Lãnh đạo bị bắt, cổ phiếu 'họ Louis', Trí Việt giảm sàn, mất thanh khoản

Diệp Diệp/VOV.VN | 21/04/2022, 19:53

Thị trường chứng khoán Việt tiếp tục có phiên giảm thứ 6 liên tiếp. Các cổ phiếu liên quan vụ thao túng chứng khoán vừa bị khởi tố vẫn lao dốc, mất thanh khoản.

Trong phiên giao dịch chiều nay 21/4, chứng kiến sức cầu bắt đáy và nhiều cổ phiếu hồi phục. Chỉ số VN-Index hồi phục và lên trên tham chiếu, về lại ngưỡng 1.390 điểm. Tuy nhiên, thị trường lại chịu áp lực bán lớn tại cuối phiên giao dịch, đặc biệt hôm nay thêm yếu tố là phiên đáo hạn phái sinh đã khiến VN-Index giảm mạnh trở lại với 311 mã giảm.

Ngay sau khi ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings bị bắt vì nghi vấn thao túng thị trường chứng khoán, các mã thuộc và liên quan đến "họ Louis" trở thành tâm điểm khi bị nhà đầu tư ào ạt đặt lệnh bán, đẩy cổ phiếu rớt giá sàn. Cụ thể, tại “nhóm Louis”, các mã TGG (Louis Capital), APG (Chứng khoán APG), AGM (Xuất nhập khẩu An Giang), SMT (Sametel), BII (Louis Land), VKC (Cáp nhựa Vĩnh Khánh), DDV (Dap – Vinachem) đồng loạt giảm sàn, trắng bên mua. Kết phiên giao dịch hôm nay, APG, TGG, BII, VKC dư bán giá sàn cả triệu cổ phiếu. DDV là mã còn duy trì được thanh khoản, khối lượng giao dịch vẫn trên 3,6 triệu cổ phiếu, nhưng thị giá bốc hơi tới 14,8%.

Việc ông Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt (mã chứng khoán TVB) và nhiều nhân viên khác trong công ty bị bắt vì đã thông đồng với Đỗ Thành Nhân để thao túng giá cổ phiếu TGG, BII và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng cũng khiến cổ phiếu TVB cũng rơi vào cảnh giảm sàn trong phiên hôm nay. Với giá 12.200 đồng/cổ phiếu như hiện tại, cổ phiếu TVB đã giảm hơn 41% trong vòng một tháng nay. 

Ngay sau khi lãnh đạo bị bắt, phía Chứng khoán Trí Việt đã lên tiếng: "Công ty xin khẳng định vụ việc nêu trên không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng trong kinh doanh của công ty. Đồng thời không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông và các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với công ty".

Như vậy, diễn biến cổ phiếu của doanh nghiệp có lãnh đạo vừa bị bắt vì thao túng chứng khoán đều có chung kịch bản lao dốc, thanh khoản ảm đạm. Vừa qua, nhóm FLC là ví dụ, hay trước đó là Vimedimex… Đến hôm nay, sau 3 tuần ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, cơn bán tháo các mã cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC cũng chưa dứt. Trong đó, các mã gồm FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) và ART (Chứng khoán BOS) tiếp tục bị giảm sàn.

Chốt phiên giao dịch hôm nay 21/4, chỉ số VN-Index giảm 14,15 điểm (-1,05%), xuống 1.370,21 điểm với 132 mã tăng và 311 mã giảm (trong đó có 92 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 810,6 triệu đơn vị, giá trị 23.787,3 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, lực bán mạnh cũng đẩy chỉ số lui về đóng cửa ở ngay gần vùng đáy trong phiên. Chốt phiên giao dịch ngày 21/4, HNX-Index giảm 13,42 điểm (-3,53%), xuống 366,61 điểm với 47 mã tăng và 189 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 99,5 triệu đơn vị, giá trị 2.257 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nhích lên trong phiên chiều, nhưng giao dịch vẫn rất ảm đạm khi sắc đỏ bao phủ bảng điện tử. Chốt phiên giao dịch hôm nay, UpCoM-Index giảm 1,52 điểm (-1,42%), xuống 104,89 điểm với chỉ 79 mã tăng và 252 mã giảm (34 mã giảm sàn). Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74,5 triệu đơn vị, giá trị 1.260,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối ngoại phiên hôm nay tiếp tục mua ròng mạnh. Cụ thể, khối này mua ròng gần 935 tỷ đồng trên HOSE, trong khi bán ròng 14,78 tỷ đồng trên HNX và gần 240 triệu đồng trên UPCOM. Các mã mua ròng mạnh nhất là VRE, VNM, NLG, MSN, DXG./.

Bài liên quan
Vì sao chứng khoán tuần qua liên tục giảm mạnh?
Chỉ trong 4 phiên của tuần qua, VN-Index đã để mất hơn 100 điểm và trở thành tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất