Bộ Công Thương: Giá đầu vào giảm, EVN phải chủ động giảm giá điện tương ứng

06/10/2022, 15:51

Bộ Công Thương khẳng định cơ chế quản lý giá không cho phép EVN chỉ tăng mà không giảm giá điện, khi yếu tố đầu vào thay đổi.

Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin để làm rõ dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, được công bố lấy ý kiến hồi cuối tháng 9.

Trước nhiều ý kiến e ngại việc EVN không chủ động giảm giá điện, trong khi có thêm quyền tăng, Bộ Công Thương khẳng định, dự thảo lần này đã làm rõ quy định điều chỉnh giảm giá điện khi thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm.

"Nếu kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng, thời gian thực hiện điều chỉnh giảm giá điện từ ngày 1 tháng 10 của năm đó", thông cáo của Bộ Công Thương nêu.

Bộ Công Thương: Giá đầu vào giảm, EVN phải chủ động giảm giá điện tương ứng - 1

Bộ Công Thương khẳng định nếu kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào thì EVN phải hạ giá tương ứng. (Ảnh: EVN)

Dự thảo cũng cho phép EVN được quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân đến mức dưới 5%. Trường hợp khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 5% trở lên thì EVN phải lập hồ sơ báo cáo. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến thì EVN được điều chỉnh tăng giá điện.

Với trường hợp tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng cho ý kiến cuối cùng về việc điều chỉnh giá điện để EVN thực hiện.

Đáng chú ý, dự thảo đề nghị khi có biến động thông số đầu vào dẫn tới giá điện tính toán tăng từ 1% trở lên thì giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh (thay vì mức 3% như quy định hiện hành).

Bộ Công Thương cho hay, điều này nhằm đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang đề xuất cách tính tiền điện sinh hoạt mới, với phương án rút gọn thành 5 bậc thay vì 6 và bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay cho 50 kWh như trước.

Hòa Bình
Bài liên quan
3 kịch bản điều hành giá năm 2024
Bộ Tài chính vừa đưa ra 3 kịch bản điều hành giá cả trong năm 2024, dựa trên những dự báo về chỉ số CPI bình quân.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất