Bất thường trong vụ cấp sổ đỏ từ đất nông nghiệp sang đất ở

14/11/2020, 08:38

Nhiều người dân phản ánh về bất thường trong việc cấp sổ đỏ cho hộ gia đình từ đất nông nghiệp sang đất ở tại Hải Phòng.

Theo phản ánh của nhiều người cao tuổi sinh sống tại ngõ 571 Nguyễn Văn Linh, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng. Từ tháng 11/2019, tại thửa đất số 168, tờ bản đồ số 36 tổ dân phố số 12 (đất nông nghiệp đã được bồi thường) của gia đình ông Nghiện, bà Nhủ được ông Vũ Quang Huy mua lại và cho khởi công xây dựng nhà cao tầng kiên cố, gồm 3 tầng, với diện tích 49m2.

Ngay sau khi phát hiện công trình khởi công xây dựng trên đất nông nghiệp và làm đơn tố cáo lên chính quyền phường Kênh Dương, người dân mới biết phần diện tích đất này đã được hợp thức hóa từ đất đất nông nghiệp thành đất ở, được UBND quận Lê Chân cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) từ năm 2018, có tổng diện tích 98m2 cho ông Vũ Quang Huy.

Theo phản ánh của các hộ dân tại ngõ 571 Nguyễn Văn Linh, mảnh đất nhà ông Huy vốn có nguồn gốc là đất nông nghiệp, nhưng không hiểu vì sao đến năm 2018 lại được các cấp chính quyền biến thành đất ở.

Bất thường trong vụ cấp sổ đỏ từ đất nông nghiệp sang đất ở - 1

Bất thường trong việc cấp sổ đỏ tại phường Kênh Dương.

Ngày 20/9/2017 ông Vũ Quang Huy nộp đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư sang đất phi nông nghiệp là đất ở đô thị, thửa 168, tờ bản đồ 36, bản đồ địa chính phường Kênh Dương năm 2005, diện tích 98m2, nguồn gốc đất nông nghiệp, đã có nhà ở từ năm 1996, địa chỉ thửa đất tại tổ dân phố 12 phường Kênh Dương.

Đến ngày 30/5/2018, Ủy ban nhân dân quận Lê Chân ban hành Quyết định số 589/QĐ-UBND và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ông Vũ Quang Huy, bà Quản Thị Thu Hà, số vào số Giấy chứng nhận CH000166/KD.

Điều khiến cho người dân sinh sống quanh khu vực hết sức bất ngờ và bất bình vì đất này không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ - không phải là đất xen kẹt và không có nhà ở.

Sau khi gia đình ông Nghiện, bà Nhủ (chủ khu đất nhận tiền bồi thường từ dự án) thì không hề có căn nhà nào nằm giáp ranh ngôi nhà ông Huy xây dựng, vì một bên là mương An Kim Hải, một bên là đường đi, các hướng còn lại giáp ranh các thửa đất nông nghiệp khác và không có hộ bà Vân nào ở cạnh bên – như thể hiện trong GCNQSDĐ cấp cho ông Vũ Quang Huy.

Liên quan đến hộ bà Vân này, ông Hoàng Hiếu Hoá, nhà số 7, ngõ 571 Nguyễn Văn Linh cho biết: “Tôi sống ở đây nhiều năm, không có hộ nào là bà Vân ở cạnh nhà ông Huy. 3 mặt của nhà này đều giáp với đất nông nghiệp chứ làm gì có hộ nào ở gần. Một mặt giáp đường nội bộ, một mặt giáp bờ mương An Kim Hải. 

Việc “đẻ” ra hộ Vân phải chăng là cách UBND phường Kênh Dương và UBND quận Lê Chân hợp thức hoá chuyển đổi mảnh đất này sang đất ở”.

Cũng theo các hộ dân, từ sau khi nhà bà Nhủ (chủ đất trước khi bán cho ông Huy) nhận tiền đền bù vào năm 2010, trên khu đất này chỉ còn lại 1 bức vách, chứ không hề có căn nhà nào. Khu đất này cũng không có người ở nhiều năm nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngôi nhà nêu trên được xây trên đất nông nghiệp, có nhiều dấu hiệu cho thấy bị “phù phép” thành đất ở. Căn cứ hồ sơ địa chính năm 2005 thì thửa đất 168, tờ bản đồ địa chính số 36, có diện tích: 545,4m2 chủ sử dụng Phạm Thị Nhủ.

Đối chiếu phương án bồi thường, hỗ trợ của Dự án cải tạo mương An Kim Hải năm 2010 thì thửa đất của bà Phạm Thị Nhủ đã bị thu hồi 629,8 m2 trong đó 200,0m là đất nông nghiệp làm nhà ở sau năm 1993 và 429,8 m là đất nông nghiệp tự sử dụng. Bà Nhủ đã nhận số tiền bồi thường là 234.456.033 đồng và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Khuất tất nằm ở chỗ tại hồ sơ đề nghị hợp thức chuyển mục đích sử dụng đất của ông Vũ Quang Huy lại có giấy tờ mua bán chuyển nhượng với con trai bà Nhủ từ năm 2006.

Giấy viết tay mua bán này các thông tin khá sơ sài, chỉ ghi diện tích chuyển nhượng là 130m2, còn không hề ghi vị trí lô đất.

Ngoài ra, con trai bà Nhủ đã “bán” 130,0m2, nhưng năm 2010 bà Nhủ vẫn là chủ sử dụng đất và nhận tiền bồi thường hỗ trợ.

Vì vậy, việc giao dịch có đúng tại thời điểm năm 2006 cũng được nhiều người dân đặt nghi vấn.

Bởi lẽ, theo Khoản 3, điều 191 của Luật đất đai 2013, ghi rõ: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”.

Đồng thời, chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác.

Nếu chiếu theo luật Đất đai 2013 thì ông Huy có hộ khẩu tại nơi khác, không thuộc trường hợp không được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Một điều kỳ lạ khác là năm 2007, quận Lê Chân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Vũ Đình Dũng, đối diện thửa đất hiện tại của ông Huy, mặt đường có chiều rộng 8m.

Còn tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Huy cấp năm 2018, mặt đường được ghi là rộng 6,35m. Sau 9 năm, chiều rộng của đường mất đi 1,65m.

Nếu căn cứ theo hiện trạng có từ trước là đất của ông Dũng, thì cửa nhà ông Huy hiện tại chỉ rộng 2,2m. Theo Quyết định 1394 của UBND TP. Hải Phòng, chiều rộng này không đủ điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Liên quan đến hộ liền kề bà Vân ở cạnh nhà ông Huy, bà Lê Thị Tuyết, chủ tịch UBND phường Kênh Dương cung cấp cho phóng viên tờ bản đồ cũng thể hiện rõ, phía Đông nhà ông Huy giáp đất nông nghiệp còn lại của bà Nhủ. Trong khi tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do quận Lê Chân cấp thì phần đuôi nhà lại giáp đất gia đình khác.

Liên quan đến sự việc này, bà Tuyết cho biết, khi chúng tôi xác minh hiện trạng và hộ liền kề thì không xác định được chủ lô đất.

Vì vậy, phường đã hỏi hàng xóm và chủ đất cũ thì được biết, bà Nhủ đã bán cho ông Huy 130m2, phần đất còn lại bán cho bà Vân.

Hàng xóm xung quanh cũng nói đây là đất nhà bà Vân mua từ bà Nhủ, để không lâu năm, nên họ trồng rau nhờ.

“Vì là đất trống, chúng tôi xác minh cùng thửa, nên không ký giáp ranh, chỉ niêm yết tại khu phố 15 ngày. Từ khi cấp đến giờ, bà Vân không có tranh chấp hay kiến nghị gì. Cùng 1 thửa đất nên tất nhiên đất nhà bà Vân cũng là đất nông nghiệp. Bà Vân là do người bán đất nói và hàng xóm nói, phường cũng không tìm được bà này”, bà Tuyết khẳng định.

Liên quan đến việc ông Huy có đủ điều kiện để nhận chuyển nhượng mảnh đất nông nghiệp 130m2 của bà Nhủ hay không, bà Tuyết cho biết, việc mua bán của ông Huy là hợp pháp vì ông Huy là mua nhà trên thửa đất này, ông ấy mua nhà dở, không còn trọn vẹn.

Bà Tuyết cũng cho biết, việc cấp GCNQSDĐ cho nhà ông Huy dựa trên nguồn gốc đất và hiện trạng sử dụng đất.

Cũng liên quan đến căn nhà 3 tầng của ông Huy hiện nay, bà Tuyết cho biết hiện căn nhà này đang xây sai so với giấy phép xây dựng, đã bị xử phạt 15 triệu đồng và đang xin ý kiến quận Lê Chân để bịt 2 cánh cửa mở sai về phía dự án Aeon Mall Lê Chân.

Bài liên quan
Sẽ phân cấp, phân quyền giúp giảm phiền hà cho người dân khi xin cấp sổ đỏ
Dự thảo quy định chi tiết của Luật Đất đai sẽ phân cấp, phân quyền, giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, giảm phiền hà cho người dân, đặc biệt không phát sinh thủ tục mới và gắn liền với chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất