Lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Việc hệ trọng, cần cẩn trọng!

Ngọc Diệu/VOV1 | 03/01/2023, 14:33

Ngày 3/1/2023, ngày đầu tiên Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là bước quan trọng trong xây dựng pháp luật về đất đai, thể chế hóa Nghị quyết số 18, Hội nghị trung ương 5 khóa 13 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Do vậy, lắng nghe dân, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023, là công việc hệ trọng-cần cẩn trọng!

Đất đai là nguồn lực to lớn đối với phát triển, nhưng lại là nguồn tài nguyên hữu hạn. Sử dụng lãng phí, kém hiệu quả đất đai để lại những hậu quả lâu dài và các vấn đề liên quan đến đất đai còn là nguồn cơn của những bất ổn trong xã hội. 

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những “đại án” liên quan đến đất đai. Đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, tới hai phần ba tổng số đơn khiếu nại, tố cáo nói chung, chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội. Nhiều cuộc đời khốn khó, nhiều gia đình, thôn xóm không bình yên vì tranh chấp đất đai, khiếu kiện kéo dài.

Pháp luật đất đai quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ nước ta. Sau gần 10 năm thực thi, Luật đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, tạo khe hở cho tham nhũng, tiêu cực, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Liên tiếp các kỳ họp Quốc hội, yêu cầu sửa đổi Luật đất đai được đưa ra, đến nay, nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu quốc hội về sửa đổi toàn diện Luật. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa 15.

Lần lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội,  mục đích của việc tổ chức lấy kiến Nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Làm sao để lần lấy ý kiến nhân dân này “tạo được sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai”?!

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật đất đai sửa đổi bắt đầu từ ngày 3/1/2023 đến 15/3/2023. Trong khoảng thời gian này, nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tâm huyết, trí tuệ để đóng góp ý kiến của mình qua các “kênh” tiếp nhận, đã được “phân vai” cụ thể với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Kỳ vọng vào đợt lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là rất lớn, mang tính hệ trọng đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội đất nước thời gian tới. Đóng góp ý kiến-là quyền lợi, cũng là trách nhiệm của công dân với xã hội và với tương lai phát triển đất nước tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu những ý kiến xác đáng, để hoàn chỉnh Dự thảo Luật, là trách nhiệm rất lớn của các cơ quan chức năng và của Quốc hội  

Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi toàn diện Luật đất đai-việc rất quan trọng này, cần cẩn trọng, khoa học trong cả quá trình tổ chức, để từ đó có một bộ luật Đất đai hoàn thiện, đáp ứng thực tiễn phát triển đất nước và đời sống nhân dân./.

Bài liên quan
Việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Không phải làm cho có
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là rất quan trọng, nhưng không phải là lấy ý kiến cho có.
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Phát huy tinh thần vì nước, vì dân của các nhà thầu, tư vấn, giám sát
Chiều 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo.
Mới nhất