Theo hãng thông tấn chính thức IRNA, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Esmail Baghaei cho biết, cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại thủ đô của Oman sau khi hai bên có những trao đổi tích cực và mang tính xây dựng tại đây vào cuối tuần qua.
Quan chức này đồng thời nhấn mạnh Iran muốn có sự đảm bảo tuân thủ các cam kết. Ông lưu ý chừng nào ngôn từ đe dọa, cấm vận và áp lực còn tiếp diễn, đàm phán trực tiếp sẽ không xảy ra.

Tuy nhiên, có vẻ Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (14/4) chưa dừng lời lẽ đe dọa, đồng thời tuyên bố sẽ sớm đưa ra quyết định về Iran: "Tôi muốn Iran trở thành một quốc gia giàu có vĩ đại. Chỉ có một điều thực sự đơn giản vậy thôi. Họ không thể có vũ khí hạt nhân. Và họ phải hành động nhanh chóng, vì họ đã khá gần với việc có vũ khí hạt nhân.
Nếu chúng tôi phải làm điều gì đó rất khắc nghiệt, chúng tôi sẽ làm. Tôi không làm điều đó vì chúng tôi, tôi làm điều đó vì thế giới. Và đây là những người cực đoan nên họ không thể có vũ khí hạt nhân. Nếu Iran có vũ khí hạt nhân, họ sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành một quốc gia vĩ đại".
Theo Đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff, một thỏa thuận ngoại giao với Iran sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết các chi tiết xung quanh việc xác minh chương trình làm giàu urani và vũ khí của nước này, bao gồm tên lửa, loại tên lửa mà Iran đang có.
Trong 6 năm qua, Iran đã tăng cường năng lực hạt nhân của mình, sản xuất đủ vật liệu phân hạch để chế tạo nhiều vũ khí trong vòng vài tuần. Dù luôn khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích dân sự, nhưng Iran đang làm giàu urani đủ để sử dụng trong chế tạo bom nguyên tử.
Chính quyền Tổng thống Trump được cho là cần chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng hiện tại, vì đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 và áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Tehran. Hành động này đã khiến Iran đáp trả bằng cách đẩy nhanh quá trình làm giàu urani.
Tổng thống Trump đã phá vỡ một thỏa thuận mà Iran vẫn đang tuân thủ – thỏa thuận đã đặt ra giới hạn nghiêm ngặt đối với chương trình hạt nhân và cơ chế giám sát chặt chẽ. Giờ đây, ông chủ Nhà Trắng muốn quay ngược tình thế. Ông khẳng định ủng hộ giải pháp ngoại giao và không muốn Mỹ bị cuốn vào thêm các cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhưng ông cũng đã nhiều lần cảnh báo rằng nếu đàm phán thất bại, quân sự là một lựa chọn.
Được biết, thủ đô Muscat của Oman cũng là nơi diễn ra vòng đàm phán gián tiếp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff ngày 12/4 vừa qua. Ông Witkoff mô tả cuộc đàm phán này là tích cực và mang tính xây dựng. Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh một thỏa thuận ngoại giao sẽ chỉ đạt được nếu hai bên thống nhất được về cơ chế xác minh chương trình vũ khí và làm giàu urani của Iran.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận, Tổng Giám đốc Rafael Mariano Grossi sẽ đến Iran vào cuối tuần này để thảo luận về việc cải thiện quyền tiếp cận và giám sát chương trình hạt nhân của Tehran. Chuyến thăm này được coi là một phần quan trọng trong tiến trình đàm phán đang diễn ra.