Phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo của quốc gia

Châu Anh/VOV1 | 04/02/2024, 10:09

Đón xuân mới 2024, người dân quê hương của Hải đội Hoàng Sa vẫn vững tin nơi đầu sóng ngọn gió, cùng nhau vươn khơi, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc và mang trong mình khát vọng xây dựng Lý Sơn trở thành đô thị loại 4, đặc biệt là trở thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia.

Những ngày cuối tháng Chạp, do biển động, tỉnh Quảng Ngãi đã có lệnh tạm dừng tàu thuyền hoạt động tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn. Thế nhưng, do có sự chuẩn bị từ sớm nên trên những con đường của huyện đảo vẫn ngập tràn sắc vàng của hoa cúc, hoa mai, những loại cây được thương lái mang ra từ đất liền để phục vụ bà con vui xuân đón Tết.

Ông Lê Khôi, chủ một tàu hàng tại cảng Lý Sơn cho biết dự đoán thời tiết khó lường vào dịp giáp Tết nên đã chủ động nguồn hàng hóa vào đảo từ đầu tháng Chạp: "Từ đầu tháng Chạp đến nay, các nhu yếu phẩm bánh trái phục vụ cho Tết ở đảo Lý Sơn đã tương đối. Những ngày cận Tết chỉ chở hàng tươi sống; còn hàng hoa, quả, trái cây đều đã gần như đầy đủ".

Lý Sơn đã trải qua 30 năm kể từ khi thành đơn vị hành chính cấp huyện năm 1993. Từ một hòn đảo nhỏ còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, đến nay Lý Sơn đã trở thành hạt nhân phát triển du lịch ở tỉnh Quảng Ngãi. Với kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia, huyện đã tập trung phát triển các dịch vụ du lịch xanh, gắn với phát triển biển. Những công trình được xây dựng mới, kết nối liền mạch thông suốt từ cảng biển đến các khu nghỉ dưỡng hay điểm đến văn hóa…

Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: "Huyện vẫn định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Dựa trên định hướng này, nên khi có Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị lấy Lý Sơn là một điểm du lịch quốc gia, chúng tôi đã xây dựng đề án phát triển du lịch đồng bộ. Huyện cũng sẽ bám vào chương trình hành động của tỉnh Quảng Ngãi về triển khai Nghị quyết 26".

Đón xuân mới 2024, người dân quê hương của Hải đội Hoàng Sa, vẫn vững tin nơi đầu sóng ngọn gió, cùng nhau vươn khơi, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc và mang trong mình khát vọng xây dựng Lý Sơn trở thành đô thị loại 4, đặc biệt là trở thành trung tâm du lịch biển đảo của quốc gia.

Ngoài phát triển du lịch, khai thác thủy hải sản là ngành kinh tế quan trọng của Lý Sơn với 550 tàu cá, trong đó hơn một nửa là đánh bắt xa bờ và ngư trường là Hoàng Sa và Trường Sa, khai thác mỗi năm trên 31.000 tấn hải sản các loại. Ngư dân Lý Sơn làm giàu từ biển và luôn kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Người dân Lý Sơn nối tiếp nhau, đời này sang đời khác dựa vào biển, vươn khơi bám biển. Họ vừa mưu sinh cũng vừa trở thành mỗi cột mốc giữ gìn biển đảo quê hương. 

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất, nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, bao gồm 3 xã: An Vĩnh, An Hải (nằm ở đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé). Tuy là một đảo nhỏ nhưng Lý Sơn có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng không chỉ của Quảng Ngãi mà vùng cả vùng Duyên hải miền Trung. Trải qua các triều đại phong kiến, Lý Sơn là nơi tập trung dân binh góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài khơi biển Đông.

Chính vì vậy, cùng với việc phát huy tối đa lợi thế tiềm năng phát triển kinh tế, huyện cũng xây dựng thế trận lòng dân kết hợp chặt giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội với quy hoạch xây dựng công trình phòng thủ, bảo vệ an ninh giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ trọng yếu của các lực lượng tại địa phương.

Bài liên quan
Huy động tối đa phương tiện đưa khách ra đảo Lý Sơn
Đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay, tỉnh Quảng Ngãi huy động tối đa phương tiện phục vụ khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn đảm bảo thuận tiện, an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sáp nhập xã, huyện: Tránh yếu tố dòng họ, bè phái trong lựa chọn cán bộ
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong sáp nhập xã, huyện, việc hết sức phải tránh là yếu tố về làng xã, dòng họ, bè phái. Nếu để những yếu tố này chi phối trong quá trình tổ chức thì rất dễ gây ra chuyện mất đoàn kết, dẫn tới cục bộ.
Mới nhất