Khả năng Ukraine biến S-125 Pechora thành tên lửa đối đất và diệt hạm

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Eurasian Times | 14/11/2022, 12:22

Một số hình ảnh và thông tin đăng tải trên mạng xã hội gần đây cho thấy Ukraine nhiều khả năng sử dụng tên lửa đất đối không từ thời Liên Xô S-125 Pechora/Neva trong vai trò chống hạm và tấn công mặt đất.

S-125 là hệ thống phòng không tầm ngắn và vừa, sử dụng nhiên liệu rắn, 2 giai đoạn, được thiết kế để bắn hạ máy bay ném bom, tiêm kích ném bom và cả tên lửa hành trình.

S-125 Pechora (đây là tên xuất khẩu, bản nội địa tên gọi Neva) được đưa vào hoạt động từ năm 1961. Các biến thể đầu tiên có khả năng bắn trúng một mục tiêu đang bay với tốc độ lên tới 560 m/s bằng hai tên lửa.

S-125 là một trong những hệ thống phòng không phổ biến và nổi tiếng nhất, từng bắn hạ F-117A Nighthawk của Mỹ - máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới, trong chiến dịch của NATO ở Nam Tư năm 1999.

Theo các nguồn tin của Ukraine, hồi tháng 9 vừa qua, một số hệ thống phòng không S-125 cũ lấy từ kho dự trữ đã được biên chế như một phần của hệ thống phòng thủ ven bờ chống hạm.

Khả năng của S-125 trong vai trò chống hạm và tấn công mặt đất?

Các chuyên gia đánh giá S-125 là một loại tên lửa có khả năng tác chiến cao, có thể được điều chỉnh để tấn công đất đối đất và sử dụng như một tên lửa chống hạm (AShM).

“Pechora, mặc dù cổ điển, vẫn là một hệ thống vũ khí chết người. Ukraine đã nâng cấp chúng sang kỹ thuật số cách đây khoảng một thập kỷ”, ông Rajiv Tyagi, cựu phi công Ấn Độ, hiện là chuyên gia quân sự về các hệ thống phòng không, nhận định.

Hình ảnh đăng tải trên Twitter ngày 20/8 cho thấy các kỹ thuật viên quân sự Ukraine đang lắp ráp và chuẩn bị tên lửa, với thông điệp kèm theo cho biết đây là một phần trong nỗ lực “tăng sản lượng tên lửa của họ (lên) 600%”. Dòng Twitter có bình luận nói rằng Ukraine giữ lại một lượng lớn các tên lửa này sau khi Liên Xô ran rã.

Nói về khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng S-125, ông Tyagi đánh giá, loại tên lửa này “chắc chắn có khả năng chống hạm”, nhưng ông không chắc nó được sử dụng như thế nào để tấn công các mục tiêu mặt đất.

Các thiết bị tìm kiếm mục tiêu của hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm tương tự nhau như thiết bị tìm kiếm như tần số vô tuyến (RF), hồng ngoại và radar. Máy bay và tàu chiến có động cơ, radar và hệ thống liên lạc tỏa nhiệt và sóng vô tuyến mà các thiết bị dò tìm của S-125 khóa mục tiêu.

Theo ông Tyagi, cũng có thể chuyển hướng thiết bị dò tìm tần số vô tuyến (RF) sang các mục tiêu trên mặt đất như trạm radar phòng không.

Ngày 10/11, tài khoản “Noelreports” đăng tải trên Twitter 2 bức ảnh hệ thống S-125 Pechora được gắn trên một chiếc xe tải, nói rằng chúng đang ở “một địa điểm nào đó bên bờ Biển Đen”.

Điều này có vẻ hợp lý vì Ukraine có thể sử dụng chúng để tấn công các tàu Hải quân Nga đang phóng tên lửa hành trình Kalibr vào Ukraine.

Ông Johnson Chacko, cựu phi công MiG-25 đã nghỉ hưu của Không quân Ấn Độ đánh giá Pechora là “vũ khí mạnh trong tay của một phi hành đoàn được đào tạo bài bản. Nó có phạm vi hạn chế, nhưng nếu tàu đối phương xuất hiện trong phạm vi đó, chúng có thể bị nhắm mục tiêu”.

S-125 từng bắn hạ máy bay F-117 của Mỹ

Ngày 27/3/1999, máy bay tàng hình F-117A Nighthawk của Không quân Mỹ do Trung tá Darrell Patrick ‘Dale’ Zelko điều khiển đã bị lực lượng Nam Tư bắn hạ bằng hệ thống S-125.

Hệ thống S-125 phiên bản Nam Tư (NATO định danh là SA-3 Goa) do Lữ đoàn Tên lửa Phòng không 250 của Quân đội Nam Tư khai hỏa dưới sự chỉ huy của Trung tá Zoltan Dani khi đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP vào tháng 10/2005, Trung tá Dani đã tiết lộ cách đơn vị của ông bắn hạ máy bay Nighthawk. Khi đó, ông lo ngại về Tên lửa chống bức xạ cao (HARM) mà Mỹ sử dụng cho các hoạt động trấn áp hệ thống phòng không của đối phương (SEAD). Điều này buộc ông phải và sử dụng các đường truyền tín hiệu trên mặt đất để liên lạc, liên tục thay đổi vị trí, không bật radar trong vài phút và huy động các nhân viên chuyên phát hiện mục tiêu.

Ông Dani không tiết lộ chính xác những thay đổi mà Nam Tư đã thực hiện đối với hệ thống dẫn đường và đầu đạn của tên lửa những năm 1960, nhưng cho biết, ông đã nghiên cứu về công nghệ tàng hình trước khi cuộc chiến nổ ra.

“Tôi kết luận rằng không có máy bay tàng hình nào cả, chúng chỉ khó quan sát hơn mà thôi”, ông Dani nói.

“Mặc dù NATO chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trên không, nhưng họ không bao giờ thành công trong việc đánh bại các khẩu đội của Dani”, một bài báo của USA Today sau này nhận định.

Đầu tháng 4, một máy bay Sukhoi Su-35 của Nga đã bị bắn rơi gần Kharkiv với nhiều bình luận trên mạng xã hội cho rằng S-125 đã góp phần vào thành công này.

Hạn chế duy nhất của S-125 là thiếu tính di động, mà theo cựu phi công Ấn Độ Chacko là “chỉ có thể vận chuyển sau khi tháo rời”.

Một bài báo trước đây của EurAsian Times từng đề cập về cách các tên lửa S-125 được nâng cấp lên tiêu chuẩn 2D Pechora, giúp tăng tầm bắn lên 40 km./.

Bài liên quan
Tấn công vào kho dầu của Nga, Ukraine có thể đẩy giá dầu thế giới lên cao?
VOVLIVE - Thời gian đần đây, Ukraine liên tục sử dụng UAV tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, đặc biệt là nhắm vào các nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ dầu ở nhiều khu vực. Điều này có thể đe dọa đến nguồn cung nhiên liệu và doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga, cũng như khiến giá dầu toàn cầu tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất