Doanh nghiệp chung tay dùng nhựa tái sinh, chặn đứng thảm họa môi trường

19/12/2022, 05:21

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng, sản xuất vật liệu thân thiện để thay thế nhựa nguyên sinh, góp phần giảm rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm.

Rác thải nhựa đang là nỗi ám ảnh với môi trường toàn cầu. Theo thống kê của tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường - SPREP, mỗi năm nhân loại sử dụng 5 triệu tỷ tấn túi nilon.

Theo World Bank, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam.

Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới. Khối lượng rò rỉ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 theo kịch bản thông thường.

Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu hành động để ngăn chặn thảm họa môi trường.

Doanh nghiệp chung tay dùng nhựa tái sinh, chặn đứng thảm họa môi trường - 1

Các thành viên của PRO Vietnam. 

Tháng 6/2019, 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì hợp tác thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam, thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.

Là thành viên của PRO Vietnam, Công ty TNHH La Vie, một thành viên của Tập đoàn Nestlé, đã có sáng kiến sử dụng nhựa tái chế (R-PET) trong các sản phẩm của mình. 

Từ năm 2018, La Vie loại bỏ màng co nắp chai vì đây là phần bao bì khó thu gom và dễ thải ra môi trường. Năm 2019, La Vie lần đầu ra mắt sản phẩm sử dụng chai thủy tinh và đầu tư quy trình để thu gom và tái chế hoàn toàn vỏ chai sau sử dụng. Ngoài ra, La Vie cũng đang tập trung vào sản phẩm bình dung tích lớn (loại 19 lít) có thể sử dụng nhiều lần.

Với cách làm trên La Vie là nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam dùng chai được làm từ nhựa tái chế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác nhựa cũng như xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu của Lavie là phấn đấu có thể tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025.

Tháng 4/2022, Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam lần đầu ra mắt sản phẩm Pepsi 330ml trong bao bì được sản xuất 100% từ nhựa tái sinh tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm Pepsi chai nhựa 330ml ra mắt với diện mạo mới thông qua việc áp dụng các cải tiến về kỹ thuật công nghệ (tái sinh nhựa) cho bao bì (rPET).

Đây cũng chính là sự phát triển mang tính toàn cầu hóa. Tại các nước tiên tiến, việc sử dụng các sản phẩm/bao bì từ nhựa tái sinh (rPET) đã trở thành một xu hướng tiêu dùng mới, góp phần quan trọng thúc đẩy tiêu dùng xanh và nền kinh tế tuần hoàn. Các bao bì chai nhựa hiện tại của nhãn hàng Pepsi và phần lớn các sản phẩm khác do Suntory PepsiCo sản xuất đã và đang sử dụng loại nhựa có thể tái chế được.

Doanh nghiệp chung tay dùng nhựa tái sinh, chặn đứng thảm họa môi trường - 2

Quy trình tái chế vỏ chai nước uống của SunPepsico. 

Tập đoàn TH, một trong những thành viên của PRO Vietnam cũng tạo dấu ấn trong ngành hàng tiêu dùng nhanh với hàng loạt sáng kiến/giải pháp sử dụng nguyên liệu tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Trong đó nổi bật là hoạt động chấm dứt sử dụng túi nilon tại hệ thống cửa hàng TH true mart, thay thế bằng túi nhựa sinh học từ tháng 5/2018; chấm dứt sử dụng thìa sữa chua bằng nhựa, thay thế bằng thìa sữa chua sinh học từ tháng 10/2018. 

Việc thay thế ống hút nhựa bằng ống hút sinh học là một trong những giải pháp mà tập đoàn TH thực hiện theo lộ trình giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần. 

Chất liệu mà tập đoàn TH sử dụng sản xuất ống hút là IngeoTM PLA (Polylactic Acid IngeoTM 2003D) và BioPBSTM (Polybutylene succinate BioPBSTM FZ91) có nguồn gốc thực vật như ngô, sắn, mía…– thuộc nguồn tài nguyên có thể tái tạo.

Đây chính là ưu điểm lớn của các ống hút này so với ống hút được làm từ nhựa truyền thống có nguồn gốc nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ – một nguồn tài nguyên hữu hạn, không thể tái tạo.

Quá trình sản xuất nhựa sinh học PLA và ống hút từ vật liệu này cũng tác động đến ít hơn đên môi trường bởi tiêu thụ ít năng lượng hơn từ nguồn tài nguyên không thể tái tạo (như dầu mỏ, than đá,…), và phát thải lượng khí nhà kính thấp hơn so với quá trình sản xuất nhựa thông thường.

Một thành viên khác của PRO Vietnam là Tập đoàn Ajinomoto đã và đang làm việc để giảm thiểu và loại bỏ chất thải nhựa bằng cách giới thiệu bao bì giấy. 

"Trong khi đảm bảo rằng chúng tôi sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên quý giá và có hạn đó, chúng tôi hướng tới việc đóng góp vào việc thực hiện một xã hội bền vững, định hướng tái chế, giảm cả chất thải và tác động môi trường của bao bì", phía Ajinomoto chia sẻ. 

Doanh nghiệp chung tay dùng nhựa tái sinh, chặn đứng thảm họa môi trường - 3

Ajinomoto thay thế bao bì từ nhựa sang chất liệu giấy.

Bên cạnh các doanh nghiệp sử dụng nhựa tái sinh thay cho nhựa nguyên sinh vốn khó phân hủy và đe dọa môi trường, một số doanh nghiệp ở Việt Nam đã tham gia sản xuất nhựa sinh học thân thiện với môi trường, trong đó có An Phát Holdings - tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

Tiền thân là công ty sản xuất bao bì màng mỏng được thành lập năm 2002, nhưng từ năm 2013, An Phát Holdings chuyển hướng nghiên cứu và phát triển nguyên vật liệu thân thiện môi trường, với dòng sản phẩm phân hủy sinh học hoàn toàn thương hiệu AnEco.

Túi và các sản phẩm mang thương hiệu AnEco làm từ nhựa phân huỷ sinh học có khả năng phân hủy hoàn toàn tạo thành CO2, H2O và mùn hữu cơ trong thời gian 6 - 12 tháng, không để lại vi nhựa hay các tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, cho rằng doanh nghiệp cũng đối diện không ít rủi ro khi tham gia sản xuất nhựa sinh học thay cho nhựa nguyên sinh, đó là yếu tố nguồn lực đầu tư và giá thành. 

"Sản phẩm nhựa dùng một lần và nhựa thông thường đều tiện dụng và giá cả thấp hơn so với các sản phẩm thân thiện môi trường. Các sản phẩm từ nhựa xanh có hàm lượng công nghệ cao, nên giá thành sẽ cao hơn so với nhựa truyền thống.

Để giải quyết bài toán về giá cả, doanh nghiệp cần sự trợ lực từ Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi đối với các sản phẩm thân thiện môi trường cũng như những chính sách hạn chế, đánh thuế cao các sản phẩm nhựa truyền thống để tạo sức cạnh tranh về giá cả cho các sản phẩm thân thiện môi trường.

Được sự trợ lực của chính sách tốt thì các doanh nghiệp sẽ nhìn ra thị trường tiềm năng của các sản phẩm thân thiện môi trường, và sẽ chuyển dịch sang hướng sản xuất xanh và người dân cũng sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng sang hướng bền vững", đại diện An Phát Holdings khẳng định. 

Hồng Nam

Bài liên quan
Chất thải của con người đe dọa môi trường đỉnh Everest
Những du khách leo núi Everest sẽ phải mang theo chất thải của họ sau khi đi vệ sinh, được chứa trong một loại túi chuyên dụng. Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền Nepal cố gắng giải quyết vấn đề chất thải ngày càng nghiêm trọng trên "nóc nhà thế giới".

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất