10 năm đổi mới giáo dục: Nỗi lòng người đi

Nhóm PV/VOV.VN | 22/11/2023, 08:51

Những người thầy giáo, cô giáo dù đã gắn bó với nghề trồng người cao quý hơn cả chục năm vẫn lựa chọn nghỉ việc, lựa chọn bắt đầu với những nghề nghiệp thoải mái, không còn áp lực.

10 năm đổi mới trong sự nghiệp trăm năm trồng người

Được làm việc đúng với đam mê là một may mắn, rồi thi đỗ biên chế vốn là mơ ước của bao đồng nghiệp; nhưng chị Nguyễn Thanh Thủy vẫn xin nghỉ việc, từ bỏ công việc nhà giáo đã gắn bó hơn 10 năm.

Hiện tại, chị Thủy mở một tiệm bánh nhỏ. Công việc mới giúp chị Thủy có tinh thần thoải mái hơn, đồng thời góp phần thu nhập ổn định cho cả gia đình.

“Trước đây, ngoài dạy học tôi còn làm thêm bánh. Năm 2017, sau khi sinh em bé, tôi chuyển trường, vừa dạy vừa làm bánh để có thêm thu nhập. Khi dịch COVID-19 bùng phát, tôi dạy online và ở nhà có nhiều thời gian làm bánh hơn. Đến khi mê bánh hơn trong khi đam mê nghề giáo vơi đi thì tôi nghỉ dạy”, chị Thủy chia sẻ.

“Lý do đầu tiên là lương”

Ra trường và bắt đầu đi dạy từ năm 2009, chị Thủy đã có 12 năm gắn bó với nghề giáo. Là giáo viên dạy Sử - Địa, chị Thủy từng giảng dạy tại 3 trường THCS trên địa bàn TP. Hà Nội. Đó là cả một chặng đường, một thời thanh xuân tuổi trẻ gắn bó với đam mê, với những học trò nhỏ.  

Năm 2018, chị Thủy chuyển công tác đến một trường THCS tại quận Nam Từ Liêm. Sau 3 năm gắn bó và dù đã thi đỗ biên chế nhưng chị Thủy vẫn quyết định nghỉ việc. Chị Thủy chia sẻ, thời gian làm việc của giáo viên kéo dài suốt cả ngày, không có thời gian cho công việc khác và đôi khi không đảm bảo cuộc sống cá nhân.

Áp lực công việc lớn, với nhiều hồ sơ, sổ sách và tập huấn, các giáo viên trẻ như chị Thủy thường phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Trong khi đó, lương của giáo viên tương đối thấp, không xứng đáng với công sức bỏ ra, nhất là những thầy cô dạy môn phụ, không có thu nhập dạy thêm. Tất cả những điều này tạo ra nhiều thách thức khó khăn trong cuộc sống của giáo viên.

“Giáo viên môn phụ có 18-19 tiết/ tuần. Lương tăng theo bậc và vài năm mới tăng một lần, nhưng lương tăng thì cũng kéo theo nhiều thứ khác tăng. Nếu không dạy văn thì tôi chỉ có lương chính. Từ năm 2009 - 2013, lương của tôi chỉ 3,8 triệu. Khi vào biên chế lương cứng được khoảng 6,4 triệu”, chị Thủy nói.

Theo chị Thủy, những nguyên nhân khiến giáo viên quyết định bỏ nghề là áp lực kinh tế, môi trường làm việc không đáp ứng được mong muốn, phải đối mặt với sức ép từ chương trình giáo dục phổ thông mới... Một giáo viên dù yêu nghề nhưng nếu có một công việc có thu nhập tốt hơn, có thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình hơn, thoải mái tinh thần hơn… thì lựa chọn công việc mới sẽ là điều khó tránh khỏi.

“Có những hôm tôi đi họp 7-8h tối mới về, phải nhờ người đón con. Hai con học khác trường, nên khó đưa đón. Khi con cái ốm đau thì hoàn toàn không chủ động được. Nếu có nhiều tiết dạy thì rất khó sắp xếp nhờ dạy thay, dạy hộ… Trong khi, chúng tôi không được nghỉ nhiều, chỉ nghỉ được 1-2 buổi”, chị Thủy kể lại.

