Nhất thể hóa chức danh ở Bình Định: Tăng cường kiểm tra để hạn chế lạm quyền

Thành Long/VOV-Miền Trung | 12/09/2022, 07:32

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cùng với việc nhất thể hóa các chức danh, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát khắc phục những hạn chế dễ dẫn đến lạm quyền, dễ bị làm lệch vai.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Đảng bộ tỉnh Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình tinh gọn bộ máy.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vừa phát huy sự chủ động, sáng tạo của một số cấp ủy địa phương trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Các mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường; Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn hoặc kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận đang phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tế.

Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Đảng bộ thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định chủ động sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Phường Hoài Tân được chọn thí điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường. Từ khi nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, công tác lãnh đạo ở địa phương thuận lợi hơn. Mọi chủ trương, chỉ đạo từ Thị ủy được địa phương quán triệt triển khai nhất quán, đồng bộ hơn và tiết kiệm thời gian so với trước.

Sau khi nhất thể hóa chức danh lãnh đạo ở cấp phường, Đảng ủy phường Hoài Tân triển khai mô hình Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố hoặc kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận tại 5/7 khu phố.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn cho biết, khi nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, yêu cầu cán bộ phải có năng lực và tuân thủ nguyên tắc “tập trung dân chủ” để hạn chế tình trạng lạm quyền.

"Một người hai vai thì cơ bản thuận hơn nhiều so với mỗi người một vai. Đứng đầu  cả về cấp ủy và đứng đầu về chính quyền thì với một người chỉ đạo, điều hành lúc nào cũng thuận lợi hơn, nhất quán hơn và thuận lợi hơn nhiều so với 2 người. Song cũng có hạn chế khó khăn là phải đảm bảo tính tập thể và nguyên tắc dân chủ, nếu không dễ bị lạm quyền" - ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết.

Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cũng được thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Thị ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thị xã. Tiếp sau đó, địa phương này thực hiện việc nhất thể hóa chức danh lãnh đạo ở cấp xã, phường. Qua 5 năm triển khai thực hiện chủ trương này, thị xã Hoài Nhơn đã đạt nhiều kết quả quan trọng với “6 giảm” về đầu mối, cấp trung gian, số lượng lãnh đạo, biên chế, thủ tục hành chính, chi phí cho bộ máy hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, thị xã này cũng đạt được tiêu chí “6 tăng” ở tính khoa học về tổ chức, chất lượng cán bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, chi cho đầu tư phát triển, có sự đồng thuận xã hội.

Đến nay, thị xã Hoài Nhơn đã giảm 15 đầu mối, 17 nhân sự cấp trưởng phòng; 5 nhân sự cấp phó trưởng phòng, 62 biên chế công chức hành chính, sự nghiệp. Cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giảm 84 người. Cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố giảm hơn 200 người. Mỗi năm, thị xã Hoài Nhơn giảm chi ngân sách hơn 5 tỷ đồng.

Theo ông Lê Tự Hồng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, để thực hiện được hiệu quả chủ trương nhất thể hóa phải đủ 2 yếu tố là con người và bộ máy phản biện. Thực tiễn ở Hoài Nhơn cho thấy, kể cả những cán bộ luân chuyển cơ sở và tại thị xã thì phải có kỹ năng quản lý công tác Đảng, công tác Nhà nước, làm đúng vai, đúng lúc. Ngoài cá nhân thì yêu cầu đặt ra tổ chức nơi đó phải mạnh. Bộ máy đủ mạnh thì mới có thể phản biện khi có những chủ trương, kết luận của người đứng đầu có điều không hợp lý thì có ý kiến, đề xuất. 

Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 18, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành 8 quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy.

Tỉnh ủy rà soát, sắp xếp lại bộ máy, giảm 3 cấp phó các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, giảm 24 đầu mối cấp phòng, ban, trung tâm dạy nghề của các đoàn thể, giảm 48 cán bộ lãnh đạo cấp phòng, ban trực thuộc.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cũng đã giảm 23 phòng, chi cục trực thuộc sở, giảm 40 cán bộ lãnh đạo cấp phòng. Bình Định cũng tiến hành sáp nhập 9 Ban Quản lý dự án thành 3 Ban Quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc UBND tỉnh.

Ở cấp tỉnh, Bình Định thực hiện thí điểm Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Hiện nay, tỉnh Bình Định có 20/159 xã, phường, thị trấn thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Từ thực tế cho thấy, mô hình này đang phát huy hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Qua sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, đến nay, tỉnh Bình Định còn 733 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối chính quyền, giảm 140 đơn vị. Trong giai đoạn 2015 - 2021, tỉnh này đã giảm hơn 3.000 biên chế. Theo đó, kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ năm 2018 đến 2021 trên địa bàn tỉnh đã giảm hơn 41 tỷ đồng.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII ban hành năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhóm giải pháp trọng tâm về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu các cấp ủy đảng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phù hợp với đặc điểm tình hình hoạt động của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bình Định đã triển khai rất thận trọng. Quan điểm của tỉnh là nơi nào chín muồi thì thực hiện, nơi nào chưa chín muồi, chưa rõ, chưa thông thì chậm lại. Thời gian qua, cách mà Bình Định thực hiện hợp nhất, nhất thể hóa đến giờ này là phù hợp như Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận. Mô hình này hiện nay vận hành cả tỉnh nên Bình Định đã nhân rộng hết tất cả các địa phương phải nhất thể hóa chức danh này.

Bên cạnh đó, mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND ở một số địa phương có điều kiện cũng đã được triển khai, chủ yếu khuyến khích ở cấp xã phường. Đồng thời với việc đó tăng cường kiểm tra, giám sát khắc phục những hạn chế dễ bị lạm quyền, dễ bị làm lệch vai, không đúng vai trò./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất