Việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Không phải làm cho có

Lê Tuyết/VOV | 09/03/2023, 19:38

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là rất quan trọng, nhưng không phải là lấy ý kiến cho có.

Nhằm chuẩn bị cho công tác thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4 và cho ý kiến lần thứ 2,  kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 9/3, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghe báo cáo về tiến độ triển khai của Luật Đất đai (sửa đổi), những vấn đề nổi lên trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham dự có các Ủy viên BCH Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. 

7.873 lượt ý kiến góp ý của 768 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bầy báo cáo tổng hợp về tiến độ lấy ý kiến. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 06/3, theo số liệu trên website lấy ý kiến Nhân dân của cơ quan soạn thảo, chưa có số liệu của các địa phương đã tiếp nhận 7.873 lượt ý kiến góp ý của 768 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật.

Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Các ý kiến góp ý tập trung vào 12 nhóm nội dung, trong đó cho ý kiến về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; có ý kiến tán thành với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng đề nghị mở rộng thêm đối với các dự án xã hội hóa (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường), không phân biệt vốn đầu tư là công hay tư; có ý kiến đề nghị không quy định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đảm bảo thu nhập của người có đất bị thu hồi tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, chỉ quy định về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tốt hơn nơi ở cũ.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định cho phép được chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; đề nghị có quy định cụ thể hơn để đảm bảo quản lý chặt chặt, chống đầu cơ đất đai, về nghĩa vụ tài chính khi thực hiện các quyền này. Nhiều ý kiến đề nghị cho phép người sử dụng đất được lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất một lần hoặc trả tiền thuê đất hàng năm…v.v.

Tiến độ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) rất quan trọng, nhưng chất lượng quan trọng hơn

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, công tác lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được hưởng ứng tích cực, rộng khắp, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giai tầng xã hội đối với dự án luật rất quan trọng này; đồng thời đánh giá rất cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu cho ý kiến về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Những ý kiến đóng góp rất sâu sắc, toàn diện và có giá trị cao.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ nay cho đến khi kết thúc việc lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) còn rất ngắn, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải hết sức nỗ lực, khẩn trương hơn nữa:

"Tinh thần như chiến dịch, không kể ngày, đêm, cũng không cần phải phân biệt ban, ngành nào mà là công việc chung, sự nghiệp chung. Chúng ta cố gắng phối hợp để thực hiện, đặc biệt là các cơ quan thường trực như Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra. Do tính chất quan trọng như vậy, trong buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ, Quốc hội cũng đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cần huy rộng rãi các bộ, các ngành, các cấp tham gia vào quá trình này. Tránh trường hợp chỉ có một bộ chủ trì đứng ra chèo chống là không làm nổi. Chúng ta xử lý càng sớm được vấn đề thì khả năng thông qua dự thảo luật là rất tốt và luật ban hành ra thì đảm bảo được yêu cầu về mặt chất lượng. Cho nên tiến độ cũng rất quan trọng, nhưng chất lượng quan trọng hơn"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc lấy ý kiến nhân dân phải trên tinh thần trung thực, khách quan, vô tư và gạn đục, khơi trong, tôn trọng mọi ý kiến. Không để xảy ra trường hợp, không có bất cứ một ý kiến nào mà không được tiếp thu; không có bất cứ một ý kiến nào của người dân đóng góp mà không được tổng hợp và không có bất cứ ý kiến nào mà không được giải trình. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, không tổng hợp theo ý của ban soạn thảo.  

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: "Lấy ý kiến rất quan trọng rồi, nhưng không phải là lấy ý kiến cho có. Bây giờ ý kiến đóng góp chất lượng như thế rồi thì không phải là tổng hợp cho có. Từ đó làm thay đổi về chất lượng của dự án luật mà chúng ta đang làm. Đấy là vấn đề quan trọng. Các cơ quan phân vai có hết rồi, các đồng chí phải giám sát quá trình này một cách minh bạch, công khai, rõ ràng. Đồng chí nào làm tốt thì khen, làm dở thì nhắc nhở, làm sai thì phải phê bình, khiển trách vi phạm kỷ luật. Tinh thần phải rất khẩn trương".

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc rằng, cần đánh giá các xu hướng, kiến nghị, đề xuất. Sau đó lựa chọn một số vấn đề quan trọng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ trong dự án luật để tiếp tục tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến, tổ chức tọa đàm sâu hơn, kỹ lưỡng hơn. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày để tiếp tục họp và cho ý kiến về nội dung quan trọng này. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội ban hành văn bản về cuộc làm việc để các cơ quan có cơ sở làm căn cứ thực hiện. Theo tiến độ, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án luật sẽ kết thúc vào ngày 15-3. Ngày 25-3, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Bài liên quan
Toàn cảnh chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
VOVLIVE - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 7 - 12/4/2024 theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng kiểm tra dự án giao thông trọng điểm tại Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định
Sáng 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
  • Lượng khách đi máy bay qua Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ giảm mạnh
    Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.
  • Thiêng liêng hành trình ra Trường Sa ngày Giải phóng
    Chào mừng 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), sáng nay, đoàn công tác số 14 trên tàu Kiểm Ngư 491/CĐKN 4 - Vùng 4 Hải Quân do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải Quân làm trưởng đoàn đã khởi hành đi thăm động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1.
  • Giá vàng tháng 4 tăng 28,62% so với cùng kỳ năm ngoái
    Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó chỉ số giá USD tăng 6,51%, chỉ số CPI tăng 4,4%.
Mới nhất