Bất cứ giáo viên nào gắn bó với nghề lâu năm, thì quyết định nghỉ dạy không hề đơn giản, bởi mỗi người đều tìm được niềm đam mê trong công việc. Các thầy cô có cơ hội tiếp xúc với học sinh, để chia sẻ kiến thức và truyền cảm hứng cho những học trò nhỏ. Dù công việc có áp lực hay vất vả, thì việc thấy học sinh tiến bộ, thành đạt là thành quả, là niềm vui lớn nhất. 

Trường hợp của chị Thủy chỉ là một cá nhân trong “làn sóng nghỉ việc” trong ngành giáo dục. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, từ nhiều năm trước, tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra do nhiều thầy cô giáo nghỉ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, số tuyển dụng nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ…

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 9/2015, tổng số học sinh khi bắt đầu năm học là trên 19 triệu học sinh và con số này là hơn 23 triệu học sinh vào tháng 9.2022.

Đến tháng 9/2015, số giáo viên có 1.156.000 người cho bậc mầm non đến phổ thông. Và đến tháng 9/2022, có 1.227.000 giáo viên. Như vậy, số giáo viên nhiều hơn 100.000 trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu.

Trong khi đó, “làn sóng” giáo viên nghỉ việc chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính riêng năm học vừa qua, cả nước có hơn 19.300 giáo viên công lập về hưu và nghỉ việc (10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc).

Riêng năm học 2021 - 2022, có 16.265 giáo viên nghỉ việc, trong đó, riêng khối trường công lập có 10.407 giáo viên nghỉ.

Với trường hợp của mình, chị Thủy chia sẻ rằng chị đã rất may mắn khi có được công việc mới phù hợp, có thu nhập và ổn định cuộc sống. Chị Thủy cho biết, chị từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp sau khi nghỉ việc đã gặp khó khăn, chật vật tìm công việc mới. 

Giờ đây, chị Thủy có thu nhập khá hơn, tinh thần thoải mái hơn và có nhiều thời gian cho gia đình, con cái: “Tôi chủ động được thời gian. Khi có việc, tôi có thể đóng cửa hàng hoặc để nhân viên làm. Nghỉ 1-2 ngày không phải xin phép. Nhất là tôi chủ động đưa đón con đi học, khác với trước đây, nếu buổi sáng có hoạt động thì tôi phải đi từ sớm. Nếu 6:30 phải có mặt, thì tôi phải đưa con đi từ rất sớm rồi để con ở trường chờ đến giờ vào lớp”. 

Dù vậy, chị Thủy đến nay vẫn có những day dứt với công việc cũ của mình: “Mấy năm rồi sau khi tôi xin nghỉ dạy, đến nay, bố mẹ tôi vẫn luôn trách cứ, không đồng tình với quyết định này”.

“Áp lực bủa vây”

Trong khi “làn sóng” giáo viên nghỉ việc chưa có dấu hiệu dừng lại, những áp lực từ chương trình phổ thông mới tiếp tục bủa vây những thầy cô còn đang gắn bó với nghề. Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô lại căng mình tham gia tập huấn, làm quen với chương trình mới. 

Chính chị Thủy cũng chia sẻ, thời điểm chị nghỉ việc là khi chương trình mới đang chuẩn bị được triển khai: “Khi tôi nghỉ dạy, ở trường chỉ còn một giáo viên dạy Địa và một mình cô giáo đó phải dạy 42 tiết/tuần. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giáo dục và tạo gánh nặng công việc của những giáo viên ở lại”.

Đây cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hơn, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến các giáo viên “quay cuồng” với những quy định bậc tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, bắt buộc, thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...

Theo chị Thủy, với SGK mới tích hợp nhiều bộ môn theo chủ đề như Địa - Sử, Lý - Hóa - Sinh, các giáo viên không chỉ dạy theo một bộ sách như trước đây mà dạy 3 bộ sách. Đặc biệt, các giáo viên có quyền lựa chọn bộ sách nào mình cảm thấy phù hợp và dễ tiếp cận hơn.

“Giáo viên có thể thỏa sức sáng tạo với nhiều phương pháp dạy học mới. Giáo viên phải học, tập huấn rất nhiều, vất vả hơn. Nhưng nó sẽ nâng cao tay nghề, kỹ năng, kiến thức của giáo viên”, chị Thủy nói.

Trong chương trình học, những phương pháp dạy học đổi mới rất nhiều, tổ chức những hoạt động nhóm, làm dự án, giáo viên chỉ giao chủ đề, còn học sinh sẽ tự tìm tòi, lên kế hoạch làm bài tập nhóm được giao và tự lên trình bày. Giáo viên chỉ nhận xét, góp ý, đồng thời các nhóm tự nhận xét nhau.

“Các cô chỉ tổng hợp lại và nhận xét, đánh giá, cho điểm cả nhóm. Đây là điều rất là hay trong chương trình mới. Như vậy, học sinh tiếp nhận kiến thức không bị động như ngày xưa. Học sinh bây giờ giỏi lắm khi thành thạo công nghệ thông tin… nên giáo viên chỉ là người hướng dẫn học sinh tiếp cận những tài liệu học. Từ đó, phát huy được tính chủ động, phẩm chất đạo đức học sinh, giúp các em tự tin hơn”, chị Thủy chia sẻ.

Tuy vậy, trong thực tế triển khai, những hạn chế của hệ thống giáo dục vẫn đang gây ra nhiều khó khăn cho giáo viên và học sinh khi dạy và học chương trình mới. Trước hết, học sinh đối mặt với áp lực lớn khi phải tiếp thu kiến thức trong một chương trình học quá tải. Nhiều phụ huynh cũng bối rối khi phải đối mặt với chương trình học phức tạp của con em mình. 

Nhiều phụ huynh cho rằng, chương trình quá nặng, khiến những học sinh lực kém hoặc tiếp thu chậm khó theo kịp chương trình. Đặc biệt, kỳ thi vào lớp 10 yêu cầu học sinh phải có nhiều kiến thức xã hội, đề thi là đề mở. Điều này khiến học sinh không chỉ ôn tập kiến thức trong sách giáo khoa, mà còn phải tự bổ sung kiến thức xã hội. Do vậy, khi gặp khó khăn, nhiều học học sinh càng sợ học hơn và càng không còn theo kịp các bạn khác.

Các chuyên gia giáo dục đánh giá, chương trình phổ thông mới yêu cầu đội ngũ giáo viên phải thực sự bản lĩnh và có năng lực. Bởi thay vì được cung cấp sẵn một bộ SGK để giảng dạy, thì giáo viên phải tự chịu trách nhiệm để tìm hiểu và lựa chọn SGK phù hợp cho học sinh. Điều này đòi hỏi giáo viên phải am hiểu về đối tượng học sinh của mình, bởi không phải học sinh nào cũng giống nhau. 

Cơ sở hạ tầng đầu tiên của giáo dục chính là giáo viên. Thế nhưng, đang triển khai Chương trình giáo dục mới lại là đội ngũ giáo viên đã giảng dạy mấy chục năm chương trình cũ. 

Theo các chuyên gia, không thể đơn giản là đưa cho các giáo viên SGK mới, cùng thời gian vài ngày tập huấn, thì toàn bộ tư duy của giáo viên chưa chuyển kịp giữa thực hiện chương trình cũ sang chương trình mới. Do vậy, nếu không bắt kịp, giáo viên sẽ cảm thấy khó khăn, phức tạp, rắc rối và vất vả… 

Thậm chí, đội ngũ giáo viên để dạy những môn học mới vẫn chưa đào tạo được. Như dạy liên môn ở cấp THCS, các nhà trường vẫn sử dụng giáo viên đào tạo đơn môn để dạy liên môn.

Rõ ràng, chương trình giáo dục đổi mới khiến khối lượng công việc của các giáo viên tăng lên gấp nhiều lần, song lương của họ thì vẫn giữ nguyên. Bên cạnh đó là nhiều áp lực khác từ môi trường làm việc, từ học sinh và cả phụ huynh. 

Tất cả tạo ra thực trạng đau xót là “làn sóng giáo viên nghỉ việc”. Những người thầy giáo, cô giáo dù đã gắn bó với nghề trồng người cao quý hơn cả chục năm vẫn lựa chọn nghỉ việc, lựa chọn bắt đầu với những nghề nghiệp thoải mái, không còn áp lực.

Bài liên quan
Bảng lương mới của giáo viên và nhiều chính sách hiệu lực từ tháng 1/2024
Từ tháng 1/2024, những giáo viên dạy học tại các trường dự bị đại học sẽ được tính lương, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất