Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi động chương trình nghị sự năm 2023 bằng Thông điệp Liên bang đọc trước lưỡng viện Quốc hội với nhiều thành tích nổi bật cả về đối nội lẫn đối ngoại. Tuy nhiên, xu hướng tích cực này không kéo dài khi nước Mỹ liên tiếp đối mặt hàng loạt thách thức như chính trị nội bộ chia rẽ sâu sắc, quốc hội phân cực, cạnh tranh quyền lực gia tăng, thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Ở bên ngoài, trong khi cuộc chiến Ukraine tiếp tục dai dẳng thì xung đột Trung Đông bất ngờ bùng phát đẩy nước Mỹ vào mớ bòng bong chính sách. Người dân Mỹ bước vào năm 2024 có lẽ với tâm trạng lo lắng hơn là lạc quan.
Điểm nổi bật nhất trong chính trị nội bộ Mỹ năm 2023 có lẽ là các vụ xét xử hình sự đối với cựu Tổng thống Donald Trump và đề xuất luận tội đương kim Tổng thống Joe Biden. Trong bối cảnh chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024 được khởi động thì cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang nỗ lực đẩy mạnh các vụ xét xử và luận tội nhằm tìm kiếm lợi thế cho mình.
Mâu thuẫn, tranh cãi, kiện tụng kéo dài, luận tội đương kim Tổng thống
Đối với đương kim Tổng thống Biden, Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ hôm 28/09 đã mở phiên điều trần đầu tiên trong cuộc điều tra xem xét liệu ông chủ Nhà Trắng có tham gia vào các hành vi phạm tội có thể bị luận tội theo Hiến pháp Mỹ hay không. Theo đảng Cộng hòa, Ủy ban Giám sát Hạ viện đã phát hiện hàng loạt bằng chứng tiết lộ cách ông Biden lạm dụng chức vụ công để thu lợi tài chính cho gia đình, nói dối người dân Mỹ về việc ông biết và tham gia vào các âm mưu kinh doanh phi pháp của gia đình.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ cho rằng, những bằng chứng mà đảng Cộng hòa thu thập được cho đến nay không chứng minh được trường hợp phạm tội và cần có thêm tài liệu từ ngân hàng để xác định có vi phạm hay không.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 13/12, chỉ một ngày trước khi nước Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua quyết định mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Biden, với 221 phiếu thuận và 212 phiếu chống. Cuộc điều tra nhằm xem xét liệu ông chủ Nhà Trắng có hưởng lợi bất chính từ các giao dịch kinh doanh nước ngoài của con trai Hunter Biden hay không.
Xét xử hình sự cựu Tổng thống
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt vụ án dân sự và hình sự, tập trung vào cáo buộc nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020. Ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị buộc tội hình sự hồi tháng 3 khi bị truy tố 34 tội danh nghiêm trọng liên quan đến việc làm sai lệch hồ sơ trong một loạt kế hoạch bưng bít các khoản chi thanh toán cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Trong năm 2023, ông Trump tiếp tục bị truy tố hình sự trong 3 vụ án khác. Vụ thứ nhất là cáo buộc vi phạm nguyên tắc sử dụng tài liệu mật từ thời còn ở Nhà Trắng và hai vụ còn lại liên quan đến vai trò của ông này trong nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Trong đó, ông Trump bị cáo buộc đã kích động hoặc có liên quan đến vụ bạo loạn ngày 06/01/2021 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ và tìm cách gây sức ép giới chức bang Georgia kiếm thêm phiếu bầu cho mình.
Cho đến nay, ông Trump vẫn không nhận tội trong cả bốn vụ án trên. Tác động từ những vụ kiện này đối với ông Trump vẫn chưa rõ là tốt hay xấu nhưng trên thực tế, cựu Tổng thống hiện vẫn đang là ứng cử viên sáng giá nhất trở thành gương mặt đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống.
Hỗn loạn và bế tắc tại Hạ viện
Các đảng viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội ở Mỹ đã chứng kiến những biến động nội bộ nghiêm trọng trong năm, gây ra một loạt kịch tính diễn ra tại Hạ viện. Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy, đảng Cộng hòa, đã phải trải qua 15 vòng bỏ phiếu với hàng loạt cuộc thương lượng cả bí mật lẫn công khai để giành chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện thay thế cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi của đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, triều đại của ông McCarthy chỉ kéo dài chưa đầy một năm và cuộc bỏ phiếu hồi tháng 10 vừa qua đã biến ông này trở thành cựu Chủ tịch Hạ viện lần đầu tiên bị phế truất trong lịch sử. Thất bại của ông McCarthy trước các thành viên bảo thủ cực đoan của đảng Cộng hòa được cho là do đã nhượng bộ quá nhiều, đặc biệt là đồng ý với thỏa thuận có thể bị bãi chức bằng một cuộc bỏ phiếu do duy nhất một thành viên Hạ viện đề xuất.
Sau khi bị bỏ trống trong ba tuần, chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện cuối cùng đã có chủ sau 3 lần lựa chọn với Hạ nghị sỹ Mike Johnson bằng số phiếu 220/209. Ông này cũng chính là nhân vật đóng vai trò nổi bật trong nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Sau khi nhậm chức, ông Johnson đã cam kết hạn chế chi tiêu liên bang, nỗ lực phân cấp quyền lực của cơ quan lập pháp và hành động đầu tiên là thông qua nghị quyết lên án vụ tấn công đẫm máu ngày 07/10 của Hamas cũng như tăng cường hỗ trợ cho Israel. Tuy nhiên, hỗn loạn và bế tắc tại Hạ viện có nguy cơ kéo dài khi đảng Cộng hòa mặc dù chiếm đa số nhưng nội bộ chưa thể tìm được tiếng nói chung trong hàng loạt vấn đề như chính sách đối với hai cuộc xung đột hoặc trong dài hạn là đối phó với Trung Quốc.
Chính sách đối ngoại tích cực lẫn tiêu cực, mắc kẹt trong hai cuộc chiến
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với hai cuộc chiến không có hồi kết mà nước Mỹ đang bị mắc kẹt nghiêm trọng. Thách thức lớn nhất hiện nay đối với Tổng thống Biden chính là khoản viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine cũng như tăng cường viện trợ quân sự cho Israel ngoài khoản viện trợ đã cam kết 3,8 tỷ USD hằng năm. Trong những tháng gần đây, sự ủng hộ dành cho viện trợ của Mỹ đã bắt đầu suy yếu, đặc biệt là trong số các đảng viên Cộng hòa.
Thăm dò dư luận gần đây cho thấy có một nửa thành viên Cộng hòa và cử tri độc lập cho rằng Mỹ đang viện trợ quá nhiều cho Ukraine, ngược lại với kết quả thăm dò trong thời điểm cuối năm 2022. Trong các nỗ lực gần đây, Cộng hòa liên tục phản đối các khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine và đặt điều kiện đánh đổi an ninh biên giới với Mexico, vấn đề vốn bị đảng Dân chủ và Tổng thống Biden phản đối mạnh mẽ. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người trước đó ủng hộ các khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine giờ cũng đã kiềm chế thể hiện quan điểm và chỉ trích Mỹ đang thiếu chiến lược rõ ràng tại Ukraine.
Tổng thống Joe Biden cũng vấp phải phản ứng dữ dội trong nước vì ủng hộ chính phủ Israel. Hiện các cử tri trẻ, những người cấp tiến và một số quan chức trong chính phủ Mỹ đang gây áp lực lên Tổng thống Biden để yêu cầu một lệnh ngừng bắn. Một số nhà lãnh đạo cánh tả đã đi xa hơn khi nói rằng sự ủng hộ của ông Biden đối với Israel đe dọa đến việc tái đắc cử trong bầu cử năm tới.
Ngay cả Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã bày tỏ mối quan ngại rằng Mỹ nên cứng rắn hơn với Israel và thể hiện sự đồng cảm hơn với người Palestine.Trong khi đó, mâu thuẫn chính sách giữa Mỹ-Israel cũng gia tăng. Bất chấp việc Tổng thống Biden liên tục nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Israel vô điều kiện, hai nước vẫn bất đồng về tương lai của khu vực.
Mỹ tuyên bố rằng Chính quyền Palestine nên điều hành Gaza thời hậu chiến và tiếp tục thảo luận về một giải pháp hòa bình toàn diện giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ kế hoạch của Mỹ và đang đánh cược vận mệnh chính trị vào việc phản đối vai trò của Chính quyền Palestine ở Gaza thời hậu chiến và ngăn chặn sự xuất hiện của bất kỳ nhà nước Palestine nào.
Cơ hội ổn định quan hệ Mỹ-Trung
Ngày 25/11, tại một tòa nhà nhỏ ở điền trang Filoli kiểu Anh có tuổi đời hàng thế kỷ, cách trung tâm San Francisco, nơi tổ chức Thượng đỉnh APEC hàng chục km đã diễn ra cuộc gặp Biden-Tập Cận Bình. Từ góc độ truyền thống ngoại giao, cuộc họp điền trang cũng là một phần quan trọng trong đời sống chính trị của Tổng thống Mỹ và là một trong những hoạt động đối ngoại cấp cao nhất ở Mỹ.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần này đã đề xuất tầm nhìn mới cho quan hệ Trung-Mỹ, bao gồm cả việc xây dựng 5 trụ cột cho mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời chỉ ra phương hướng phát triển mối quan hệ giữa hai nước, trong đó có cả những ý tưởng mới về quan điểm “cùng gánh vác trách nhiệm của nước lớn”. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy và tăng cường đối thoại, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như thiết lập đối thoại liên chính phủ về trí tuệ nhân tạo, thành lập nhóm công tác hợp tác chống ma túy Trung-Mỹ, khôi phục liên lạc cấp cao giữa quân đội hai nước trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng, đồng ý tăng thêm nhiều chuyến bay…
Cạnh tranh Mỹ-Trung được coi là sự tất yếu trong quá trình tồn tại và phát triển của hai quốc gia, các nhà lãnh đạo ở mỗi nước đều tin rằng mô hình phát triển của mình là ưu việt. Mỹ muốn duy trì trật tự thế giới hiện nay với vị thế bá chủ toàn cầu, trong khi Trung Quốc muốn vươn lên thành một cực, hình thành quan hệ nước lớn kiểu mới. Đối với kinh tế, thương mại, hai bên tiếp tục gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ.
Tuy nhiên, do mối quan hệ thương mại cộng sinh giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là sự tích hợp chuỗi cung ứng giữa hai nước, việc tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể diễn ra ngay lập tức. Việc này sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, có thể khiến cả kinh tế Mỹ lẫn Trung Quốc rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung ngày 14/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã điểm lại quan hệ kinh tế Mỹ-Trung trong thời gian qua đồng thời nêu các ưu tiên của Mỹ trong năm tới. Bộ trưởng Janet Yellen nhấn mạnh 3 mục tiêu trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc đó là Mỹ sẽ theo đuổi một mối quan hệ kinh tế lành mạnh mang lại lợi ích cho cả hai nước, Mỹ sẽ tìm cách hợp tác với Trung Quốc trong các thách thức toàn cầu và Mỹ sẽ triển khai các công cụ khi cần theiest để đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia.
Theo Bộ trưởng Janet Yellen, Mỹ có 3 ưu tiên chính trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong năm 2024. Thứ nhất, Mỹ sẽ tiếp tục quản lý có trách nhiệm quan hệ kinh tế song phương với Trung Quốc mặc dù hai bên còn nhiều bất đồng và có nhiều thách thức. Mỹ ưu tiên duy trì liên lạc để giải quyết các bất đồng và ngăn ngừa hiểu lầm nhằm tránh dẫn tới leo thang và làm tổn hại tới cả hai bên.
Thứ hai, Mỹ sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc minh bạch trong các chính sách kinh tế cũng như quá trình hoạch định chính sách của mình để từ đó Mỹ cũng sẽ thông báo về các quyết định của mình. Điều này cũng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nền kinh tế khác có thể bị ảnh hưởng bới các quyết định của Trung Quốc.
Thứ ba, Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực hai nước hoặc nhiều nước khác có thể hưởng lợi. Các lĩnh vực này bao gồm biến đổi khí hậu, chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố, chống ma túy bao gồm fentanyl, tái cấu trúc nợ chủ quyền, và củng cố cấu trúc tài chính quốc tế.
Kinh tế phục hồi, khủng hoảng xã hội gia tăng
Một trong những điểm sáng không chỉ đối với Mỹ mà còn toàn thế giới là nền kinh tế nước này vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt bất chấp sức ép từ xung đột, căng thẳng chính trị, tác động hậu Covid-19, lạm phát và lãi suất cao. Tốc độ tăng trưởng trong quý III đạt 5,2% giúp kinh tế Mỹ có thể kết thúc năm 2023 ở mức 2,4%, cao hơn rất nhiều so với một số nền kinh tế lớn khác như Anh, EU, Canada, Nhật Bản…
Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể giảm xuống 1,4% trong năm 2024 nhưng nhiều khả năng nước này có thể đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm”, theo đó thành công trong việc làm giảm tốc tăng trưởng đủ để kiểm soát lạm phát mà không gây suy thoái. Song song với tăng trưởng, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đang giảm đi đáng kể, trong tháng 11 chỉ còn ở mức 3,1% so với mức 9,1% hồi tháng 6/2022. Giới phân tích kinh tế còn cho rằng Mỹ có thể đạt được mức độ lạm phát mục tiêu 2% trong vòng 6 tháng tới.
Vấn nạn xã hội gia tăng
Trong năm 2023, số lượng vụ tội phạm buôn lậu ma túy, fentanyl tăng nhanh, tình trạng xâm nhập trái phép vào biên giới phía Nam, tệ nạn trộm cắp, bạo lực súng đạn xảy ra thường xuyên với tần suất lớn ở nhiều địa phương gây mất trật tự an ninh cũng như gây tâm lý bất an cho người dân và xáo trộn trong xã hội nước này.
Mỹ đang có khoảng 650.000 người vô gia cư, tình trạng này đang ảnh hưởng đến chính sách tiền lương và trợ cấp xã hội của quốc gia và nhiều chính quyền bang. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 480 vụ xả súng hàng loạt, trong khi đó các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc hoặc quyền phá thai luôn phải đối mặt với các nhóm cực hữu chống phá cả bằng lời nói lẫn hành động.
Cuộc bầu cử Tổng thống “vô tiền khoáng hậu”
Mặc dù chưa có ứng cử viên chính thức, nhưng nhiều khả năng đây sẽ là trận "tái đấu" giữa Biden-Trump và đây sẽ là màn tái đấu thứ bảy trong lịch sử nước Mỹ và lần đầu tiên kể từ những năm 1950. Không những vậy, hai gương mặt sáng giá nhất cũng lại là những ứng cử viên nhiều tuổi nhất cho đến nay, ông Biden bước sang tuổi 81 còn phía bên kia, ông Trump là 78 tuổi. Trong khi các cuộc thăm dò cho thấy tuổi tác của ông Biden được coi là vấn đề đáng lo ngại hơn ông Trump, thì các tính toán chỉ ra rằng cả hai đều có nguy cơ cao gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể làm thay đổi cuộc đua, thậm chí buộc các đảng phải lựa chọn một phương án thay thế ứng cử viên.
Trong trường hợp đương kim và cựu Tổng thống trở lại cuộc đua, không ít chuyên gia bầu cử đặt ra khả năng một thậm chí cả hai ứng cử viên này không đủ sức khỏe. Nếu họ bị bệnh nặng hoặc qua đời trong khoảng thời gian chưa hoàn tất bầu cử sơ bộ thì sẽ có rất nhiều ứng cử viên khác ra tranh cử. Mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn khi các bang hoàn tất các cuộc bỏ phiếu sơ bộ và nếu điều tồi tệ nhất diễn ra vào khoảng tháng 10/2024 thì tên của họ vẫn có trên lá phiếu bầu cử và không thể thay thế.
Một khả năng khác, đó là cựu Tổng thống Trump có thể bị kết án và ngồi tù. Hiện ông Trump đang phải đối mặt với 91 cáo buộc hình sự trong bốn phiên tòa riêng biệt, tất cả đều có thể diễn ra vào năm tới với mức án tối đa có thể lên tới hàng trăm năm. Trong lịch sử Mỹ, đã từng có tù nhân tham gia tranh cử Tổng thống nhưng việc có một Tổng thống đắc cử điều hành đất nước sau song sắt là điều chưa từng có người nào nghĩ đến.
Đối với các gương mặt sáng giá khác có thể thay thế ông Biden hoặc liên danh tranh cử, Thống đốc đảng Dân chủ của bang California Gavin Newsom đang nổi lên với các hoạt động như đến Trung Quốc gặp Chủ tịch Tận Cận Bình, đàm phán nội bộ về Dự luật cơ sở hạ tầng… Những công việc này thông thường sẽ do Tổng thống hoặc Phó Tổng thống đảm nhận. Về phía đảng Cộng hòa, mặc dù việc đánh bại ông Trump trong thời điểm hiện nay là rất khó khăn nhưng cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley hoặc Thống đốc bang Florida DeSatis không phải không có cơ hội làm nên bất ngờ trong các cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới.
Câu hỏi để ngỏ về cam kết an ninh và vai trò của Mỹ
Trong năm 2024, Chính quyền Tổng thống Joe Biden chắc chắn sẽ tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại can dự, xây dựng liên minh, từng bước khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Tuy nhiên, đối đầu và xung đột hiện tại với diễn biến khó lường đang đẩy nước Mỹ và cụ thể là Chính quyền Tổng thống Biden vào mớ bòng bong khó tìm lối thoát. Cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng, chiến tranh Nga-Ukraine dai dẳng và phức tạp, xung đột ở Trung Đông có nguy cơ lan rộng mang lại bất ổn và rủi ro không chỉ cho nước Mỹ mà còn toàn thế giới. Với việc Tổng thống Biden ngày càng tập trung vào chiến dịch tái tranh cử vào năm tới, thì chính sách đối ngoại của Mỹ vào năm 2024 tìm kiếm một thế giới ổn định dường như khó có thể thành hiện thực.
Cho đến nay, các chính sách với Trung Quốc, cuộc chiến Nga-Ukraine, xung đột Trung Đông không chỉ chưa mang lại các kết quả tích cực mà còn có nguy cơ khiến Tổng thống Biden mất điểm trong kỳ bầu cử tới. Nếu Mỹ không thể tiếp tục viện trợ cho Ukraine, không thể ngăn chặn các chiến dịch quân sự gây nhiều thương vong cho dân thường của Israel… thì câu hỏi và những nghi ngờ về vai trò toàn cầu cũng như các cam kết an ninh của Mỹ sẽ khiến các đồng minh và đối tác đau đầu.
Liên quan đến Bắc Kinh, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn là nguồn rủi ro địa chính trị lớn nhất. Việc hoạch định chính sách với Trung Quốc cũng cần tính toán đến cuộc bầu cử tại Đài Loan đầu năm tới và căng thẳng gia tăng trên Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc. Nếu Mỹ không quản lý được mối quan hệ này hoặc không thể hiện được quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, có lẽ chính sách đối ngoại mà Chính quyền Tổng thống Biden dày công xây dựng sẽ không giúp được gì nhiều trong kỳ bầu cử năm tới.