Theo RT, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bất ngờ đến thăm Armenia hôm 17/9, chỉ vài ngày sau khi nổ ra các cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan xung quanh khu vực biên giới hai nước.
Trong một tuyên bố sau khi bà Pelosi đến Yerevan, văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết mục tiêu chuyến công du của bà Pelosi nhằm thúc đẩy chấm dứt tranh chấp biên giới giữa Armenia và Azerbaijan vốn không ngừng leo thang trong suốt 2 năm qua.
Ngay sau khi đến Yerevan chiều 17/9 (theo giờ địa phương), bà Pelosi đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Trong đoàn nghị sĩ Mỹ đến Armenia còn có các Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Frank Pallone, Anna Eshoo và Jackie Speier.
Ngoài Thủ tướng Pashinyan, bà Pelosi cũng sẽ có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo khác của Armenia. Nội dung các cuộc hội đàm sẽ xoay quanh việc giải quyết xung đột ở Nagorno-Karabakh.
Bà Pelosi là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Armenia kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập năm 1991.
Khu vực Nagorno-Karabakh, nơi tập phần dân số là người gốc Armenia đã tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan từ đầu những năm 1990. Baku sau đó đã tuyên bố chủ quyền đối với Nagorno-Karabakh, trong khi Yerevan ủng hộ Nagorno-Karabakh ly khai. Điều này dẫn đến hai cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan trong những năm 1990 và năm 2020.
Trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh lần 2, giao tranh chỉ tạm lắng xuống sau khi Nga đứng ra làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa hai bên.
Theo thỏa thuận, người Armenia phải nhượng lại nhiều vùng lãnh thổ mà nước này đã kiểm soát ở Nagorno-Karabakh từ những năm 1990, trong khi Moskva triển khai khoảng 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình để giám sát thỏa thuận ngừng bắn.
Tuy nhiên, chiến sự lại một lần nữa nổ ra vào ngày 14/9/2022, Armenia cáo buộc Azerbaijan tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo và máy bay không người lái qua biên giới của mình. Còn Baku tuyên bố rằng họ buộc phải đáp trả trước các hành động “khiêu khích” của Yerevan. Hàng chục binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng trong hai ngày sau đó, cho đến khi Thủ tướng Pashinyan cầu cứu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga lãnh đạo, sau đó Azerbaijan đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn.