Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Đoàn kết thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu'

Vũ Vân - Đắc Huy | 07/12/2021, 19:00

Đây là khẩu hiệu được Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh trong "Hội thảo COP26 - Hành động của Việt Nam và kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản 2020”, diễn ra chiều 7/12.

Hội thảo “Công bố kết quả Hội nghị COP26 - Hành động của Việt Nam và kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản 2020” do Bộ Tài nguyên Môi trường, thường trực Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu (BĐKH) phối hợp với Đại sứ quán Anh và các tổ chức quốc tế, tổ chức. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Đoàn kết thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu' - 1

Hội thảo “Công bố kết quả Hội nghị COP26 - Hành động của Việt Nam và kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản 2020” tại Bộ Tài Nguyên và Môi trường. (Ảnh: Đắc Huy)

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, biến đổi khí hậu thực sự trở thành thách thức lớn nhất và trở thành vấn đề khẩn cấp đối với nhân loại trên toàn cầu. Ông Hà nhấn mạnh cần đoàn kết thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu.

"Là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế trong khi lại chịu nhiều tác động của BĐKH, Việt Nam vẫn quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH toàn cầu. Để thực hiện, cần có sự hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế cả về tài chính và chuyển giao công nghệ cùng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cao cả nhưng hết sức khó khăn này để bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất cho thế hệ hôm nay và mãi về sau…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định đây là lần đầu tiên thế giới đưa ra được lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ. Để thực hiện lộ trình này, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp; đồng thời sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi mặt về chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại toàn cầu trong thời gian tới.

Ứng phó với BĐKH trên toàn cầu và ở nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi Việt Nam phải tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Đoàn kết thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu' - 2

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Đắc Huy)

Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên Môi trường giới thiệu kịch bản Biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật 2020, kịch bản biến đổi khí hậu được cập nhật công bố lần đầu vào năm 2009 và các lần tiếp theo là 2012, 2016.

Kịch bản lần này đã sử dụng các công bố mới nhất của Ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC), kết quả cập nhật nhất của các mô hình khí hậu toàn cầu, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh và số liệu địa hình.

Kịch bản BĐKH phiên bản cập nhật năm 2020 là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà khoa học và quản lý, cung cấp thông tin quan trọng để các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng, cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Đoàn kết thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu' - 3

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, thay mặt các Đối tác phát triển. (Ảnh: Đắc Huy)

Cuối Hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Phó Trưởng Ban công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH, điểm lại quá trình tham gia COP26 của Việt Nam và kết quả đạt được, đồng thời thể hiện quyết tâm, cam kết mạnh mẽ trong về việc giảm phát thải khí nhà kính, loại bỏ điện than; huy động tài chính cho ứng phó với BĐKH và các sáng kiến được công bố tại COP26… góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu trong thời gian tới.

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP16), Hội nghị lần thứ 3 các bên tham gia Thoả thuận Pari (CMA3) và các sự kiện liên quan  (từ 30/10 đến 13/11) được tổ chức tại Glasgow, Vương Quốc Anh (gọi chung là Hội nghị COP26) diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng của đại dịch COVID-19 và tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, đòi hỏi loài người phải hành động khẩn cấp trước khi quá muộn.

Tham dự Hội nghị có gần 124 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và gần 40 nghìn đại biểu của 197 quốc gia thành viên tham gia Công ước và các cơ quan, tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc; tổ chức nghiên cứu; phân tích; tổ chức liên chính phủ; tổ chức phi chính phủ và cơ quan báo chí, truyền thông. Đoàn Việt Nam gồm đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tham dự Hội nghị COP26.

Vũ Vân - Đắc Huy
Bài liên quan
Nhiệt độ toàn cầu tăng kỷ lục, kinh tế thế giới 'nóng rẫy'
Biến đổi khí hậu làm tăng giá lương thực, lạm phát và những tác động này có thể sẽ khiến kinh tế thế giới đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất