Xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản đảm bảo tính khả thi

Lê Hoàng/VOV.VN | 19/02/2024, 21:41

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang xây dựng 12 chương, 117 điều sửa đổi toàn diện Luật Khoáng sản năm 2010. Đây là dự án Luật chuyên ngành khó, liên quan đến một số Luật khác như Luật Đầu tư và Luật Quy hoạch...

Chiều 19/2, chủ trì cuộc họp với các bộ ngành về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần quy định rõ về giới hạn về công suất khai thác mỏ theo thiết kế phù hợp với nhu cầu thị trường; thống nhất cơ sở pháp lý về điều kiện thu hồi giấy phép khai thác mỏ, đóng cửa mỏ của pháp luật đầu tư, đất đai, môi trường, nông nghiệp. Đồng thời, bổ sung quy định đánh giá tác động, cân nhắc giữa lợi ích bảo tồn, bảo vệ di sản văn hoá, tự nhiên, rừng với tài nguyên khai thác; phương án sử dụng lớp đất đá phát sinh trong quá trình khai thác mỏ. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ khái niệm điều chỉnh cục bộ quy hoạch khai thác khoáng sản; xây dựng tiêu chí doanh nghiệp tham gia đấu thầu, đấu giá trong điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản; đánh giá đầy đủ giá trị, phương án khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản đi kèm với khoáng sản chính…

Tại cuộc họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xin ý kiến các bộ ngành liên quan về phân nhóm khoáng sản để có giải pháp quản lý phù hợp theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính; về sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho điều tra cơ bản, thăm dò các loại khoáng sản quan trọng, chiến lược, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn sau đó đấu giá quyền khai thác; quy định thẩm quyền cấp phép đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

Đóng góp ý kiến cho dự án Luật, Đại diện Bộ Tư pháp đề nghị đẩy mạnh đấu giá tài nguyên khoáng sản theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 10); làm rõ cơ sở, căn cứ khoa học về việc quản lý đất đá, cát, sỏi như khoáng sản; rà soát, bảo đảm tính khả thi trong thực hiện các quy định trong dự thảo Luật, thống nhất, đồng bộ với một số luật liên quan về đầu tư, quy hoạch, đấu giá, đất đai, tài chính…

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, các thủ tục đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản cần thống nhất, đồng bộ với Luật Đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị cần có đầu mối chịu trách nhiệm quản lý thống nhất trong điều tra, thăm dò địa chất, tài nguyên khoáng sản, đồng thời phân định rõ phạm vi, thẩm quyền quản lý của các bộ chuyên ngành về khai thác, chế biến, sử dụng… khoáng sản.

Đóng góp ý kiến về phân nhóm khoáng sản có giá trị cao, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ nội hàm loại khoáng sản vật liệu xây dựng công nghiệp, thông thường; đơn giản hoá thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. 

Đại diện Bộ NN&PTNT đề nghị đánh giá tác động đối với quy định hạn chế hoạt động khai thác khoáng sản đối với khu vực rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng thay vì cấm hoàn toàn như Luật Khoáng sản hiện hành.

Trước các ý kiến đóng góp cho dự án Luật, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ TN&MT tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính về tính pháp lý trong quy định về thu tiền cấp quyền khai thác theo sản lượng khai thác thực tế; làm rõ nội hàm các loại khoáng sản chiến lược, giá trị, nhu cầu sử dụng lớn được Nhà nước đầu tư điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng, cũng như các loại khoáng sản vật liệu xây dựng chủ lực, thông thường. Bộ TN&MT phối hợp với Bộ KH&ĐT rà soát, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đầu tư.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang xây dựng 12 chương, 117 điều sửa đổi toàn diện Luật Khoáng sản năm 2010. Đây là dự án Luật chuyên ngành khó, liên quan đến một số Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch và 1 số Luật khác, cần có sự thận trọng và bảo đảm tính thống nhất cũng như bám sát đúng tinh thần của Nghị quyết 10.

Bài liên quan
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc về công tác phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL
Ngày 7/4, tại tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng hai Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và Tài nguyên Môi trường chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương vùng ĐBSCL về công tác phòng chống hạn mặn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4
Sáng 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Phiên họp nhằm tập trung thảo luận về tình hình phát triển KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác như về giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Mới nhất