Chiến sự Nga - Ukraine đe đọa cân bằng địa chính trị ở Bắc Cực

Mai Trang/VOV.VN Tổng hợp | 22/04/2022, 06:40

Nga có chung đường biên giới trên biển ở Bắc Cực với một số nước thuộc NATO. Trong khi các mối quan tâm về môi trường và lợi ích kinh tế thường chi phối sự hợp tác trong khu vực, cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ làm thay đổi sự cân bằng này.

Tại diễn đàn liên chính phủ Hội đồng Bắc Cực, đại diện của Nga tại Hội đồng Bắc Cực Nikolai Korchunov đã nói về sự gia tăng hiện diện của NATO ở Bắc Cực kể từ khi Nga triển khai hoạt động quân sự ở Ukraine. Ông Korchunov cho biết, các cuộc tập trận quân sự đã được lên kế hoạch từ lâu giữa NATO, Phần Lan và Thụy Điển trong khu vực hồi tháng 3 khiến Nga "lo ngại".

“Liên minh gần đây đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn khác ở phía Bắc Na Uy. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này không đóng góp vào an ninh của khu vực”, ông Korchunov nói.

Quan chức Nga cho rằng nếu liên minh quân sự này tiếp tục các hoạt động ở Bắc Cực, “sự cố ngoài ý muốn” có thể xảy ra. Ở Bắc Cực, để xảy ra sự cố dưới bất kỳ hình thức nào cũng có thể phá vỡ sự cân bằng mong manh trong khu vực.

“Các mối quan hệ ở Bắc Cực không thể phá vỡ nhanh chóng và dễ dàng. Có những vấn đề quan trọng ở Bắc Cực cần được giữ ổn định trong ngắn hạn và dài hạn”, Tiến sĩ Melanie Garson, giảng viên về giải quyết xung đột quốc tế và an ninh tại Đại học College London, cho biết.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy việc Nga tấn công Ukraine đang phá vỡ sự cân bằng tại Bắc Cực. Nga hiện đang chia sẻ đường bờ biển Bắc Cực với 5 quốc gia thành viên NATO, cùng với Phần Lan và Thụy Điển. Tất cả những nước này đều đang hỗ trợ quân sự và tài chính giúp Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga.

“Đại dương thứ năm trên đỉnh thế giới”

Các mối lo ngại về chính trị và kinh tế ở Bắc Cực được xác định bởi khí hậu thay đổi nhanh chóng của khu vực. Trong khi phía Nam Bắc Cực được bao phủ bởi rừng, thì xa hơn về phía Bắc, khu vực này không có cây cối, được bao phủ bởi lãnh nguyên, sa mạc và băng đang tan chảy nhanh chóng do biến đổi khí hậu.

Việc băng tan nhanh chóng đang thay đổi cục diện chính trị và kinh tế tại Bắc Cực. “Về cơ bản, chúng ta có một đại dương thứ năm trên đỉnh thế giới. Và khi đại dương đó mở ra, nó sẽ được sử dụng cho các mục đích kinh tế và quân sự”, Katarzyna Zysk, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, nói.

Ở Nga, băng tan chảy cũng đang thay đổi trọng tâm quân sự. Trong tổng số đường bờ biển ở Bắc Băng Dương, 53% là của Nga. “Đó là một khu vực rộng lớn. Những đường biên giới đó được băng bảo vệ, nhưng giờ đây băng đang biến mất. Điều này nghĩa là khu vực này có khả năng được sử dụng cho một cuộc tấn công vào Nga”, chuyên gia Zysk nói.

Bởi vậy, Nga ngày càng tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực. Ví dụ rõ ràng nhất về điều này là Hạm đội phương Bắc, được thành lập vào năm 2014 và nằm trên bán đảo Kola gần biên giới với Phần Lan và Na Uy.

Kho vũ khí của Hạm đội phương Bắc bao gồm tàu ngầm trang bị tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân, máy bay săn ngầm, tàu sân bay và tàu trang bị tên lửa. “Hạm đội phương Bắc là đơn vị mạnh nhất của Hải quân Nga. Nga có thị phần lớn nhất về tàu ngầm chiến lược và khả năng phi hạt nhân hóa quan trọng trên bán đảo Kola”, bà Zysk cho hay.

Ukraine là yếu tố thay đổi cuộc chơi

Việc thành lập Hạm đội phương Bắc diễn ra cùng thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Đối với các nhà quan sát quốc tế, các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Nga là mối đe dọa cho các quốc gia khác ở vùng Bắc Cực.

“Ukraine là một yếu tố thay đổi cuộc chơi. NATO không thể tách rời những gì Nga đang làm ở Ukraine khỏi việc mở rộng quân sự ở Bắc Cực”, bà Zysk nói.

Điều này nghĩa là việc tăng cường sự hiện diện của NATO ở Bắc Cực nhằm đảm bảo nếu Điều 5 NATO bị kích hoạt bởi một cuộc tấn công của Nga trong khu vực, thì khối này có thể cung cấp khả năng phòng thủ tập thể cần thiết.

Tuy nhiên, Nga cũng tiếp tục gia tăng lực lượng. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, từ năm 2016 trở đi, Nga đã tăng tần suất các cuộc tập trận quân sự ở Bắc Cực.

Cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine đã một lần nữa làm tăng thêm mối đe dọa ở Bắc Cực. Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO thì tất cả các quốc gia vùng Bắc Cực, ngoại trừ Nga, sẽ là một phần của liên minh quân sự.

Ngày 14/4, Nga cảnh báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa bội siêu thanh ở trung tâm châu Âu nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Nga muốn thành nhân tố hàng đầu ở Bắc Cực

Tuy nhiên, Nga không nhất thiết phải xây dựng lực lượng quân sự ở Bắc Cực cho việc tấn công, nước này cũng có rất nhiều thứ để bảo vệ.

Một nghiên cứu năm 2008 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho thấy, Bắc Cực có thể là nơi có trữ lượng dầu và khí đốt lớn nhất chưa được khám phá trên Trái đất. Phần lớn trữ lượng được cho là ở ngoài khơi, tại các vùng biển của Nga.

Những kịch bản có thể xảy ra trong tương lai đã làm tăng sự quan tâm của quốc tế đối với Bắc Cực. Hội đồng Bắc Cực có 13 quan sát viên có thể đề xuất các dự án trong khu vực. Những quốc gia này bao gồm Pháp, Đức, Anh và đáng chú ý nhất là Trung Quốc, quốc gia đang tích cực thiết lập các trạm nghiên cứu ở Bắc Cực và đầu tư vào khai thác và năng lượng.

Mối quan tâm ngày càng lớn của quốc tế đối với sự giàu có của Bắc Cực cũng buộc Nga phải đóng vai trò chi phối nhiều hơn trong khu vực. “Điều đó đã thúc đẩy Nga củng cố vị thế của mình bởi Nga coi mình là nhân tố hàng đầu ở Bắc Cực”, bà Zysk nói.

“Nga luôn phản đối khi NATO tập trận gần biên giới của mình. Nhưng chúng tôi chưa thấy bất kỳ hành vi khiêu khích nào từ Nga ở Bắc Cực. Tôi nghĩ rằng Nga đang cố gắng tránh leo thang phản ứng quốc tế đối với cuộc xung đột ở Ukraine”, chuyên gia Zysk nhận định./.

Bài liên quan
Ba Lan triển khai vũ khí sát biên giới Nga
VOVLIVE - Bộ Tư lệnh tác chiến Lực lượng vũ trang Ba Lan cho biết nước này sẽ vận chuyển thiết bị quân sự đến gần biên giới Nga từ ngày 4 - 6/5.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Phát huy tinh thần vì nước, vì dân của các nhà thầu, tư vấn, giám sát
Chiều 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo.
Mới nhất