Căng mình giữ rừng ở Đồng Nai trước nắng nóng gay gắt

Duy Phương/VOV-TP.HCM | 23/03/2024, 17:02

Tình trạng nắng nóng với mức nhiệt độ từ 35-37 độ C xuất hiện trên diện rộng, kéo dài ở Nam Bộ thời gian qua khiến nguy cơ cháy rừng ở mức cao. Theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, gần 3 tháng qua trên địa bàn tỉnh hoàn toàn không mưa. Dưới nắng gay gắt, những cán bộ kiểm lâm cũng như người dân tại Đồng Nai căng mình giữ rừng.

Nhiều khó khăn, hạn chế

Diện tích rừng mà Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú phụ trách là hơn 18.000 ha, trong đó hơn 13.000 ha là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Địa bàn rộng nhưng số lượng cán bộ trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng chỉ có 92 người. Để làm tốt công tác giữ rừng, ngành chức năng thường xuyên, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và giao khoán rừng cho các hộ dân canh tác.

20 năm qua, ông Trần Văn Hoan, ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán canh tác rẫy giáp với rừng phòng hộ. Cứ đến mùa khô hàng năm, các cán bộ kiểm lâm thường xuyên nhắc nhở ông Hoan về công tác phòng chống cháy rừng.

“Vào mùa khô là không đốt rừng, phải chọn rẫy để đốt. Nếu xảy ra cháy thì thiệt hại đến cây trồng. Nhắc nhở những người xung quanh nên bảo vệ, không nên để xảy ra cháy rừng”, ông Hoan nói.

Còn tại huyện Xuân Lộc, do thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hanh kéo dài đã khiến cho nhiều cây rừng trên địa bàn Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc khô lá và chết do thiếu nước. Đơn vị chủ rừng đang nỗ lực huy động lực lượng tham gia tưới nước chống hạn cho cây rừng.

Do diện tích rừng rộng, lực lượng hạn chế, việc tưới nước chống hạn cho rừng chỉ được áp dụng ở một số khu vực nhất định. Đường rừng khó đi lại, điểm lấy nước lại cách xa 3-4 km nên một số nơi xảy ra tình trạng cây khô lá, chết.

Người dân cùng tham gia

Khu bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đang quản lý hơn 100.000 ha rừng, tiếp giáp nhiều địa phương và khu dân cư. Công tác bảo vệ rừng trong thời tiết nắng nóng được các hộ dân sống ven rừng nhận thức đầy đủ, có ký cam kết với lực lượng chức năng. Trong trường hợp có cháy xảy ra, người dân cũng tích cực tham gia ứng phó.

Ông Trần Ngọc Nông, ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu sinh sống gần Khu bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ hỗ trợ chống cháy và cũng tham gia trực gác rừng: “Công tác phòng cháy rừng thì dân ở trạm cũng có ý thức chuẩn bị phương tiện. Nếu có cháy rừng thì hỗ trợ các anh bên trạm bằng xe, phương tiện, nước để dập lửa”.

Toàn tỉnh Đồng Nai đang vào cao điểm mùa khô và nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở mức cao nhất (cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm). Ông Tô Thế Mạnh - Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết, chế độ trực, tuần tra, kiểm tra canh phòng lửa rừng được triển khai sớm, đầy đủ. Đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra cháy rừng.

Còn tại rừng phòng hộ Tân Phú, ông Nguyễn Văn Chiểu – Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Định Quán cho biết: “Công tác phòng ngừa và công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh. Nhất là khu vực có nguy cơ cháy, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát người ra vào rừng. Người dân sử dụng rừng canh tác, đốt nương rẫy ven rừng phải đúng quy định của pháp luật”.

Dự báo tới cuối tháng 3/2024, tại tỉnh Đồng Nai tiếp tục không mưa. Do đó, dẫu cực nhọc vất vả nhưng công tác giữ rừng càng phải được chú trọng, bởi chỉ một phút lơ là cũng có thể gây thiệt hại khôn lường.

Bài liên quan
Nhiều diện tích rừng ở Đắk Lắk có nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm
Cao điểm mùa khô ở Đắk Lắk, với nắng nóng gay gắt kéo dài đang khiến nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Ngành chức năng, các chủ rừng và người dân đang tích cực chuẩn bị các phương án phòng cháy chữa cháy rừng, nhằm chủ động ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Siết chặt vòng vây
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với cách đánh lấn, ta đã từng bước siết chặt vòng vây, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch rồi bất ngờ đột phá tiêu diệt địch.
Mới nhất