân tộc của các nước Châu Phi thực sự trở thành bão táp cách mạng.
Năm 1960 đi vào lịch sử với tên gọi lịch sử là “Năm châu Phi” với sự kiện 17 nước Châu Phi tuyên bố độc lập. Không dừng lại ở đó, các nước thuộc địa của Anh và Bồ Đào Nha cũng vùng lên và giành quyền độc lập vào những năm 70 của thế kỷ 20. Như vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành niềm cảm hứng, là ngọn đuốc soi đường cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh.
Theo PGS.TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sử học, cũng từ Chiến thắng Điên Biện Phủ mà sau này nhân dân và Chính phủ các nước Châu Phi luôn giành cho Việt Nam những tình cảm trọng thị nồng ấm.
Cũng theo PGS.TS Võ Kim Cương, khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến đi công tác nước ngoài, khi quá cảnh qua thủ đô Dares Salaam của Tanzania, trong lúc đó, Tổng thống đất nước này đang đi công tác vắng, nên ông đã cử ngay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra tận sân bay để chào xã giao và tỏ lòng ngưỡng mộ đối với vị Đại tướng huyền thoại không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của nhân dân các nước.
"Trong lúc đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tanzania đã phát biểu rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Đại tướng của Việt Nam mà còn là Đại tướng của nhân dân các nước châu Phi", PGS.TS Võ Kim Cương cho biết.
Nói về tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ, tờ báo hàng đầu của Mỹ là New York Times ra ngày 6/5/1954 đã viết: Vài tháng trước còn chưa ai được nghe về thung lũng xa xôi ở khu rừng rậm Đông Nam Á này, nhưng từ hôm nay, 3 tiếng Điện Biên Phủ vang vọng trên khắp thế giới và đi vào lịch sử như một trận đánh được viết thành sử thi. Từ Điện Biên Phủ có thể bị phát âm sai, nhưng trên môi mỗi chúng ta, nó vẫn là từ đồng nghĩa với những phẩm chất như quả cảm, bền bỉ. Đó chính là những gì đem lại vinh quang cho nhân loại.
Điện Biên Phủ chính là thắng lợi đầu tiên của các dân tộc thuộc địa trước đội quân xâm lược nhà nghề của một đế quốc lớn. Vì trước trận Điện Biên Phủ, trong suốt 500 năm lịch sử chế độ thuộc địa, chưa từng có một nước nào đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn, chưa có một nước thuộc địa nào dùng phương pháp hoà bình buộc các nước thống trị phải trao trả độc lập thực sự.
Như thế, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thực sự tạo nên một cơn dư chấn trong đời sống chính trị nhân loại, mà cho đến hôm nay và mai sau, chúng ta vẫn tự hào để nói về điều đó.