Trong một thông báo đưa ra ngày 19/4, Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tại Sudan xác nhận tham gia đầy đủ lệnh ngừng bắn toàn diện, đồng thời hy vọng phía quân đội sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn theo thời gian đã thông báo. Hiện chưa rõ liệu quân đội Sudan có tuyên bố cam kết thực thi lệnh ngừng bắn này hay không.
Trước đó, hai bên cũng cam kết thực thi lệnh ngừng bắn kéo dài 24 giờ, từ 18h ngày 18/4, nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn ở thủ đô Khartoum, khiến thỏa thuận ngừng bắn đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Giới quan sát lo ngại rằng, xung đột giữa quân đội và lực lượng bán quân sự có nguy cơ lôi kéo các cường quốc khác muốn giành ảnh hưởng và tiếp cận các nguồn tài nguyên quý giá ở Sudan.
Người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric bày tỏ lo ngại: "Giao tranh diễn ra ở Khartoum với pháo hạng nặng, máy bay phản lực cùng nhiều vũ khí khác. Nó đang tạo ra một môi trường cực kỳ nguy hiểm cho dân thường, cho cả nhân viên nhân đạo, nhân viên ngoại giao. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục liên hệ với các bên để cố gắng sớm chấm dứt các hành động thù địch này".
Hàng nghìn người tại thủ đô Khartoum đang tìm cách sơ tán khỏi thành phố này. Trong khi những người dân ở lại trú ẩn trong nhà nhưng tình hình ngày càng xấu đi khi các nguồn thực phẩm dần cạn kiệt, mất điện và thiếu nước. Giá các mặt hàng thiết yếu như đường, sữa, bột mì và dầu đều đang tăng vọt.
“Chúng tôi chỉ ở trong nhà 4 ngày qua. Anh trai tôi thỉnh thoảng có ra ngoài xem hàng xóm liệu có ổn không, họ có cần điện không, vì ngày đầu tiên chúng tôi có điện, sau đó chúng tôi bị cắt điện từ ngày thứ hai cho đến tận bây giờ. Về thực phẩm, chúng tôi đã dự trữ một ít, nhưng cho đến hôm nay chúng tôi bắt đầu cạn kiệt một số thứ cần thiết, vì vậy chúng tôi phải bổ sung thêm”.
“Đã 5 ngày rồi, 2,3 ngày gần đây tôi ngủ nhiều nhất là 2-3 ba tiếng đồng hồ. Chúng tôi cảm thấy rất sợ hãi”.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết, tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, máu và điện, nước đang đe dọa các hoạt động cấp cứu, điều trị ở Sudan. Còn theo Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, gần như không thể cung cấp các dịch vụ nhân đạo xung quanh thủ đô Khartoum. Nguồn tin của Bộ Y tế Sudan xác nhận, ngành y tế ở thủ đô Khartoum đang trên bờ vực sụp đổ hoàn toàn với 16 bệnh viện hiện đã ngừng hoạt động.
Cộng đồng quốc tế đang khẩn thiết kêu gọi các bên xung đột ngay lập tức chấm dứt hành động thù địch gây mất an ninh tại Sudan.
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông báo đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để đối phó cuộc khủng hoảng ở Sudan, hối thúc công dân Mỹ tại nước này ở yên tại chỗ, giữa lúc an ninh bất ổn, khiến sân bay đóng cửa nên chưa có kế hoạch sơ tán cụ thể. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang chuẩn bị phái lực lượng Phòng vệ (SDF) để giải cứu công dân của mình sống ở Sudan khi đụng độ quân sự có dấu hiệu tiếp tục leo thang ở quốc gia châu Phi này.