Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Quan điểm, chủ trương này đã được Đảng chứng minh bằng thực tế, là từ sau Đại hội XIII, nhiều quy định, chỉ thị, kết luận để tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn đảng về nhiều mặt đã được Đảng ban hành.
Một số quy định nổi bật có thể điểm ra, như Quy định 22 về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định 24 về thi hành điều lệ Đảng, Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm, Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Kết luận 21 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung…
Việc hoàn thiện các quy định, kết luận của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, theo đánh giá của PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, là tất yếu và rất cần thiết cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, phù hợp với sự vận động của xã hội.
Đảng ban hành, cập nhật, bổ sung những quy định mới là cần thiết, tất yếu
PV: Có thể thấy, từ sau Đại hội XIII, Đảng ban hành nhiều quy định, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng?
PGS.TS Lê Văn Cường: Trong văn kiện Đại hội XIII đã nêu rõ tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến đảng viên và quần chúng nhân dân phải thực hiện đồng bộ nhiều việc.
Thứ nhất là nhận thức. Bởi thực tế lâu nay có thể thấy nếu chỉ nhận thức không thôi thì chưa đủ, rất nhiều cán bộ đảng viên vi phạm khi hỏi về nhận thức có biết không, họ đều khẳng định biết. Nhưng quan trọng là nhận thức phải đi tới hành động. Đặc biệt, Đại hội XIII còn yêu cầu phải gắn nhận thức cùng với trách nhiệm, với quyết tâm chính trị, tức là phải quyết tâm làm. Đã nhận thức được rồi, thì phải làm, phải có trách nhiệm, có quyết tâm, đừng thấy khó, thấy khổ mà không làm. Cũng giống như đánh giá về công tác cán bộ, đây là khâu khó, nhưng không thể khó là không làm. Thực tế, nhiều người, nhiều nơi thấy khó không làm, thành ra tự dưng công tác này bị đánh giá là khâu yếu.
Thứ hai là phải hoàn thiện các quy chế, quy định. Xây dựng nhà nước pháp quyền mà không có quy định của pháp luật thì không bắt người ta làm được, cũng giống như câu chuyện trong Đảng, phải có các quy định cụ thể để yêu cầu đảng viên làm theo, tuân theo, chứ không thể mập mờ, có thể hiểu theo nhiều nghĩa.
Đơn cử, như quy trình công tác cán bộ trước đây là 3 bước, giờ là 5 bước, như thế, nơi nào làm theo 3 bước là làm sai, làm thiếu; chỗ nào vi phạm quy trình 5 bước là làm ẩu, làm tắt là sai; hoặc ghét bỏ, trù dập từ 5 bước nhưng làm thành 6, 7 bước là làm sai.
Hay như vừa rồi Quy định 37 được ban hành thay cho Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm. Trước đó, ở nhiệm kỳ Đại hội XI, Quy định 47 được ban hành thay cho Quy định 115. Nhưng đến Đại hội XII, Đảng thấy rằng về cơ bản, Quy định 47 vẫn phù hợp, chưa cần sửa nên giữ nguyên. Nhưng sang nhiệm kỳ XIII, đứng trước những thay đổi, rất nhiều nội dung ở Quy định 47 lại không còn phù hợp, đã bị thực tiễn vượt qua. Trong khi đó, nhiều “lỗ hổng” là những biểu hiện, hành vi, vi phạm mới chưa được dự liệu ở Quy định 47 như vấn đề đảng viên mang 2 quốc tịch, đảng viên mua bán, sang nhượng, đăng ký tài sản ở nước ngoài…
Những quy định, kết luận mới của Đảng được ban hành có thể hiểu là cách Đảng ta cập nhật, bổ sung “công cụ” để lấp các lỗ hổng, bịt các khe hở lại không để những người có dụng ý không tốt lợi dụng. Thực chất là những gì chúng ta đã làm tốt thì làm cho tốt hơn, những cái chưa tốt thì khắc phục, cái gì chưa có thì đưa quy định vào để điều chỉnh. Đó là sự tất yếu và rất cần thiết cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, phù hợp với sự vận động không ngừng của lịch sử xã hội.
Thứ ba là tổ chức thực hiện cho tốt. Chúng ta có quy định nhưng có nơi, có lúc, việc chấp hành không nghiêm, tổ chức thực hiện không tốt. Vì thế, vấn đề mấu chốt nằm ở việc phải kiểm tra, giám sát việc chấp hành.
Cần chấp nhận thực tế có những vấn đề không thể dự liệu được hết
PV: Việc hoàn thiện các quy định về xây dựng chỉnh đốn Đảng từ sau Đại hội XIII đến nay, đã đủ rộng, đủ lớn để lấp được những “lỗ hổng” như ông đề cập ở trên?
PGS.TS Lê Văn Cường: Như tôi đã nói ở trên, về lý thuyết, việc ban hành, cập nhật, bổ sung những quy định mới là việc tất yếu và rất cần thiết trong công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo. Bởi thực tiễn luôn vận động. Giống như công tác phòng chống dịch thời gian qua, chúng ta đã “vỡ” ra nhiều điều, có những vấn đề chưa từng có tiền lệ. Đơn giản như câu chuyện thế nào là thiết yếu và không thiết yếu, đúng là rất khó có thể giải thích. Nhưng rõ ràng câu chuyện trong công tác phòng chống dịch đã đặt ra rất nhiều bài toán, dạng toán mà chúng ta phải cập nhật và tìm lời giải. Mặc dù luật hay quy định cũng đều mang tính dự liệu nhưng chúng ta cũng cần chấp nhận thực tế rằng bao giờ cũng bị chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử, nên có những vấn đề không thể dự liệu được hết.
Tuy nhiên, có thể tự tin nói rằng, về cơ bản là khá đầy đủ và đồng bộ. Nhưng cũng phải chấp nhận trong khi thực tế vận động, biến chuyển, sẽ lại xuất hiện những khe hở, lỗ hổng. Cho nên, nghĩ ra những quy định, quy chế đôi khi không thể tính toán hết, nên sẽ tiếp tục phải cập nhật, bổ sung. Đó là bình thường.
PV: Theo ông cần làm gì để phát huy “công dụng” những quy định, quy chế hiện có trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?
PGS.TS Lê Văn Cường: Trước mắt, điều tôi muốn nhấn mạnh là, trên cơ sở những quy định, quy chế hiện có, phải tổ chức thực hiện cho tốt, đặc biệt là kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đảng ta đã quán triệt quan điểm của Bác: không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Qua hàng loạt vụ việc xảy ra vừa rồi, nhiều cán bộ đảng viên, tổ chức đảng bị kỷ luật, có một việc cần suy nghĩ. Thực ra những sai phạm ấy không phải mới xảy ra, nhiều việc xảy ra từ nhiều nhiệm kỳ trước, và đó chính là kết quả của việc thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu đôn đốc. Hay trực tiếp những người vi phạm, bản chất khi được đề bạt, bổ nhiệm chưa chắc đã sai ngay, nhưng không chịu nổi sức ép, cám dỗ nên mới dẫn tới suy thoái, sa ngã, cái gốc là suy thoái đạo đức, làm gì cũng chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến lợi ích chung, dẫn tới là làm trái, làm sai, làm liều, làm ẩu.
Cùng với đó là vấn đề nêu gương. Toàn bộ đảng viên phải nêu gương, trước hết là người đứng đầu, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nêu gương thì những tấm gương sáng đó sẽ tạo ra sức lan tỏa, dâng lên thành phong trào, lúc đó chúng ta không phải chạy theo để “dập” mà phòng là chính, chủ động tiến công
PV: Để thực hiện hiệu quả việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, cần chú trọng xây dựng mặt nào, thưa ông?
PGS.TS Lê Văn Cường: Trước đây, nói xây dựng Đảng là xây dựng 3 mặt truyền thống: xây dựng đảng về chính trị, về tư tưởng và về tổ chức. Đại hội XII có bổ sung thêm xây dựng đảng về đạo đức. Đến Đại hội XIII xác định xây dựng đảng về 5 mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Về lý thuyết, để tạo sức mạnh tổng hợp, phải thực hiện đồng bộ cả 5 nội dung này. Tuy nhiên, theo tôi, khâu đột phá, mấu chốt là vấn đề cán bộ. “Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”, Bác đã dạy thế. Và một trong những trọng tâm của Đại hội XIII là tách vấn đề cán bộ ra một khâu, trong Báo cáo xây dựng Đảng còn nói “cán bộ là then chốt của then chốt”.
Các quy định của Đảng được ban hành thời gian qua tổng thể đã bao phủ cả 5 mặt xây dựng Đảng, tuy nhiên trọng tâm mấu chốt vẫn tập trung vào cán bộ. Điển hình như Quy định 37 thay cho Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm, Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ hay Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
PV: Xin cảm ơn ông./.