Quốc tế nỗ lực xoa dịu tình hình Sudan, tránh sự can thiệp từ bên ngoài

17/04/2023, 06:51

Những giờ qua, thế giới theo sát mọi diễn biến chính trị và an ninh tại Sudan, nơi xảy ra các cuộc giao tranh giữa quân đội và Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).

Nhiều cuộc họp khẩn đã được tiến hành, với những lời kêu gọi các bên Sudan trở lại bàn đàm phán để thu hẹp sự khác biệt, bất đồng, đặc biệt về việc sáp nhập Các Lực lượng hỗ trợ nhanh vào quân đội Sudan.

Ngày 16/4, quân đội và Các Lực lượng hỗ trợ nhanh đã đồng ý với đề xuất của Liên Hợp Quốc về việc mở một hành lang nhân đạo cho các trường hợp khẩn cấp 3 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn rất mong manh khi cả hai bên đều “bảo lưu” quyền đáp trả nếu bên còn lại vi phạm.

Hình ảnh khói đen nghi ngút, tiếng súng vang lên liên tục tại thủ đô Khartoum và nhiều thành phố khác của Sudan trong đêm qua vẫn tràn ngập trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Cùng với đó là hàng loạt các cuộc họp khẩn cấp từ quốc tế đang được tiến hành trong sự khẩn trương và căng thẳng, để tìm giải pháp cho tình hình Sudan.

Quốc tế nỗ lực xoa dịu tình hình Sudan, tránh sự can thiệp từ bên ngoài - 1

Tình hình tại Sudan khiến thế giới quan ngại. (Ảnh: RT)

Tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Hội đồng An ninh và Hòa bình của Liên minh châu Phi (AU) đã nhóm họp khẩn, kêu gọi các bên tại Sudan hành động kiềm chế và trở lại bàn đối thoại. Hội đồng này đã ra tuyên bố bày tỏ quan điểm phản đối bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, vốn có thể làm phức tạp thêm tình hình ở Sudan.

Chủ tịch Ủy ban châu Phi Faki Mahamat cũng lên kế hoạch ngay lập tức tới Sudan, để giúp quân đội Sudan và Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh đạt được một lệnh ngừng bắn nhanh chóng.

Trong khi đó, một của họp khẩn của Liên đoàn Ả Rập cũng đã diễn ra để bàn về các diễn biến chính trị tại quốc gia thành viên Sudan, hối thúc các bên chú ý đến nguyện vọng của người dân đất nước, để có thể cùng nhau củng cố an ninh, chính trị và sự ổn định cho quốc gia này.

Tại cuộc họp này, đại diện của Sudan tại Liên đoàn Ả Rập, Alsadik Omar Abdullah, cũng đã cập nhật về tình hình mới nhất của đất nước: “Quân đội đã phòng thủ và giao chiến với Các Lực lượng hỗ trợ nhanh. Họ đã có thể kiểm soát tình hình, cũng như đẩy lùi được các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy. Quân đội cũng đã gây ra một số tổn thất cho đối thủ, nhưng vẫn còn một số nơi nữa mà Các Lực lượng hỗ trợ nhanh đã chiếm giữ ở các thành phố gần Khartoum".

Đại diện của Sudan cũng kêu gọi sự hỗ trợ của các nước Ả Rập để giúp xoa dịu tình hình, nhưng không ủng hộ sự bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoại; đồng thời cho biết sự trung gian cho việc Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) sáp nhập vào quân đội Sudan đến nay đã thất bại.

Giao tranh bắt đầu nổ ra giữa các đơn vị quân đội Sudan trung thành với Tướng Abdel Fattah al-Burhan với Các Lực lượng hỗ trợ Nhanh (RSF), do Tướng Mohamed Hamdan Dagalo chỉ huy. Đây là đợt bùng phát đầu tiên kể từ khi cả hai lực lượng hợp lực lật đổ tổng thống Omar Hassan al-Bashir vào năm 2019.

Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga - đã kêu gọi các bên Sudan phải chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch. Các nước trong khu vực châu Phi cũng đã ngỏ lời sẵn sàng hòa giải cho các bên tại Sudan, nhằm hướng tới hòa bình và sự ổn định cho quốc gia châu Phi này nói riêng và toàn khu vực nói chung./.

Đình Nam(VOV1)

Bài liên quan
Bệnh viện Dã chiến cấp 2 vận chuyển thành công thai phụ trong tình trạng nguy kịch tại Nam Sudan
Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 6 đã tham gia kế hoạch vận chuyển bệnh nhân qua đường cầu hàng không khẩn cấp với hai chuyến bay liên hoàn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
ĐBQH ủng hộ "cách mạng" tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị
VOVLIVE - Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu thẳng thắn cho rằng, thực tế, bộ máy hiện nay còn cồng kềnh, nhiều bộ phận hoạt động không hiệu quả, gây ra lãng phí và đây là thời điểm thích hợp để thực thiện chủ trương "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu.
Mới nhất