Đỉnh Cống Ca là một trong những danh lam thắng cảnh hút khách hàng đầu ở Trung Quốc, nổi tiếng với khoảnh khắc "nhật chiếu kim sơn" mà bao người mong muốn được một lần trải nghiệm trong đời.
"Nhật chiếu kim sơn" mô tả thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn trên đỉnh Cống Ca, khi những tia nắng chiếu vào ngọn núi phủ tuyết, khiến những đỉnh núi tuyết trắng như được mạ vàng rực rỡ, tạo thành cảnh quan thiên nhiên tráng lệ.
Video khoảnh khắc "nhật chiếu kim sơn" trên đỉnh Cống Ca, Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Nguồn: Baidu)
Theo cổng thông tin Baike của Trung Quốc, núi Cống Ca còn gọi là Minya Konka, nằm trong dãy Đại Tuyết Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam nước này.
“Cống” trong tiếng Tạng có nghĩa là băng và tuyết; trong khi “Ca” có nghĩa là màu trắng. Núi Cống Ca có nghĩa là “ngọn núi tuyết trắng”. Đỉnh chính của núi cao 7.556 m so với mặt nước biển. Đây là ngọn núi cao nhất Tứ Xuyên và được mệnh danh là “Vua núi Thục”.
Theo NetEase, núi Cống Ca có môi trường địa lý độc đáo, với rừng rậm và đồng cỏ tạo nên một dải thẳng đứng phân tầng rõ rệt. Trên cao, dưới tác động của quá trình đóng băng lâu dài tạo nên những đỉnh núi nhọn và góc cạnh, bao quanh là các vách đá nghiêng 60 đến 70 độ, đặt ra nhiều thách thức cho người leo núi.
Dưới chân núi có 159 sông băng hiện đại, có diện tích hơn 390 km2, là một trong những khu vực phát triển sông băng biển sớm nhất trên thế giới. Các dòng sông băng nổi tiếng có thể kể đến như Hải Loa Câu , Ba Vượng, Yến Tử Câu và Ma Tử Câu. Ngoài ra còn có các hồ cao nguyên như Mộc Các Trách, Ngũ Tu Hải và Ba Vượng Hải, cùng các suối nước nóng như Khang Định Nhị Đạo Kiều.
Núi Cống Ca là một trong 25 điểm nóng về đa dạng sinh học trên thế giới và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, với tổng diện tích khu thắng cảnh lên tới 10.000 km2.
Trong khu vực có các ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng như chùa Cống Ca và chùa Tháp Công. Du khách có thể trải nghiệm các phong tục dân tộc đầy màu sắc của người Tây Tạng, người Yis,…