Căng thẳng leo thang khi các nước Tây Phi tính đưa quân can thiệp vào Niger

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: AP | 13/08/2023, 15:15

Căng thẳng đang leo thang giữa chính quyền quân sự Niger và khối các quốc gia Tây Phi khi các nước này đã ra lệnh triển khai quân đội để khôi phục nền dân chủ Niger.

Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cho biết khối này đã quyết định triển khai lực lượng dự phòng nhằm khôi phục trật tự hiến pháp Niger sau khi hạn chót phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum đã qua.

Vài giờ trước đó, 2 quan chức phương Tây nhận định với AP, chính quyền quân sự Niger đã nói với một nhà ngoại giao Mỹ cấp cao rằng họ sẽ giết ông Bazoum nếu các nước láng giềng can thiệp quân sự để khôi phục sự cầm quyền của ông.

Hiện chưa rõ ECOWAS sẽ triển khai các lực lượng khi nào và ở đâu cũng như những đe dọa với ông Bazoum sẽ ảnh hưởng thế nào đến quyết định can thiệp của liên minh 15 nước thành viên này. Các chuyên gia về xung đột cho biết lực lượng trên có thể bao gồm khoảng 5.000 quân do Nigeria dẫn đầu và sẽ sẵn sàng trong một vài tuần tới.

Sau cuộc họp của ECOWAS, Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara tuyên bố sẽ tham gia vào chiến dịch quân sự này cùng với Nigeria và Benin.

"Bờ Biển Ngà sẽ cung cấp một tiểu đoàn và tất cả sự sắp xếp tài chính cần thiết. Chúng tôi quyết tâm đưa ông Bazoum quay lại vị trí của mình. Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình và ổn định trong tiểu vùng này", ông Ouattara cho hay trên truyền hình quốc gia.

Niger, một quốc gia nghèo với khoảng 25 triệu dân, được coi là một trong những hy vọng cuối cùng để các nước phương Tây hợp tác trong việc đẩy lùi cuộc thánh chiến có liên quan đến al-Qaida và nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang tàn phá khu vực. Pháp và Mỹ hiện có hơn 2.500 binh lính đồn trú ở Niger trong khi các nước châu Âu khác đã đổ hàng triệu USD vào các chiến dịch quân sự ở đây.

Phe đảo chính Niger, đứng đầu là Tướng Abdourahmane Tchiani tuyên bố ông có thể làm tốt hơn chính quyền Tổng thống Bazoum để bảo vệ quốc gia khỏi bạo lực thánh chiến và đã khai thác tâm lý chống Pháp trong dân chúng để củng cố sự ủng hộ của họ.

Người dân Niger ở thủ đô Niamey ngày 11/8 cho rằng ECOWAS không hiểu rõ tình hình thực tế ở nước này và không nên can thiệp.

"Đây là việc của chúng tôi, không phải việc của họ. Họ thậm chí không biết lý do tại sao cuộc đảo chính lại diễn ra ở Niger", một người dân Niger có tên là Achirou Harouna Albassi cho hay.

Ngày 11/8, Liên minh châu Phi đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với quyết định của ECOWAS và kêu gọi chính quyền quân sự Niger "ngay lập tức dừng các hành động leo thang với tổ chức khu vực này". Liên minh này cũng kêu gọi ngay lập tức thả ông Bazoum. Một cuộc họp của Liên minh châu Phi để thảo luận về tình hình Niger dự kiến sẽ diễn ra ngày 14/8.

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết sẽ ủng hộ “tất cả các kết luận đã được thông qua" của ECOWAS. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì cho biết, Washington đánh giá cao “quyết tâm của ECOWAS trong việc tìm kiếm tất cả các lựa chọn để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger một cách hòa bình” và sẽ buộc chính quyền quân sự phải chịu trách nhiệm về sự an toàn và an ninh của Tổng thống Bazoum. Tuy nhiên, ông Blinken không nói rõ liệu Mỹ có ủng hộ việc ECOWAS triển khai quân hay không.

Hiện chưa rõ liệu mối đe dọa với tính mạng của ông Bazoum sẽ thay đổi quyết định can thiệp quân sự của ECOWAS như thế nào.

"Quyết định can thiệp của ECOWAS nhằm khôi phục trật tự hiến pháp với một quốc gia có quy mô và dân số như Niger là chưa từng có", Nate Allen, Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi cho hay. Niger có lực lượng quân đội khá lớn và được huấn luyện bài bản. Nếu lực lượng này chủ động chống lại sự can thiệp trên, điều đó có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho ECOWAS., chuyên gia này nhận định.

Trong khi khu vực này đang cân nhắc giữa đàm phán hòa bình và chuẩn bị cho chiến tranh, người dân Niger đang chịu tác động mạnh mẽ của các lệnh trừng phạt kinh tế và đi lại từ ECOWAS.

Trước cuộc đảo chính, hơn 4 triệu người Niger phụ thuộc vào cứu trợ nhân đạo và tình hình hiện nay thậm chí có thể còn trở nên tồi tệ hơn", bà Louise Aubin, Điều phối viên của Liên Hợp Quốc tại Niger cho hay.

"Tình hình rất đáng báo động. Chúng tôi thấy sự gia tăng theo cấp số nhân những người cần cứu trợ nhân đạo", bà Louise Aubin nói, đồng thời cho biết việc đóng cửa biên giới trên bộ và trên không sẽ khiến việc cung cấp cứu trợ cho nước này trở nên khó khăn hơn.

Lệnh trừng phạt của ECOWAS cũng cấm việc vận chuyển hàng hóa giữa Niger và các nước thành viên. Chương trình Lương thực Thế giới có 30 xe tải đang mắc kẹt ở biên giới Benin. Chính quyền quân sự Niger đóng cửa không phận cũng cản trở các chuyến bay cứu trợ trong việc tiếp cận những người cần được giúp đỡ.

Liên Hợp Quốc đã yêu cầu ECOWAS thực hiện một số ngoại lệ trừng phạt và đang yêu cầu Bộ Ngoại giao Niger cũng có động thái tương tự để tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Bài liên quan
Đảo chính tại Niger: Quân đội được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu
Lệnh báo động mức cao nhất vừa được chính quyền quân sự tại Niger ban hành đối với các lực lượng vũ trang nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hùng tráng Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra hùng tráng, trang trọng vào sáng nay (7/5) tại Sân vận động tỉnh Điện Biên (phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ).
  • Lo lãi suất tăng, người mua nhà vội vã xuống tiền
    Đã có ngân hàng tăng lãi suất cho vay mua nhà ngay khi hết quý đầu năm, người có nhu cầu mua nhà để ở đang mạnh tay xuống tiền khi giá khó hạ thêm.
  • Ngày vui nhất sau 70 năm của đồng bào Tây Bắc
    Dù trời đổ mưa lớn trong sáng ngày kỷ niệm nhưng không cản nổi không khí ngày hội lớn trên các con phố của thành phố Điện Biên Phủ, đồng bào khắp vùng Tây Bắc đã về đây, cùng cờ hoa đón mừng đoàn quân diễu binh, diễu hành.
  • Hải quân Nhân dân Việt Nam - 69 năm một lòng giữ biển
    VOVLIVE - 69 năm một lòng giữ biển, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã và đang lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời trở thành Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, với đầy đủ các thành phần lực lượng, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
Mới nhất