Bình Phước tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Sông Thao | 30/09/2022, 10:30

VOVLIVE - Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, tỉnh Bình Phước coi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là giải pháp trọng yếu.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ký ban hành Quyết định số 1642/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án đặt ra các mục tiêu phát triển cụ thể như: Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt 1 tỉ USD, tương đương 20% giá trị đóng góp của công nghiệp hỗ trợ trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (5 tỉ USD).

8f5e1fac-70b3-4bf9-a6e6-79d51bb4c8c3.jpeg

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là giải pháp trọng yếu- Ảnh:  CTV

Trong giai đoạn này, sản lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hằng năm trên địa bàn tỉnh sẽ thay thế từ 35% đến 40% sản lượng nhập khẩu công nghiệp hỗ trợ với cùng yêu cầu chất lượng. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của tỉnh phải đảm bảo cung ứng mạnh mẽ và cạnh tranh đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Đến năm 2030, sản lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hằng năm trên địa bàn tỉnh sẽ thay thế từ 50% đến 60% sản lượng xuất khẩu công nghiệp hỗ trợ với cùng yêu cầu chất lượng.

Ưu tiên phát triển các phân ngành công nghiệp hỗ trợ theo thứ tự: Điện tử, sản xuất lắp ráp ôtô, dệt may; da giày; cơ khí chế tạo; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Đề án cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bình Phước đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cụ thể, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là giải pháp trọng yếu, được thực hiện thông qua các chương trình thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hạ tầng xã hội (trường học, thiết chế văn hóa, hệ thống thương mại, nhà ở, chung cư...) để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua đó, tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh trong khu vực.

Hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Tận dụng lợi thế của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và chi phí thuê đất có giá cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo định hướng phát triển các phân ngành có thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn nêu trên. Bố trí nguồn ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ; khai thác tối đa ưu đãi phát triển của Chính phủ dành cho công nghiệp hỗ trợ khi phát triển thêm sản phẩm mới và thêm thị trường mới.

Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư cụ thể cho từng nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, vào từng thị trường và vào từng nhóm nhà đầu tư cụ thể. Trước mắt, tiếp xúc và kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, hiện có các nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư mới các nhà máy sản xuất với nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, phát triển nguồn vốn ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhằm phát triển nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp của tỉnh.

Từng bước hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận đặt hàng và nhận chuyển giao công nghệ để phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất