Khi du lịch thế giới phục hồi mạnh mẽ, ngày càng nhiều điểm đến chứng kiến các cuộc biểu tình do những hệ lụy về quá tải du lịch. Người dân ở một số thành phố tại châu Âu thậm chí còn kêu gọi khách du lịch "trở về nhà". Các điểm đến như Amsterdam hay Venice tìm các giải pháp nhằm hạn chế bớt du khách. Tình trạng quá tải du lịch đã trở thành một vấn đề thực sự cần quan tâm và nghiên cứu sau đại dịch Covid-19.
Quá tải du lịch là gì?
Tình trạng quá tải xảy ra khi rất nhiều người quyết định đến cùng một địa điểm, trong cùng một thời điểm. Khi đó, một số dịch vụ và hạ tầng bị quá tải, tạo ra sự căng thẳng và ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách du lịch. Hơn nữa, sự đông đúc chật chội có thể khiến cả du khách và người bản địa có những hành vi không phù hợp.
Tuy nhiên, vẫn thiếu một thước đo chung về tình trạng quá tải khách du lịch. Đây là hiện tượng mà mỗi cá nhân, du khách, cơ sở kinh doanh hay nhà quản lý lại có cảm nhận và đánh giá khác nhau. Thực tế là một số du khách ghét đám đông, nhưng cũng có nhiều người thích sự đông đúc. Bởi lẽ, du lịch mang đến hiệu ứng lan tỏa về mặt kinh tế và tạo ra nhiều việc làm.
Để hiểu rõ hơn tình trạng quá tải du lịch, hành vi và suy nghĩ của người dân địa phương cần được phân tích. Gần đây trong một cuộc biểu tình tại Tây Ban Nha, đã có trường hợp người địa phương phun nước vào khách du lịch. Đây được cho là hành vi bất thường, vì người địa phương thường tỏ ra hiếu khách trừ khi họ thực sự "chán ngấy". Giả thiết đặt ra là người dân muốn du khách chỉ nên tập trung ở các tụ điểm du lịch, để cư dân có thể duy trì sự tôn nghiêm của khu phố mà họ đã sinh sống lâu đời.
Tuy nhiên đối với một số du khách, nhiều người cho rằng nếu chỉ lưu lại các khu du lịch, chuyến đi của họ chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa" và không xứng đáng với thời gian và tiền bạc bỏ ra. Nhờ sự gia tăng của dịch vụ thuê phòng ngắn hạn hay lưu trú chia sẻ như Airbnb - mà đôi khi do chính người dân địa phương cho thuê - nhiều du khách có thể lưu trú ngay tại các khu vực dân cư. Dịch vụ này cho phép du khách tránh xa những du khách khác và có được trải nghiệm "bản địa" hơn. Tuy nhiên, điều này có thể gây phiền toái cho cộng đồng cư dân nói chung - nếu ngày càng nhiều khách du lịch xâm phạm vào không gian sống của họ.
Mạng xã hội có là tác nhân?
Một số người cho rằng sự ra đời của phương tiện truyền thông xã hội đã có tác động lớn đến ngành du lịch. Trong đó với nhiều người, du lịch thành một biểu tượng địa vị trên mạng xã hội. Trước đây, những tín đồ du lịch sẽ chỉ in những bức ảnh để chia sẻ với gia đình và bạn bè. Ngày nay, họ có thể đăng tải ngay lập tức các hình ảnh của chuyến đi lên nền tảng trực tuyến.
Mạng xã hội dường như cũng tạo ra một cuộc ganh đua, khiến mọi người tìm đến những nơi nổi tiếng hoặc đang là xu hướng. Để có hình ảnh đăng lên mạng xã hội như những người đến trước đó, du khách dễ dàng chấp nhận sự đông đúc. Do đó, các tour du lịch, điểm tham quan đã được nhiều người thử nghiệm và chứng minh thường được ưu tiên hơn, thay vì những nơi ít người biết đến. Những điểm đến quen thuộc cũng mang đến kỳ vọng nhận được giá trị tương xứng với số tiền mà du khách bỏ ra. Điều này củng cố nguyên tắc cơ bản của tình trạng quá tải: rất nhiều người quyết định đến cùng một nơi vào cùng một thời điểm.
Ngoài ra sự an toàn cũng là yếu tố mà du khách cân nhắc và chấp nhận đám đông, nếu vùng đất hẻo lánh xa lạ được xem là ít an toàn hơn một điểm đến đông đúc với dịch vụ du lịch phát triển. Tất cả du khách đều muốn có trải nghiệm vui vẻ trong kỳ nghỉ, và nhiều người trong đó tin tưởng vào những chia sẻ, kiến thức từ cộng đồng - hay chính đám đông du khách từng đến đó. Bất kể tình trạng quá tải có thể không mấy dễ chịu, nhiều du khách sẽ vẫn đến cùng một nơi, trong cùng một lúc, chỉ vì cảm thấy ít rủi ro hơn so với việc chỉ có một mình mà không có khách du lịch nào xung quanh.
Ứng phó với sự quá tải
Trên thế giới, các giải pháp ứng phó với tình trạng quá tải du lịch không ngừng được bổ sung. Với du khách, đầu tiên là thay đổi kế hoạch đi lại để tránh đám đông. Hãy tránh một số địa điểm nhất định vào mùa cao điểm, hoặc khi nơi đó được dự báo sẽ đông đúc. Du khách nên thể hiện sự tôn trọng bằng việc tuân thủ các quy tắc, hoặc cố gắng đóng góp cho nền kinh tế địa phương.
Một phương pháp khác là hợp lý hóa mục đích của chuyến du lịch. Ví dụ, du khách đến Bảo tàng Louvre (Pháp) có thể sẵn sàng chịu đựng đám đông, nếu họ đồng ý rằng mọi người đều muốn ngắm tác phẩm "Mona Lisa". Việc hợp lý hóa nhằm tránh xung đột nhận thức với những người khác, khi đó bước vào những không gian du lịch đông đúc là hành động có chủ đích. Du khách làm vậy vì một số lý do: sự hấp dẫn, tâm lý sợ bị bỏ lỡ, vì đám đông mang lại cảm giác an toàn và xác nhận rằng họ đang ở một địa điểm quan trọng và xứng đáng.
Du khách cũng có thể liên hệ với chính quyền để khắc phục tình trạng quá tải, từ cách trực tiếp như yêu cầu viên chức bảo tàng nhắc nhở một nhóm người ồn ào, cho đến việc đăng bài đánh giá về điểm du lịch, đề xuất thêm thông tin về cách tránh đám đông cho cộng đồng. Người dân địa phương cũng có thể áp dụng phương pháp này, thay thế các hành vi tiêu cực hơn là biểu tình hoặc đình công.
Về phía nhà quản lý, có một số giải pháp như áp dụng các giới hạn cho du khách, giảm số lượng các đoàn khách, thu phí du lịch hoặc phí dịch vụ cao hơn, đặt ra quy tắc ứng xử cho du khách hoặc xây dựng điểm đến vệ tinh để giảm tải cho điểm đến chính. Công nghệ và khoa học cũng được vận dụng nhằm đánh giá sức tải, kiểm soát lưu lượng và điều tiết luồng du khách.
Một số biện pháp cứng rắn hơn là ngừng cấp phép các hoạt động cho thuê ngắn hạn, hoặc đánh thuế cao hơn với các mô hình kinh doanh được cho là tác nhân gây ra tình trạng quá tải du lịch. Một số nơi đóng cửa tạm thời và định kỳ các khu vực dễ bị tổn thương, như công viên quốc gia hay khu bảo tồn, để đảm bảo cho sự phục hồi.