Đề nghị công nhận Tháp Bà Ponagar là di tích đặc biệt cấp quốc gia

Thái Bình/VOV-Miền Trung | 30/04/2024, 15:50

Khu di tích Tháp Bà Ponagar với những giá trị di sản độc đáo xứng đáng được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, di sản văn hóa của nhân loại.

Khu di tích Tháp Bà Ponagar với những giá trị di sản độc đáo xứng đáng được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, di sản văn hóa của nhân loại. Đây là những ý kiến vừa được các nhà nghiên cứu đưa ra tại Hội thảo "Phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar gắn với phát triển du lịch bền vững" do UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức nhân Lễ hội vía Bà năm 2024 đang diễn ra. 

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 200 di tích thờ và phối thờ Mẫu Thiên Y A Na. Trong đó, di tích Tháp Bà Ponagar là trung tâm của tín ngưỡng này. Tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt, tồn tại cộng sinh, song hành với tục thờ Mẹ xứ sở của đồng bào Chăm. Tháp Bà Ponagar là trung tâm thờ tự quan trọng của người Chăm và người Việt không chỉ ở Khánh Hòa mà còn là nơi hành hương của đông đảo người Việt Nam. Di tích Tháp Bà Ponagar có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Mỗi công trình trong quần thể di tích này chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo của nền văn hóa Chămpa.

Tháp Bà Ponagar có tổng diện tích hơn 57 ngàn m2 trên ngọn đồi bên dòng sông Cái đổ ra vịnh Nha Trang.  Phó Giáo sư- Tiến sỹ Ngô Văn Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, đến nay,  Tháp Bà Ponagar vẫn còn đứng vững 5 công trình kiến trúc mang những sắc thái khác nhau của vương quốc cổ Champa.  Hiếm có di tích kiến trúc Champa nào bao chứa nhiều kiểu kiến trúc khác nhau như vậy. Sau Di sản thế giới Mỹ Sơn, các công trình ở Tháp Bà Ponagar Nha Trang là những di sản lịch sử văn hóa nghệ thuật của đất nước. Đặc biệt, di tích này tồn tại hết thời Champa, sau này được người Việt Nam thực hành nghi lễ, bảo tồn.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Ngô Văn Doanh cho biết: "Trong tất cả các di tích đền, tháp Champa thì duy nhất chỉ có Tháp Bà Ponagar Nha Trang được người Việt tiếp tục sử dụng. Có sự tiếp biến văn hóa kỳ lạ, duy nhất nơi đây còn "sống", được người Việt tôn thờ, được tồn tại đến hôm nay. Trong số các di tích đền, tháp Champa đây là di tích thờ Mẫu xưa nhất, không những của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Nam Á này".

Từ những năm 1990 đến 2010, di tích Tháp Bà Ponagar được trùng tu, tôn tạo tương xứng. Thời gian qua, Tháp Bà Ponagar Nha Trang là điểm đến tham quan hấp dẫn nhất. Năm 2019, di tích này đón hơn 2,9 triệu lượt khách tham quan, năm 2023 đón hơn 1,3 triệu lượt khách tham quan. Nguồn kinh phí thu được từ hoạt động tham quan di tích này được tỉnh Khánh Hòa trích lại để xây dựng, trùng tu các di tích cấp tỉnh cũng như hỗ trợ các hoạt động lễ hội dân gian của tỉnh. Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xây dựng thêm các chương trình tham quan hàng đêm như "Trăng soi dáng Tháp", "Linh thiêng xứ Trầm" để thu hút du khách.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc phát huy giá trị di tích và các sinh hoạt văn hóa liên quan đến tháp Bà Ponagar gắn với phát triển du lịch bền vững là yêu cầu tất yếu và cần thiết đối với sự phát triển của địa phương: "Hội thảo này để tất cả mọi người hiểu biết hơn về di tích Tháp Bà Ponagar sau khi được công nhận 2 loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia. Từ đó, chúng ta hướng tới xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đây là di tích đặc biệt cấp quốc gia. Tôn vinh lên, giữ gìn hơn, làm cho di tích có giá trị hơn trong thời thời kỳ phát triển kinh tế và hội nhập".

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng làm thế nào để cụm di tích Tháp Bà Ponagar được phát huy "sức mạnh văn hóa" trong đời sống xã hội của địa phương là vấn đề quan trọng. Bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích Tháp Bà Ponagar gắn với sự phát bền vững của tỉnh Khánh Hòa cần phải làm rõ hơn các giá trị nổi trội từ góc nhìn một di tích quốc gia đặc biệt. Từ đó, việc khai thác, kết nối sản phẩm du lịch tại cụm di tích với tư cách là nguồn lực văn hóa cho sự phát triển bền vững, góp phần tạo nên thương hiệu văn hóa cho thành phố du lịch.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Đặng Văn Bài đề nghị: "Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Khánh Hòa sớm làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Tháp Bà Ponagar là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là thiết chế văn hóa của người Chăm, bây giờ lại lồng ghép được tín ngưỡng của người Việt vào, có giá trị đặc sắc hơn rất nhiều".

Bài liên quan
Bắt giữ nghi phạm vô cớ đánh vào đầu nhiều phụ nữ đi đường làm 1 người chết
Hôm nay (10/5), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chuyển toàn bộ hồ sơ đối tượng Lầu Vũ Nhật Đăng lên Phòng Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa tiếp tục điều tra, xử lý đối tượng về hành vi giết người.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII của Tổng Bí thư
Sáng nay (16/5), Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành phiên khai mạc.
Mới nhất