“Tốc độ Trung Quốc” trong chính sách Covid-19

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh | 28/12/2022, 12:33

Tốc độ Trung Quốc” là cách mà nước này thường dùng để ví von sự phát triển nhanh chóng mà Trung Quốc đạt được trên nhiều lĩnh vực. Giờ đây, thế giới còn được chứng kiến “tốc độ Trung Quốc” trong cả những thay đổi về chính sách Covid-19.

Chỉ trong vòng vỏn vẹn một tháng rưỡi cuối năm 2022, từ quốc gia kiên trì với “Zero Covid” suốt 3 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc đã tuyên bố hạ cấp quản lý Covid-19 và hướng tới mở cửa biên giới vào ngày 8/1/2023.

Ngay sau khi các quy định mới được ban hành, tại cuộc họp báo chiều ngày 27/12, ông Lý Bân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khẳng định, chính phủ nước này đang chiến đấu trong một “cuộc chiến được chuẩn bị sẵn”, tuyệt đối không phải là buông xuôi một cách thụ động.

Mặc dù vậy, ông Lương Vạn Niên, Trưởng nhóm chuyên gia của Tiểu tổ lãnh đạo về ứng phó và xử lý Covid-19 thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, vẫn thẳng thắn thừa nhận trong giai đoạn đầu điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch, số ca nhiễm có thể gia tăng, dẫn đến không đủ thuốc cung ứng, nguồn lực y tế ở một số nơi bị quá tải, thậm chí gây hoang mang dư luận. Ông cho biết, giới chức nước này đang tích cực chuẩn bị cho các rủi ro trên, bao gồm tăng cường tiêm chủng và đảm bảo thuốc men, hoàn thiện cơ chế phân cấp chẩn đoán và điều trị, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân để đảm bảo quá trình chuyển tiếp diễn ra suôn sẻ.

Hạ cấp quản lý Covid-19

Kể từ tháng 1/2020, Trung Quốc đã phân loại Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B nhưng quản lý theo các giao thức nhóm A. Điều đó đồng nghĩa với việc suốt 3 năm qua Trung Quốc đã coi Covid-19 như một căn bệnh nguy hiểm ngang với các bệnh nhóm A, cho phép chính quyền địa phương đưa bệnh nhân và những người tiếp xúc gần vào diện cách ly và phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng.

Các loại bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ở Trung Quốc bao gồm dịch hạch và dịch tả, trong khi có 27 bệnh thuộc nhóm B, gồm SARS, AIDS và bệnh than. Trong số 11 loại bệnh bị liệt vào nhóm C có cúm mùa, rubella và quai bị.

Việc Trung Quốc tuyên bố hạ cấp quản lý Covid-19 từ ngày 8/1/2023 từ nhóm A xuống nhóm B trên thực tế là động thái tiếp theo sau 10 biện pháp mới tối ưu hóa công tác phòng chống dịch được nước này công bố hôm 7/12. Ngay từ khi đó, Trung Quốc đã cho phép những người mắc Covid-19 dạng nhẹ và không triệu chứng được cách ly tại nhà. Đây được đánh giá là một thay đổi quan trọng trong chiến lược phòng chống Covid-19 ở Trung Quốc vào thời điểm đó, bởi trước đó trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát toàn bộ cộng đồng đã bị phong tỏa, đôi khi trong nhiều tuần, chỉ sau một trường hợp dương tính.

Ngoài việc dỡ bỏ mọi biện pháp phong tỏa, thì việc quản lý Covid-19 theo các bệnh nhóm B còn đồng nghĩa với việc mọi hình thức cách ly cũng bị xóa bỏ. Tiếp theo thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia tối muộn ngày 26/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/12 cũng cho biết, kể từ ngày 8/1/2023, người nhập cảnh vào nước này sẽ không còn bị cách ly tâp trung, mà chỉ phải làm xét nghiệm axit nucleic 48 giờ trước khi khởi hành. Những người có kết quả âm tính sẽ được nhập cảnh mà không cần phải xin mã sức khỏe màu xanh từ các Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc ở nước ngoài. Tuy nhiên, họ vẫn phải điền kết quả vào tờ khai y tế hải quan, nếu có kết quả dương tính thì sẽ chỉ được đến Trung Quốc sau khi có kết quả âm tính. Những người khai báo sức khỏe bình thường và không có bất thường trong quá trình kiểm dịch tại hải quan cửa khẩu sẽ được tham gia ngay các hoạt động ngoài xã hội.

Về mặt giao thông, trước kia các chuyến bay nhập cảnh vào Trung Quốc phải chịu hàng loạt các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, như hạn chế số chuyến bay, số khách trên chuyến bay, thậm chí dừng bay trong nhiều tuần nếu phát hiện ca mắc Covid-19. Sau khi hạ cấp quản lý, không những các quy định này bị hủy bỏ, số lượng chuyến bay quốc tế còn được tăng dần lên, các quy trình kiểm dịch tại sân bay cũng sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Ngoài ra, còn có một số sự thay đổi khác về mặt kỹ thuật và trọng tâm công tác phòng chống dịch. Nhìn chung, mặc dù chưa thể trở về hoàn toàn giống trước khi dịch bùng phát, nhưng về cơ bản Trung Quốc đã sẵn sàng để mở cửa biên giới.

Trung Quốc đang đối phó ra sao với giai đoạn đỉnh dịch?

Đến nay, một số địa phương ở Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh đã qua đỉnh dịch đầu tiên và đang từng bước quay trở lại nhịp sống bình thường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tỉnh, thành khác hiện vẫn đang trong hoặc sắp đến đỉnh dịch.

Bắc Kinh là một trong những thành phố đầu tiên mở cửa sau khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp nới lỏng mới. Sự xoay đầu chính sách Covid-19 nhanh chóng của Trung Quốc khiến nhiều người dân Bắc Kinh cảm nhận rõ tình trạng thiếu thốn thuốc men và vật tư y tế trong khoảng 2 tuần đầu kể từ ngày 7/12. Sẽ rất khó để có thể mua được kit xét nghiệm kháng nguyên, thuốc cảm, ho, hạ sốt vào thời điểm này, bởi các nhà thuốc đã nhanh chóng bán hết sạch trước làn sóng tích trữ của người dân.

Tại nhiều bệnh viện, lực lượng y bác sĩ bị mắc Covid-19 cũng ngày càng nhiều khiến công tác khám chữa bệnh gặp phải không ít khó khăn. Các nhân viên giao hàng của các hãng chuyển phát nhanh cũng mắc bệnh hàng loạt khiến hàng hóa cần chuyển bị tồn đọng nhiều ngày.

Ngay sau đó, Bắc Kinh cũng như nhiều nơi khác đã phải huy động lực lượng giao hàng từ các địa phương khác đến tương trợ hoặc kêu gọi người dân địa phương tham gia giao hàng tự nguyện có trả phí trong điều kiện có thể.

Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, nhiều bệnh viện trên cả nước Trung Quốc ngoài việc khuyến khích các nhân viên hành chính tham gia khám chữa bệnh, còn kêu gọi những nhân viên y tế mắc Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng tiếp tục làm việc. Cách làm tương tự cũng áp dụng với các cán bộ công chức các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, cũng như doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp.

Hiện tại, công tác phòng chống dịch của Trung Quốc đã chuyển từ kiểm soát lây nhiễm sang điều trị y tế. Theo ông Thường Kế Lạc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia Trung Quốc, sau khi hạ cấp quản lý, công tác này sẽ tập trung vào ba trọng tâm chính. Thứ nhất là tăng cường bảo vệ các nhóm đối tượng trọng điểm, gồm nâng cao hơn tỷ lệ tiêm vaccine cho người cao tuổi, bảo đảm cung ứng đủ thuốc men, điều tra y tế đối với nhóm có nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên... Thứ hai là tăng cường kiểm soát các cơ sở trọng điểm, như viện dưỡng lão, nhà phúc lợi xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục mầm non... Thứ ba là làm tốt công tác phòng chống dịch trong các ngành trọng điểm, như những ngành đảm bảo hoạt động xã hội cơ bản, gồm công an, giao thông, hậu cần, nước, điện, sưởi ấm...

Ông cũng cho biết, nếu dịch bùng phát nghiêm trọng, nước này có thể vẫn áp dụng các biện pháp quản lý cần thiết đối với những nơi có sức chứa lớn, không gian khép kín như nhà ga, bến tàu, siêu thị, khu vui chơi giải trí lớn, phương tiện di chuyển, nhằm giảm thiểu sự tập trung đông người và sự di chuyển của người dân trong thời gian ngắn, hay tạm dừng tổ chức các hoạt động quy mô lớn để dập tắt đỉnh dịch.

Trung Quốc làm gì để đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu?

Trong giai đoạn này, các mặt hàng thiết yếu đối với người dân Trung Quốc chính là thuốc men và vật tư y tế. Thời gian đầu bước vào đỉnh dịch, Bắc Kinh đã bị cháy những mặt hàng này. Giờ đây, kịch bản tương tự vẫn xảy ra ở một số nơi, kể cả các tỉnh, thành lớn.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ đợt mở cửa đầu tiên, để đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận với thuốc điều trị, nhiều nhà thuốc đã chia nhỏ các loại thuốc hạ sốt và bán theo số lượng viên hoặc gói. Bên cạnh việc gia tăng các phòng khám sốt trong các bệnh viện và trạm y tế cơ sở, các điểm xét nghiệm thường xuyên trước đây cũng đã được trưng dụng và cải tạo thành các trạm chẩn đoán và cấp phát thuốc tạm thời cho người dân. Một số nơi còn bố trí xe lưu động đến các vùng nông thôn để thăm khám cho cư dân địa phương.

Trong một cuộc họp mới đây dưới sự chủ trì của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Ủy ban Thường vụ Quốc vụ viện Trung Quốc đã yêu cầu nước này vừa phải ổn định và đảm bảo kinh tế vận hành trong phạm vi hợp lý, vừa phải tăng cường các biện pháp ổn định nguồn cung và giá cả các mặt hàng trọng điểm, trong đó có vật tư y tế và thuốc men phòng chống dịch. Chính phủ nước này cũng tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, nhập khẩu hợp lý các sản phẩm cần thiết phục vụ công tác phòng chống dịch.

Theo các chuyên gia Trung Quốc dự đoán, nước này sẽ cần tối thiểu 3 tháng để vượt qua đợt dịch lần này sau khi nới lỏng. Áp lực chống dịch hiện này vẫn còn rất lớn, hy vọng với những bài học và kinh nghiệm đúc rút được trong thời gian vừa qua, khi đỉnh dịch lan dần về vùng nông thôn vào dịp Tết Nguyên đán, Trung Quốc có thể đối phó một cách bài bản và hiệu quả hơn./.

Bài liên quan
Bác sĩ chống dịch ủng hộ chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B
Trao đổi với phóng viên VOV, BS. Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, xét về các yếu tố diễn biến dịch trong nước, cũng như đặc điểm sinh học của virus SARS-CoV-2, thì việc đưa ra quyết định chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là hoàn toàn hợp lý và khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.
Mới nhất