Là một tỉnh miền núi biên giới, nơi có tới hơn 70% dân số sống ở nông thôn, dựa vào nông nghiệp như Lào Cai, Nghị quyết số 26 của BCH TW Đảng khóa X có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Vào thời điểm Nghị quyết được triển khai thực hiện, Lào Cai là một trong những địa phương khó khăn nhất của cả nước. Tỷ lệ đói nghèo ở khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở mức rất cao. Tổng sản lượng lương thực có hạt của tỉnh năm 2008 mới chỉ đạt 198 nghìn tấn. Các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn chưa hình thành rõ nét, khái niệm về nông nghiệp công nghệ cao còn khá xa lạ.
Cũng cần nhắc lại, vào thời điểm bắt tay triển khai nghị quyết 26, người nông dân ở Lào Cai vừa phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ đợt rét lịch sử kéo dài suốt nhiều tuần, khiến cho hơn 18 nghìn đại gia súc của bà con bị chết. Hàng nghìn héc ta rau màu không được thu hoạch, nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh trắng tay.
Trong bối cảnh ấy, nghị quyết số 26 của BCH Trung ương được Đảng bộ Lào Cai xác định là thời cơ lớn, tạo nguồn động lực và sinh khí mới để phát triển đột phá khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.
Nghị quyết này của BCH Trung ương cùng với chương trình hành động của Chính phủ đã được tỉnh Lào Cai quán triệt học tập trên diện rộng và triển khai thực hiện bài bản.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Lào Cai xác định ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2008 - 2020, nguồn vốn đầu tư phát triển các ngành nông, lâm, thủy sản đã lên tới 26.526 tỷ đồng, bằng 9,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Nếu tính riêng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thì trong suốt giai đoạn này, mỗi năm Lào Cai dành ra tới trên 70% để đầu tư cho khu vực nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tỉnh đã kết hợp, lồng ghép các chương trình, dự án để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho thực hiện Nghị quyết 26.
Đây là cách làm được Trung ương đánh giá sáng tạo, hiệu quả, nhằm thực hiện Nghị quyết đặc biệt quan trọng này. Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đầu tư tương xứng của tỉnh, trong 10 năm qua, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc về kết cấu hạ tầng, về đời sống kinh tế, và đặc biệt là tư duy, nếp nghĩ, cách làm của bà con nông dân cũng có nhiều thay đổi.
Vùng "cao nguyên trắng" Bắc Hà- một trong 63 huyện nghèo của cả nước đang có những sự đổi thay kỳ diệu. Năm 2008, Nghị quyết “Tam nông” đã tạo cho địa phương này một sự đột phá chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Bí thư Huyện ủy Bắc Hà Nguyễn Duy Hòa khẳng định: "Nghị quyết 26 đã thổi một luồng sinh khí mới, tạo cho vùng "cao nguyên trắng" sức bật vươn lên mạnh mẽ". Đến nay, sau 13 năm triển khai thực hiện, kinh tế Bắc Hà đã có sự khởi sắc toàn diện.
Nghị quyết số 26-NQ/TW đã làm thay đổi đáng kể cả nhận thức và hành động của người dân toàn tỉnh Lào Cai đối với vấn đề “tam nông”.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong khẳng định: Trong 13 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song với những chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn; sự năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; sự quyết tâm phấn đấu nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời kế thừa những thành tựu của giai đoạn trước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đạt được những kết quả to lớn.
Hàng loạt các chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này cũng đã được Lào Cai ban hành, như chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn, cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ lãi suất tín dụng...v.v.
Với những chương trình, đề án, cơ chế chính sách hợp lý được ban hành, đi cùng với đó là nguồn lực đầu tư thỏa đáng đã tạo ra nguồn động lực mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay nhanh chóng, toàn diện cho khu vực nông thôn, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và nâng cao đời sống của người nông dân.
Ngành kinh tế nông nghiệp địa phương đã được tái cơ cấu lại, theo hướng hiện đại, chất lượng cao, gắn với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ và thị trường. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng trên 6% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt.
So với năm 2008, thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của BCH Trung ương, tất cả các chỉ tiêu chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp đều đã tăng gấp nhiều lần. Điển hình như giá trị sản phẩm bình quân trên 1 héc ta đất canh tác năm 2020 đạt 80 triệu đồng, tăng gấp 4,45 lần năm 2008. Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 341 nghìn tấn, tăng gấp gần 3 lần. Sản lượng thịt hơi các loại cũng tăng 2 lần. Lâm nghiệp đã chuyển đổi mạnh sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích, tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 47,7% lên trên 56%.
Những con số ấy khẳng định sự thay đổi về lượng, nhưng bao hàm trong đó là cả sự thay đổi rất lớn về chất. Từ chỗ đẩy mạnh sản xuất tăng vụ thì trong những năm gần đây, nông nghiệp Lào Cai đang chuyển sang mục tiêu tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Việc tăng thêm vụ 3 cũng được quy hoạch, tính toán bài bản, đảm bảo sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó ở khu vực vùng cao, Ngành nông nghiệp và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đồng hành, hướng dẫn bà con trong việc khai thác, tận dụng ưu thế của các tiểu vùng khí hậu để tăng thêm một vụ trên những chân ruộng khô khát, vốn trước đây chỉ cấy được một vụ lúa trong năm. Đó thực sự là một trong những thành quả quan trọng nhất sau 13 năm triển khai nghị quyết số 26 của BCH Trung ương ở Lào Cai.
Một thành công rất lớn khác mà Lào Cai đã đạt được trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đó là chương trình xây dựng Nông thôn mới. Chỉ trong ít năm, đã có tới 2 lần tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình này.
Với việc lấy người dân làm chủ thể và động viên sự tham gia của toàn xã hội, Lào Cai đã huy động được tới trên 20 nghìn tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong số này, nguồn vốn trung ương cấp chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là sự lồng ghép tổng hợp các nguồn vốn, cả đầu tư công, đầu tư xã hội và đóng góp của nhân dân. Tiền đề vật chất đó đã giúp hoàn thành xây dựng NTM ở 61 xã, tương đương với 48% tổng số xã trên địa bàn toàn tỉnh. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây mới và nâng cấp. 100% số xã và nhiều thôn bản có đường ô tô đi lại thuận lợi bốn mùa. Điện lưới quốc gia đã được kéo về tất cả các thôn bản. Hệ thống trường lớp học, trạm y tế xã, các thiết chế văn hóa, truyền thanh cơ sở, internet và bưu chính cũng được đầu tư tương đối đồng bộ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Tổng kết lại 10 năm xây dựng NTM, bí quyết của thành công nằm ở sức mạnh tập thể, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân. Trong suốt quá trình thực hiện nghị quyết số 26 của BCH Trung ương và chương trình xây dựng NTM, tỉnh Lào Cai luôn nhất quán phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đồng thời hướng tới việc “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Người nông dân thực sự được đặt ở vai trò chủ thể, là hạt nhân để xây dựng NTM, từ đó phát huy cao nhất khả năng và tinh thần đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nhằm tạo ra những thay đổi tích cực ở khu vực nông thôn.
Cách làm này không chỉ giúp giảm đi gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, mà quan trọng hơn đã xóa bỏ gần như hoàn toàn tâm lý trông chờ, ỷ lại, nhân lên niềm tin, khí thế phấn khởi thi đua lao động sản xuất để làm giàu cho mỗi người dân Lào Cai.
Trong quá trình thực hiện NTM, tỉnh triển khai thực hiện bài bản, sáng tạo, ban hành hàng loạt chính sách phù hợp và bền bỉ tập trung nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân. Ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước, huyện huy động nguồn lực rất lớn từ người dân.
Năm 2021, Bảo Thắng là huyện đầu tiên của tỉnh Lào Cai về đích chương trình NTM. Để có được kết quả đó, Bí thư huyện ủy Bảo Thắng- Trần Minh Sáng chia sẻ: “ Chương trình nông thôn mới đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ rất lớn từ nhân dân. Cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, bà con sẵn sàng góp công, góp của để làm đường giao thông, với khẩu hiệu “ làm nhà, làm bếp, xếp sau làm đường”. Đến nay, 11/11 xã của huyện đã hoàn thành chương trình nông thôn mới”.
Dù đã đạt được rất nhiều dấu ấn, nhưng Lào Cai chưa bằng lòng với những gì đạt được, luôn đánh giá một cách nghiêm khắc những khó khăn, tồn tại, cả chủ quan lần khách quan để có hướng khắc phục hiệu quả. Do xuất phát điểm thấp, nên hiện ở nhiều địa bàn của tỉnh, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa bền chặt, vùng nguyên liệu hoặc là chưa đủ lớn, hoặc có năng suất không cao. Đơn cử như toàn tỉnh hiện có gần 5 nghìn héc ta chè kinh doanh, nhưng sản lượng búp trung bình chỉ đạt từ 6 đến 7 tấn/ héc ta. Trong khi đó ở các tỉnh Thái nguyên hay Phú Thọ, sản lượng trung bình lên đến 15 tấn/ héc ta. Giá trị xuất khẩu chè của Lào Cai hiện cũng thấp hơn khá nhiều so với những địa phương đã xây dựng được giá trị thương hiệu cho loại sản phẩm này.
Tỉnh Lào Cai đang quyết tâm thay đổi thực trạng ấy thông qua việc xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có 5 vấn đề cốt lõi sẽ được tỉnh tập trung thực hiện, đó là quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo lĩnh vực, ngành hàng; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và phát triển các vùng sinh thái. Trước mắt, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là giá trị sản phẩm bình quân trên mỗi héc ta canh tác nông nghiệp sẽ đạt mức 100 triệu đồng. Thu nhập bình quân mỗi người ở khu vực nông thôn đạt trên 35 triệu đồng mỗi năm và sẽ có 2 đến 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh Chương trình xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị văn minh, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng nông thô; duy trì và phát triển các xã, huyện đã hoàn thành nông thôn mới theo hướng đạt NTM nâng cao.../.
Thực hiện: Bình Minh - Trung Kiên - Tuấn Khang
Hoàn thành đóng điện cho cả 3 khu tái thiết khẩn cấp vùng lũ ở Lào Cai
Bộ trưởng Lương Tam Quang dự Ngày hội Đại đoàn kết cùng người dân Lào Cai
Miễn học phí năm học 2024 – 2025 cho học sinh toàn tỉnh Lào Cai do thiên tai
Làng Nủ mới sẽ hoàn thành trước 22/12