Mục tiêu 5.000km cao tốc đến năm 2030 và xóa vùng “trắng” cao tốc Đông Nam Bộ

Phi Long/VOV.VN | 09/06/2021, 06:22

Bộ GTVT đưa ra mục tiêu có 5.000km vào năm 2030. Trong đó, xóa vùng “trắng” cao tốc Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống đường cao tốc này sẽ là bệ phóng để các địa phương “cất cánh”...

Liên quan tới việc thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết quy hoạch giao thông phải mang tính đột phá trong những năm tới.

“Quy hoạch ngành quốc gia về giao thông vận tải sẽ từng bước đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, những công trình dự án được đầu tư phải có tính liên kết, khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội, từng bước giải quyết cho những vùng khác”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Tuy nhiên, trong điều kiện vốn ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng được một phần và mang tính khơi nguồn, hàng loạt các dự án cao tốc thời kỳ 2021-2030 được đầu tư mới sẽ phải huy động nhiều nguồn vốn đi kèm với các cơ chế, chính sách mới có thể hoàn thành mục tiêu số kilômét cao tốc đề ra.

5.000km đường cao tốc phân bổ khắp Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay, cả nước có 1.163km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079km, đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km và năm 2030 là 5.000km.

Để đạt mục tiêu có khoảng 5.000km vào năm 2030, dự thảo Tờ trình phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 của Bộ GTVT cũng đưa ra mục tiêu đầu tư hoàn thành thêm hàng loạt các tuyến đường bộ cao tốc.

Cụ thể, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đầu tư 5 tuyến cao tốc (Chợ Mới-Bắc Kạn, tuyến nối TP Hà Giang với Nội Bài-Lào Cai, Hòa Bình-Mộc Châu-Sơn La, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Phú Thọ-Chợ Bến).

Vùng đồng bằng sông Hồng đầu tư đường vành đai 4, 5-vùng Thủ đô. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ làm tuyến cao tốc Vinh-Thanh Thủy.

Vùng Tây Nguyên đầu tư 4 tuyến cao tốc (Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương, Buôn Ma Thuột-Vân Phong, Quy Nhơn-Pleiku).

Vùng Đông Nam Bộ làm 8 tuyến đường bộ cao tốc (Dầu Giây-Tân Phú, Biên Hòa-Vũng Tàu, Chơn Thành-Đức Hòa, TP Hồ Chí Minh-Chơn Thành, TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Gò Dầu-Xa Mát, vành đai 3, 4-vùng TP Hồ Chí Minh).

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư 8 tuyến đường bộ cao tốc (Cần Thơ-Sóc Trăng-Trần Đề, Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau, Châu Đốc-Cần Thơ, Mỹ An-Cao Lãnh, An Hữu-Cao Lãnh, Cao Lãnh-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, Hà Tiên-Rạch Giá, Hồng Ngự-Trà Vinh).

Với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, phía Bộ GTVT kỳ vọng cơ bản kết nối thuận lợi, từng bước xóa bỏ các hạn chế về điều kiện địa lý giữa các vùng, miền, khu vực, cho phép rút ngắn thời gian đi lại cũng như thay đổi khái niệm về không gian giữa các địa phương, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tại các khu vực kém phát triển, góp phần mở rộng không gian, chia sẻ và giảm áp lực cho các đô thị lớn.

Xóa vùng “trắng” cao tốc, kéo Đồng bằng sông Cửu Long về gần hơn

Dù hệ thống đường cao tốc của Việt Nam được quy hoạch và định hướng phát triển từ khá sớm, nhưng việc đầu tư chưa đạt mục tiêu đề ra.

Nhiều người cho rằng, việc xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam trong thời gian vừa qua giống như một cỗ xe rất cần tốc độ, nhưng lại không thể bốc lên được như mong đợi.

Một hạn chế rất lớn nữa của mạng đường cao tốc Việt Nam là việc phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền, đặc biệt là tình trạng “trắng” cao tốc tại các vùng kinh tế động lực như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc.

Các chuyên gia kinh tế và giao thông cho rằng, một trong những điểm nghẽn chính khiến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa thể cất cánh là do hạ tầng giao thông tại khu vực này rất yếu, nhất là việc thiếu vắng một tuyến đường cao tốc trục dọc nối từ Cần Thơ tới TP.HCM, khiến chi phí logistics tại khu vực tăng cao.

Trong 2 năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu được quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Hàng loạt tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang, đường ven biển cần được tiếp tục đầu tư sớm, nếu không sẽ trở thành điểm nghẽn lớn cho phát triển.

Được biết, đây cũng là điều mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục lưu ý Bộ GTVT trong quá trình xây dựng và hoàn thiện “Báo cáo thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.

“Kế hoạch đầu tư cần hợp lý giữa các vùng, miền, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, những vùng động lực; phải có trọng tâm, trọng điểm (tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến vành đai của TP. Hà Nội và TP.HCM) và lộ trình phù hợp để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư”, Thủ tướng lưu ý.

Phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các địa phương thu xếp vốn

Phía Bộ GTVT cũng đưa ra tính toán về nhu cầu vốn đầu tư các tuyến cao tốc; trong đó giai đoạn giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 350.936 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 219.523 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 131.413 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 khoảng 395.670 tỷ đồng, gồm: Ngân sách Nhà nước 209.164 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách 186.506 tỷ đồng.

Để huy động đủ nguồn vốn đáp ứng yêu cầu thực hiện quy hoạch, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách Nhà nước hàng năm đạt 3,5-4,5% GDP, trong đó ưu tiên hỗ trợ tham gia các dự án PPP kém hấp dẫn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho các khu vực khó khăn; tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế.

Nguồn vốn ngân sách sẽ sử dụng nguồn lực Nhà nước phân bổ theo đầu tư công trung hạn, cân đối bổ sung từ nguồn vượt thu, nguồn dự phòng đầu tư công, nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương đồng thời cần sử dụng nguồn thu phí trên các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Chính phủ cần hình thành gói tín dụng để hỗ trợ vay vốn cho các dự án giao thông đầu tư theo hình thức PPP và bổ sung các dự án đường bộ cao tốc vào đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định tại Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước và mở rộng cho một số ngân hàng thương mại cổ phần.

Ngoài ra, Chính phủ thực hiện phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các địa phương tổ chức triển khai đầu tư hạ tầng giao thông theo cơ chế như địa phương tự cân đối kinh phí và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư và không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án…

Đặc biệt, các địa phương nghiên cứu, triển khai cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ, để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông…/.

Bài liên quan
Ngày đầu thông xe tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Sáng nay (26/4), cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với chiều dài 78,5 km đi qua 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận chính thức thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại dịp nghỉ lễ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất