Kiểm soát dịch COVID-19 ở TP.HCM: Nơi nào khó, nơi đó có đảng viên

Hà Khánh/VOV-TPHCM | 12/10/2021, 05:18

Rất nhiều đảng viên sẵn sàng có mặt ở những nơi nguy hiểm, cống hiến bằng tất cả sự nhiệt huyết, tinh thần xung kích đi đầu.

Thời gian qua, TP.HCM đã nhận được sự hỗ trợ hết sức kịp thời và quý báu của hàng chục ngàn bác sỹ, y tá, cán bộ, chiến sỹ…từ khắp nơi trong cả nước, cùng với lực lượng tại chỗ nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng cho nhân dân. Trong đó có rất nhiều đảng viên sẵn sàng có mặt những nơi nguy hiểm, cống hiến bằng tất cả sự nhiệt huyết, tinh thần xung kích đi đầu của người đảng viên.

Kết nạp Đảng ngay tại bệnh viện dã chiến

Ngày 5/10 vừa qua, Bác sỹ Nguyễn Minh Đăng, sinh năm 1984, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 5. Giai đoạn dịch vừa qua, anh được điều sang công tác tại Bệnh viện Dã chiến số 5. Công việc vất vả nhưng anh và các cộng sự không nề hà, luôn cố gắng làm hết sức mình với mục đích duy nhất là giúp đỡ các bệnh nhân COVID-19 mau chóng khoẻ lại.

Đến nay có 3.700 bệnh nhân điều trị tại đây đã xuất viện, đặc biệt là không có ca tử vong. Hiện nay số lượng bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Dã chiến số 5 còn khoảng 300 người, dự kiến trong tháng 10/2021 sẽ cho xuất viện để giải thể bệnh viện dã chiến. Với anh, những nụ cười, lời cảm ơn, những lá thư tay mà những người xuất viện gửi lại…chính là kỷ niệm quý nhất trong cuộc đời làm nghề y.

Bác sỹ Nguyễn Minh Đăng chia sẻ, vinh hạnh nhất là được kết nạp Đảng ngay tại bệnh viện mà mình tham gia phòng chống dịch. Hoàn cảnh này tạo cho anh một ấn tượng không thể quên trong cuộc đời, giúp anh có động lực phấn đấu tiếp trong công tác khám, chữa bệnh. Do vậy, mỗi lần bệnh nhân được ra viện anh rất vui, giống như làm được gì đó cho cuộc chiến chống dịch của thành phố. 

Thời gian qua, TP.HCM đã nhận được sự hỗ trợ hết sức kịp thời và quý báu của hơn 12.000 bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế, sinh viên, tình nguyện viên, các tổ chức tôn giáo; hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã không ngại hiểm nguy, kề vai sát cánh cùng TP trong thời điểm vô cùng căng thẳng và khốc liệt, số ca mắc và tử vong tăng cao. Đó là những người đã không quản ngại khó khăn, tạm thời xa mẹ già, vợ và con thơ…để lên đường vào TP.HCM không một chút do dự. Bác sỹ Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những người như thế.

Bác sỹ Toàn cho biết, khi thấy tình hình dịch bệnh tại TP diễn biến phức tạp, với suy nghĩ “mình là đảng viên, là cán bộ thì phải có nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia chống dịch”, anh và mọi người đã không do dự mà đăng kí một chuyến công tác không hẹn ngày về. Sắp xếp chuyện gia đình, anh cùng 58 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh Thanh Hoá lên đường vào TP.HCM, chi viện cho Bệnh viện hồi sức COVID-19, đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP.Thủ Đức. “Chiến đấu” với dịch bệnh ở TP.HCM hơn một tháng qua, sự khốc liệt của dịch bệnh không làm anh nao núng mà ngược lại càng thôi thúc cố gắng hơn nữa.

Đến nay, khi dịch bệnh tại TP.HCM đã bắt đầu được kiểm soát, số bệnh nhân nặng, nhập viện giảm dần, những người được xuất viện ngày càng tăng, bác sỹ Nguyễn Văn Toàn vẫn tâm niệm phải luôn cố gắng hết sức mình để giành lại sự sống cho bệnh nhân nhiều nhất có thể.

"Mình còn trẻ thì cống hiến giúp đỡ cho người dân, giúp đỡ cho đồng nghiệp giảm tải. Và thật sự có bọn mình vào thì các bác sỹ cũng giảm tải đi nhiều. Đến nay, bệnh nhân đã giảm đi rất nhiều và TP.HCM cũng đã kiểm soát được dịch bệnh. Bản thân tôi cũng không có gì lăn tăn, cũng giống như mọi người, việc cần làm là phải làm"-bác sỹ Nguyễn Văn Toàn nói.

Nơi nào nóng nhất đều có vai trò của người đảng viên

Đến nay, dịch bệnh tại TP.HCM đã tạm thời được khống chế, đã có 21/22 địa phương công bố đã kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế. Có được thành quả trên chính là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, sự đóng góp của nhiều lực lượng, trong đó có sự tiên phong, đi đầu của các đảng viên.

Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng nhận xét, với việc khó, đảng viên, đoàn viên phải đi đầu từ phường, khu phố lên đến thành phố. Việc đó cũng rất là tốt, quá đó mới có tác động tuyên truyền, lôi kéo được mọi người cùng tham gia chống dịch bệnh. 

Có mặt và đồng hành cùng các lực lượng chống dịch tại TP.HCM trong suốt hơn một tháng nguy nan nhất trong cuộc chiến với COVID-19, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 vừa qua, các lực lượng đã chung sức, tạo nên sức mạnh đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt nổi lên vai trò tiên phong, nêu gương của các đảng viên, đoàn viên trẻ.

Theo ông Bình, những nơi nào nóng nhất, những nơi là thách thức nhất, những nơi ranh giới sinh tử nhất thì cũng đều là có vai trò của các anh em, đoàn viên thanh niên, đảng viên trẻ. Đó thực sự là nguồn sức mạnh để chúng ta vừa qua trên những tuyến đầu then chốt, là sự thôi thúc, động viên cho cả lực lượng thanh niên. Và đó cũng là nguồn để tạo ra, rèn luyện bản lĩnh, trui rèn thêm những phẩm chất cho lực lượng cán bộ của Đảng, của các cấp chính quyền trong thời gian tới)

Đến nay, TP.HCM đã cơ bản khống chế được dịch bệnh COVID-19. Có thể khẳng định, góp một phần công sức rất lớn trong đó chính là sự dấn thân, tiên phong của đội ngũ đảng viên tại TP.HCM và khắp cả nước./.

Bài liên quan
Thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khẳng định tinh thần người Việt
Thủ tướng nhấn mạnh, thành công của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn và thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất