Cổ phiếu VNDirect giảm 1,44% trong ngày hệ thống giao dịch bị tấn công

25/03/2024, 16:52

Sau khi gặp sự cố bị tấn công mạng, kết phiên giao dịch ngày 25/3, cổ phiếu VNDirect (VND) mất 1,44%, còn 23.950 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, cổ phiếu này lại có khối lượng giao dịch đột biến khi đạt hơn 86 triệu đơn vị.

Con số này gấp 3 lần mức bình quân phiên trong vòng một năm trở lại đây và là mức thanh khoản cao thứ 2 trong lịch sử niêm yết của VND, chỉ sau phiên 6/7/2023 (khớp lệnh 105 triệu đơn vị).

Trước đó, VNDIRECT đã thông tin chính thức về sự cố hệ thống giao dịch trực tuyến của công ty. Thông báo cho biết, sáng 24/3, toàn bộ hệ thống của VNDIRECT bị tấn công dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của công ty tạm thời không truy cập được.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sau đó đã tạm thời ngắt kết nối giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến trên các thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết, giao dịch chứng khoán đăng ký giao dịch, giao dịch chứng khoán phái sinh, giao dịch công cụ nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của VNDirect tới HNX kể từ ngày 25/3 cho đến khi VNDirect khắc phục được hoàn toàn sự cố.

Sau khi Công ty chứng khoán VNDirect thông báo hệ thống bị tấn công, website của nhiều công ty có liên quan đến công ty này cũng không thể truy cập được.

Cụ thể, đến thời điểm 14h50 ngày 25/3, nhà đầu tư khi truy cập vào website của Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) chỉ nhận được thông báo xác nhận hệ thống bị tấn công. Website của các công ty như: Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A (IPAAM), Tập đoàn Đầu tư I.P.A (IPA), Công ty cổ phần Thực phẩm Homefood cũng không thể truy cập.

Kết thúc ngày giao dịch 25/3, mã cổ phiếu VND giảm 1,44%. (Ảnh chụp màn hình)

Kết thúc ngày giao dịch 25/3, mã cổ phiếu VND giảm 1,44%. (Ảnh chụp màn hình)

Chốt ngày giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index giảm 13,94 điểm, dừng lại ở mốc 1.267,86  điểm. Sàn HoSE có 119 mã tăng và 351 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,24 tỷ đơn vị, giá trị 29.258,55 tỷ đồng.

Nhóm VN30 gia tăng sức ép lên thị trường khi đóng cửa giảm hơn 14 điểm với 26 mã giảm và chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh. Trong đó, TPB, BVH, VIC, VPB kết phiên tăng trên dưới 1%; ngược lại GVR giảm sâu nhất khi để mất 4,1%, tiếp theo là MSN giảm 3,8%, CTG giảm 2,8%, STB, VRE, ACB, BID đều giảm hơn 2%...

Trong khi đó, sàn HNX có 65 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index giảm 0,87 điểm xuống 240,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 128,45 triệu đơn vị, giá trị 2.854,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,37 triệu đơn vị, giá trị 69,48 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS vẫn có thanh khoản vượt trội với gần 40 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng áp lực bán gia tăng đã đẩy cổ phiếu này về sát mốc tham chiếu. Kết phiên, SHS tăng nhẹ 0,5% lên mức 20.100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã chứng khoán khác cũng kém lạc quan hơn với MBS đảo chiều giảm 2,4% xuống mức 29.000 đồng/CP và khớp 5,9 triệu đơn vị, APS giảm 1,4%, VIG giảm 1,1%, BVS giảm 1,2%, EVS giảm 2,3%...

Trên sàn UPCoM, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,15%), lên 91,09 điểm với 126 mã tăng và 129 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,53 triệu đơn vị, giá trị 502,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,56 triệu đơn vị, giá trị đạt hơn 28 tỷ đồng.

Cổ phiếu DDV tiếp tục nóng hơn trong phiên chiều khi đà tăng không ngừng nới rộng. Kết phiên, DDV tăng 5,7% lên mức giá cao mới 16.600 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt hơn 3,81 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên UPCoM.

Trong khi đó, BSR lùi về mốc tham chiếu 19.200 đồng/CP với giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 6,29 triệu đơn vị.

Các mã khác như SBS, AAS, ABB, OIL đều kết phiên đứng giá tham chiếu với khối lượng giao dịch đạt một đến vài triệu đơn vị.

Công Hiếu

Bài liên quan
Vì sao chứng khoán tuần qua liên tục giảm mạnh?
Chỉ trong 4 phiên của tuần qua, VN-Index đã để mất hơn 100 điểm và trở thành tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất