Cần sự liên kết “3 nhà” trong đào tạo, cung ứng lao động có tay nghề

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc | 03/08/2022, 09:15

Các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh Yên Bái mỗi năm đều cung ứng ra thị trường nguồn lao động khá lớn, thế nhưng, các doanh nghiệp trên địa bàn lại khó tuyển dụng. Để giải quyết vấn đề này, cần sự vào cuộc của “3 nhà” là: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Tùy thuộc từng lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh, nhưng điểm chung là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian này đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động có tay nghề, tập trung chủ yếu và lĩnh vực cơ khí, điện công nghiệp, nghề mộc, công nghệ ô tô, vận hành máy công trình… 

Ông Đỗ Đức Huy, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Gỗ Kim Gia (có nhà máy và văn phòng tại Yên Bái) cho biết: “Đối với Công ty Kim Gia, ở một số khâu điều kiện tự động thì cần tay nghề cao hơn, còn đối với với các bộ phận máy móc thì cũng chỉ cần đạo tạo trình độ sơ cấp, trung cấp là có thể thực hiện được những công việc như vậy.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty TNHH ô tô Vina Hòa Bình cho hay: “Mong muốn của doanh nghiệp là tuyển dụng được các vị trí thợ sửa chữa cho xưởng để công ty có nguồn nhân lực để phát triển”.

Nhu cầu là vậy, nhưng hiện nay các đơn vị này vẫn chưa thể tuyển đủ, tuyển đúng ý muốn. 

Theo thống kê, tỉnh Yên Bái có 3 khu Công nghiệp với 79 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Trong số này đã có 35 dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, hàng trăm doanh nghiệp khác cũng đang triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các huyện, thị xã, thành phố. Thực tế là hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu nguồn tuyển lao động có tay nghề, hiện vẫn phải tuyển lao động phổ thông rồi tự tổ chức đào tạo, trong bối cảnh trang thiết bị, dây chuyền ngày càng hiện đại, rất cần lao động có trình độ, tay nghề.

Ông Phạm Lâm Phóng, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết: “Các ngành nghề trong khu công nghiệp chủ yếu là chế biến gỗ rừng trồng và các sản phẩm từ gỗ, chế biến bột đá... Do vậy, nhu cầu về lao động có tay nghề rất là lớn, chúng tôi đã liên hệ, phối hợp với các nhà trường để có kế hoạch.

Mỗi năm tại Yên Bái có tới hàng nghìn lao động có tay nghề được đào tạo ở 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp là Cao đẳng nghề Yên Bái, Trung cấp nghề Nghĩa Lộ và Trung cấp nghề Lục Yên nhưng sau đó hầu hết đi làm việc tại nhiều doanh nghiệp ở ngoài tỉnh. Đó có thể coi là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trên địa bàn không tuyển được lao động. Bên cạnh đó, theo nhận định của ngành chức năng,  hiện nay cũng còn nhiều bất cập trong việc điều tiết nguồn lao động có tay nghề đến các doanh nghiệp trong tỉnh.    

Nhằm giải quyết vấn đề này, các cơ sở đào tạo nghề ở tỉnh Yên Bái hiện đang đẩy mạnh việc đào tạo theo địa chỉ, với những cam kết về chất lượng và số lượng theo yêu cầu của từng doanh nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng phải chủ động đặt hàng với cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý cũng phải có sự chỉ đạo, điều tiết để tạo sự thống nhất chung.

Về vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái và ông Lê Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và XH Yên Bái cho rằng:

“Chúng tôi luôn coi trọng hợp tác với doanh nghiệp, trong thực tế thì nhà trường hiện tại cũng đã có mối quan hệ thường xuyên để đưa học sinh đi thực tập cuối khóa cũng như giới thiệu lao động sau đào tạo với trên 20 doanh nghiệp”.

“Kết hợp tốt giữa ba nhà thì đối với doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí về tuyển dụng lao động, chi phí đào tại lại cho người lao động khi tuyển dụng vào, thứ hai là sẽ bù đắp cho doanh nghiệp ngay lập tức lực lượng lao động đang thiếu hụt hiện nay. Đối với nhà trường sẽ giảm được những chi phí như chi phí về xưởng thực hành và chi phí đi lại. Đối với Nhà nước thì giảm được chi phí về đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái cần quan tâm đến lương, thưởng, bảo hiểm của người lao động một cách phù hợp, ít nhất cũng phải ở mức tương đương với các tỉnh, thành phố khác. Có như vậy thì mới thu hút, giữ chân được nguồn nhân lực có chất lượng đến làm việc./.

Bài liên quan
Nhiều ngành nghề 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay
Kể từ khi Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính năm 2008 đến nay, số người tham gia học nghề ngày càng tăng, chất lượng đào tạo nghề cũng được nâng lên; nhiều ngành nghề 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất