Điện Biên Phủ, ký ức năm xưa vẫn còn nguyên vẹn

Mạnh Phương/VOV1 | 01/05/2024, 09:16

Sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay tuổi đều đã trên dưới 90. 70 năm qua đi nhưng những ký ức về trận chiến năm nào để làm nên một chiến thắng chấn động địa cầu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

"Đồng chí ấy dự trận đánh Him Lam bị chấn thương sọ não đưa về bệnh xá của tôi. Ông ấy mê mẩn 2-3 ngày rồi hôm đó ông ấy tỉnh lại gọi bác sỹ ơi có biết hát bài Làng tôi của Văn Cao, hát em nghe, em nhớ quê. Tôi cũng nhớ mang máng” Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung..” . Ông ấy cứ nằm đấy gật gật. “Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà..”  Hai cô y tá chạy vào bảo anh ấy chết rồi còn hát cái gì nữa, chúng tôi òa ôm nhau khóc".

Trong không khí những ngày cuối tháng 4 lịch sử, thời điểm mà cách đây 70 năm, chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra cao điểm, với 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, ông Vũ Trọng Thuận, người lính của Trung đoàn Tây Tiến năm xưa bồi hồi chia sẻ về những ký ức của trận chiến năm nào.

Là lớp thanh niên Thủ đô, sinh ra lớn lên ở 12 phố Hàng Bạc, Hà Nội, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ Vũ Trọng Thuận khi đó đã tham gia Trung đoàn Tây Tiến ngay từ những ngày đầu thành lập và được giao làm y tá. Kết thúc chiến tranh, không về thủ đô, ông Thuận quyết định ở lại thành phố Hòa Bình sinh sống. 

Theo ông Vũ Trọng Thuận, chiến sĩ của đoàn quân Tây Tiến, khi đó phần đông là những thanh niên, học sinh, trí thức trẻ ở Hà Nội, họ đã xung phong tự nguyện ghi tên, cầm súng ra chiến trường. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, chủ yếu là các tỉnh vùng cao Tây Bắc như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa...; chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, đáng sợ nhất lúc đó là căn bệnh sốt rét. Do không đủ thuốc uống nên một viên thuốc kí ninh phải hòa vào nước chia cho mấy người uống. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, những người lính Tây Tiến khi đó vẫn chiến dấu dũng cảm quên mình. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung đoàn Tây Tiến “đoàn binh không mọc tóc” đã lập nên những chiến công vang dội. Trung đoàn đã vinh dự được tặng “Cờ quyết chiến, chiến thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ông Mai Đại Xá, người con của quê hương Thanh Hóa, nhà có 7 anh chị em thì 3 người cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này có 2 người hy sinh. Năm nay đã ngoài 90 tuổi những ông vẫn còn nhanh nhẹn, hàng ngày vẫn chăm chỉ đạp xe tập thể dục, còn làm thơ, viết nhạc.

Là người chiến sỹ thuộc Trung đoàn 141, tham gia đánh trận mở màn ở đồi Him Lam, ông Mai Đại Xá, thành phố Hòa Bình nhớ lại, Him Lam là cánh cửa sắt. Muốn vào Điện Biên phải qua Him Lam, tức là chúng ta sẽ thành công nắm chắc chúng ta thắng lợi là đánh được Điện Biên Phủ vì đó là kiên cố nhất: "Chúng ta xung phong lên nhưng không được vì địch có súng máy ở hầm bắn ra và nơi khác hỗ trợ, đây như cối xay thịt. Sau đó ông Phan Đình Giót cầm lựu đạn bò lên đến miệng lỗ châu mai thì anh bám chặt vào đấy và bỏ lựu đạn vào. Anh biết là chết nhưng vẫn bám chặt, chúng bắn tan ngực anh, trong lúc đó quân ta ào ạt xông lên đánh chiếm..."

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, tiến hành lui quân và kéo pháo ra được đánh giá là có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi. Vào thời điểm đó, để đưa ra quyết định lui quân kéo pháo ra giữa lúc bộ đội ta vừa trải qua những ngày gian khổ để kéo pháo vào trận địa là rất khó khăn. Câu chuyện kéo pháo vào, kéo pháo ra đã lý giải rất nhiều điều về sức mạnh của quân đội ta.  

Ông Nguyễn Quốc Ấn, quê gốc ở Thái Bình, nguyên là chiến sỹ pháo binh Trung đoàn 45, Sư đoàn 351, năm nay 95 tuổi, mặc dù tuổi đã cao, nhưng khi nói về chiến dịch Điện Biên Phủ những hình ảnh, ký ức lại tràn về như mới ngày hôm qua. 

"Pháo kéo vào rồi lại có lệnh kéo ra vất vả lắm. Riêng lúc đó làm công tác tư tưởng rất vất vả từ cán bộ cho đến chiến sỹ. Nhất trí đánh nhanh thắng nhanh giờ lại kéo pháo ra. Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải kéo pháo ra mới thắng được. Đại tướng có nói với sư đoàn pháo binh các đồng chí bố trí thế nào thì bố trí nhưng “hỏa khí thì phải phân tán, hỏa lực thì phải tập trung”- Ông Nguyễn Quốc Ấn nhớ lại.

299 cựu chiến binh Điện Biên sinh sống ở Hòa Bình nay chỉ còn lại 84 người, trong số này cũng chỉ 25 người còn minh mẫn, có thể đi lại được. Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng những người lính già vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, truyền lửa cho thế hệ sau về những chiến công oanh liệt năm xưa.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hòa Bình, khẳng định: "Từ nhiều năm nay, trong các dịp nói chuyện với thế hệ trẻ, các cụ là những nhân chứng sống. Thông qua những câu chuyện các cụ trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Những câu chuyện hết sức sinh động không có bài giảng giáo trình nào có thể hơn tấm gương các cụ, là những người trực tiếp chứng kiến sự kiến đấy".

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
ĐBQH: “Nếu cần thiết thì chúng ta hoàn toàn có thể cấm kinh doanh vàng miếng”
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) nêu 2 vấn đề đang được cử tri quan tâm. Trong đó có tình trạng biến động “nhảy múa” của giá vàng.
Mới nhất