Nhiều chủ cơ sở karaoke ở TP.HCM kiến nghị xem xét lại yêu cầu phòng cháy chữa cháy

Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM | 13/11/2022, 17:41

Nhiều chủ quán karaoke tại TP.HCM vừa có đơn kiến nghị đến chính quyền, CATP và Cục Cảnh sát PCCC và CNCH về việc xem xét lại yêu cầu các vật liệu làm lớp hoàn thiện, ốp, trang trí của tường, tấm treo trần trong các phòng hát và trên các đường thoát nạn  phải làm bằng vật liệu không cháy, khó bắt lửa.

Trong đơn kiến nghị, các cơ sở kinh doanh karaoke nêu, sau khi Công an TP.HCM thực hiện cao điểm kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh nhằm ngăn chặn, chấm dứt những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót tại nhiều cơ sở. Những cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar... không đủ tiêu chuẩn về an toàn PCCC phải ngưng hoạt động để khắc phục, hoặc buộc phải đình chỉ hoạt động nếu không thể khắc phục.

Trong đó, Công an TP.HCM yêu cầu “Các vật liệu làm lớp hoàn thiện, ốp, trang trí của tường, tấm treo trần trong các gian phòng (phòng hát) và trên các đường thoát nạn (hành lang thoát nạn, cầu thang bộ...) phải làm bằng vật liệu không cháy, khó bắt lửa, đảm bảo theo quy định tại Điều 3.3.4 Quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD”.

Đại diện các hộ kinh doanh loại hình dịch vụ này cho biết, sau khi xảy ra vụ cháy quán Karaoke An Phú – Bình Dương, các doanh nghiệp kinh doanh karaoke ở TP.HCM càng ý thức hơn trách nhiệm của chủ cơ sở với vấn đề PCCC và cứu nạn cứu hộ. Đồng thời nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, chấp hành quyết định xử phạt và khắc phục ngay các lỗi thiếu sót được các cấp quản lý chỉ ra trong quá trình kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất.

Tuy nhiên, trong đơn kiến nghị, các chủ cơ sở kinh doanh karoke tại TP.HCM cho rằng: “Điều 3.3.4 Quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD quy định về vật liệu trên đường thoát nạn chung cho tất cả các nhà, không cho phép sử dụng các vật liệu có tính nguy hiểm cháy cao, với các quy định rất cụ thể, nhưng không có bất cứ câu chữ nào nói về vật liệu phòng hát karaoke. Như vậy, áp dụng điều 3.3.4 để yêu cầu khắc phục các vật liệu dễ cháy tại các hành lang thoát nạn và thang bộ thoát hiểm là đúng, nhưng áp dụng luôn cho vật liệu phòng hát là chưa chính xác”.

Các hộ kinh doanh karoke tại TP.HCM viện dẫn nội dung Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an và hướng dẫn tại công văn 2495/C07-P7 ngày 13/9/2022 của Cục cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an. Cụ thể là: “Các gian phòng có diện tích từ 50m2 trở lên và các gian phòng trong tầng hầm, tầng nửa hầm phải được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó cháy”.

Từ đó, họ cho rằng cơ quan quản lý PCCC các quận huyện tại TP. HCM yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn phải thay thế toàn bộ vật liệu trang trí tại tất cả phòng hát bằng vật liệu không cháy và khó cháy, kể cả với các phòng hát nhỏ dưới 50m2 là chưa chính xác theo các quy định trên và đang gây khó cho cơ sở kinh doanh karaoke.

Các chủ cơ sở kinh doanh karaoke cũng cho rằng, họ vừa chịu thiệt hại rất lớn do dịch Covid -19 gây ra. Nay cơ quan chức năng yêu cầu buộc phải tháo bỏ toàn bộ vật liệu trang trí đang có, để thay bằng vật liệu không cháy, khó cháy khiến mỗi cơ sở phải bỏ ra thêm từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng để đầu tư lại.

Điều đáng nói là việc thiết kế lắp đặt hiện hữu, trước đó đã được các cấp thẩm quyền kiểm tra, nghiệm thu cho phép hoạt động đúng theo quy định pháp luật.

Mặt khác, nhiều chủ quán karaoke ở TP.HCM đang lúng túng trong việc tìm vật liệu chống cháy vừa an toàn, vừa cách âm tốt. Bởi các vật liệu không cháy, khó cháy như: kim loại, inox, kính hay kiểu trang trí đơn giản bằng thạch cao, sơn nước, phun gai… thì các phòng hát gần như không thể đạt yêu cầu về âm thanh và thẩm mỹ./.

Bài liên quan
Cựu Chủ tịch Saigon Co.op Diệp Dũng khai lý do mang 1.000 tỷ đồng đi đầu tư
Cựu Chủ tịch Saigon Co.op Diệp Dũng cho rằng việc bản thân đề xuất đem tiền đi đầu tư nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho nhân viên.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất