Trà Vinh quan tâm bảo tồn nét đặc trưng của Lễ hội Ok om bok đồng bào Khmer

Sa Oanh/VOV-ĐBSCL | 01/11/2020, 08:45

Hàng năm vào ngày rằm tháng Mười Âm lịch (đồng bào Khmer gọi là tháng K-đấc), hàng vạn người ở khắp nơi đổ về Khu di tích văn hóa, lịch sử Ao bà om thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh để tham gia lễ hội Ok om bok.

Lễ hội Ok om bok là một trong ba lễ lớn của đồng bào Khmer Nam bộ gồm, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ cúng ông bà Sên Đôn ta và lễ Cúng trăng Ok om bok. Đặc biệt lễ hội Ok om bok dù tổ chức ngày một quy mô hơn nhưng vẫn đậm chất văn hóa Khmer.

Nếu như nhiều tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer sinh sống như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang…, lễ hội Ok om bok luôn sôi nổi với môn đua ghe Ngo truyền thống thì ở Trà Vinh lại nặng về nghi thức cúng trăng. Bên cạnh thực hiện nghi thức cúng trăng tại nhà, tại chùa mọi người tập hợp tại Khu di tích văn hóa, lịch sử Ao bà om tại Phường 8, TP Trà Vinh để tham gia lễ hội. Theo đó nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, giải trí của bà con, những năm gần đây Trà Vinh luôn tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch gắn với lễ hội Ok om bok nhưng chủ đạo vẫn là các hoạt động mang tính truyền thống của đồng bào Khmer.

Ông À Cha Thạch Thanh, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải cho biết: “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện cho đồng bào Khmer giữ gìn, bảo tồn phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và lưu giữ những nét truyền thống của dân tộc mình. Vậy văn hóa truyền thống có bị mai một hay không là do chúng ta thôi”. 

Lễ hội năm nay được tổ chức trong thời gian 7 ngày, gồm các hoạt động như triển lãm “Du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long”; Hội chợ Thương mại – Du lịch; Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Khmer; Hội thi trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Khmer; Đua ghe Ngo...Đặc biệt chương trình Đêm lễ hội Ok om bok với nghi thức Cúng trăng, thả hoa đăng, đèn gió cùng với nhiều tiết mục đặc sắc khác.

Nghệ nhân Lâm Phen ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề chế tác mặt nạ truyền thống. Sản phẩm của ông luôn có mặt tại gian trưng bày mỗi dịp lễ Ok om bok. “Những vật dụng, đồ vật của ông bà ngày xưa, nơi nào còn lưu giữ được thì mang về trưng bày để con cháu chiêm ngưỡng, tìm hiểu để rồi cũng nhau gìn giữ bảo tồn.” - nghệ nhân Lâm Phen cho biết.

Một trong những hoạt động thu hút nhiều người quan tâm nhất là Hội thi trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Khmerk, đặc biệt với các nhà thiết kế, tạo mẫu và bạn trẻ yêu thích trang phục truyền thống. Năm nay có 10 đơn vị tham gia gồm 9 huyện, thị và Đại học Trà Vinh; cùng hơn 120 người đăng ký tham gia luyện tập, tranh tài với nhau. Các mẫu trang phục được mang đến trình diễn từ trang phục sinh hoạt thường nhật, trang phục lao động, lễ hội… đến trang phục lễ cưới. Hội thi không chỉ góp phần làm phong phú thêm sắc màu lễ hội mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu biết và yêu mến trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ sĩ ưu tú Thạch Sết, ở TP. Trà Vinh cho biết: “Những trang phục truyền thống chỉ thường thấy trong bảo tàng thì chỉ là đồ trưng bày, thiếu đi chất sống. Việc biểu diễn nó giúp phần nào đưa trang phục truyền thống vào đời sống, qua đó sẽ tác động đến giới trẻ có ý thức giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc mình”.

Dù không quy mô như tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang nhưng môn đua ghe Ngo không thể thiếu tại mỗi dịp Lễ Ok om bok của đồng bào Khmer Trà Vinh. Vì là môn thể thao truyền thống nên Trà Vinh rất quan tâm, tạo điều kiện phát triển môn thể thao này. Cụ thể từ năm đầu tái lập tỉnh, Trà Vinh đã đầu tư đóng ghe Ngo và bàn giao cho các chùa, phum sóc có đủ điều kiện tập luyện môn này. Hiện Trà Vinh có 8 đội ghe Ngo, mỗi đội có ghe Ngo từ 1-2 chiếc, tất cả đều do tỉnh đầu tư kinh phí. Riêng mỗi dịp lễ hội Ok om bok hay chuẩn bị cho giải đua ghe cả trong và ngoài tỉnh, địa phương đều hỗ trợ kinh phí đối với vận động viên tham gia tập luyện.

Ông Thạch Mu Ni, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: "Giải đua ghe ngo được Trà Vinh tổ chức từ khi mới tái lập tỉnh. Đua ghe Ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, do đó ai cũng mong đến ngày tổ chức để tham gia, cổ vũ thỏa thích. Không chỉ đồng bào Khmer, cả đồng bào Kinh và các dân tộc khác đều đến cổ vũ".

Lễ hội Ok om bok - lễ hội mang tín ngưỡng dân gian của đồng bào Khmer Nam bộ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” vào năm 2014. Kể từ đó lễ hội được tổ chức ngày một quy mô hơn, với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí; vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại. Hiện lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa của cả vùng, không chỉ là lễ hội riêng của đồng bào Khmer mà là của cả cộng đồng các dân tộc cùng chung sống./.

Bài liên quan
Video: Lễ hội Ok - Om- Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ
VOVLIVE - Lễ hội Ok-Om-Bok đã trở thành một lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ. Đó là khát vọng, ước nguyện về một cuộc sống tốt đẹp, viên mãn, là tấm gương phản chiếu lòng biết ơn của người Khmer với thiên nhiên và đấng tạo hóa

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất