Vương quốc hạnh phúc Bhutan và chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 vượt cả Mỹ, Anh

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: New York Times | 19/04/2021, 20:03

Làm thế nào mà Bhutan, một trong những nước nghèo nhất châu Á lại có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 vượt cả Mỹ và Anh với 93% người trưởng thành đủ điều kiện đã nhận được mũi tiêm đầu tiên?

Ngay cả những vùng xa xôi nhất cũng không bị lãng quên

Lunana là một vùng đất xa xôi và biệt lập của Bhutan. Nơi này có diện tích gấp 2 lần thành phố New York, gồm những sông băng, một số đỉnh núi cao nhất thế giới và không thể đến được bằng ô tô.

Dù vậy, hầu hết mọi người sống ở đây đều đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Lô vaccine của Oxford-AstraZeneca đã đến đây vào tháng trước bằng trực thăng và được các nhân viên y tế lặn lội vượt qua băng tuyết để đến từng làng tiêm cho người dân.

"Tôi đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên để chứng minh với những người khác trong làng rằng, vaccine này không gây tử vong và an toàn. Sau đó thì mọi người đều đã đi tiêm", Pema, trưởng làng ở Lunana cho hay.

Chiến dịch Lunana là một phần trong câu chuyện tiêm vaccine thầm lặng ở một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á. Hôm 17/4, Bhutan, vương quốc luôn quan tâm đến niềm hạnh phúc của người dân còn nhiều hơn sự thịnh vượng của quốc gia, đã tiêm mũi vaccine đầu tiên cho hơn 478.000 người, chiếm khoảng 60% dân số. Bộ Y tế cho biết vào tháng này rằng hơn 93% người trưởng thành đủ điều kiện đã nhận được mũi tiêm đầu tiên.

Phần lớn những mũi vaccine Covid-19 đầu tiên của Bhutan đã được tiêm chủng cho người dân trong 1 tuần cuối tháng 3 và những tuần đầu tháng 4. Hôm 17/4, tỷ lệ tiêm vaccine của nước này là 63 mũi trên 100 người, đứng thứ 6 thế giới về tỷ lệ tiêm chủng.

Tỷ lệ tiêm chủng ở Bhutan thậm chí còn dẫn trước cả Anh và Mỹ, gấp 7 lần nước láng giềng Ấn Độ và cao gấp gần 6 lần tỷ lệ tiêm vaccine trên toàn cầu. Bhutan cũng dẫn trước những quốc gia khác cô lập về địa lý với dân số ít, chẳng hạn như Iceland và Maldives.

Dasho Dechen Wangmo, Bộ trưởng Y tế Bhutan là người đã góp phần vào thành công trên nhờ thực hiện hiệu quả "sự lãnh đạo và chỉ đạo" từ Đức vua, xóa nhòa sự ngần ngại trong việc vaccine của người dân và thúc đẩy một hệ thống chăm sóc y tế "khiến cho mọi người ở những vùng xa xôi nhất của đất nước cũng nhận được các dịch vụ cần thiết".

"Là một quốc gia với dân số chỉ hơn 750.000 người, chiến dịch tiêm chủng vaccine cho người dân trong 2 tuần là điều khả thi. Mặc dù đối mặt với một số vấn đề hậu cần nhỏ nhưng chúng tôi đã có thể giải quyết được", ông Dechen Wangmo cho hay.

Những người Bảo vệ Hòa bình

Tất cả lượng vaccine này đến nay đều được chính phủ Ấn Độ tài trợ, được sản xuất ở Viện Serum Ấn Độ - trung tâm sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Chính phủ Bhutan có kế hoạch tiêm liều vaccine thứ hai cho người dân trong 8 - 12 tuần sau đợt tiêm chủng đầu tiên theo như chỉ dẫn cho vaccine AstraZeneca.

Will Parks, đại diện Bhutan tại UNICEF cho biết, đợt tiêm chủng đầu tiên là "một thành công" khi có sự tham gia từ "các nhà chức trách cao nhất đến cộng đồng địa phương".

Chiến dịch này thành công một phần dựa vào đội ngũ tình nguyện viên, còn được gọi là Những người Bảo vệ Hòa bình, lực lượng hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đức vua Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck.

Ở Lunana, 8 tình nguyện viên đã dựng các lều dã chiến và giúp vận chuyển các bình oxy từ làng này sang làng khác, Karma Tashi, một thành viên trong đội tiêm vaccine 4 người của chính phủ tại đây cho hay. Các bình oxy này được chuẩn bị để phòng việc người được tiêm chủng gặp phải phản ứng đáng ngại sau khi tiêm vaccine.

Để tiết kiệm thời gian, anh Tashi cho biết, đội ngũ này đã tiêm vaccine vào ban ngày và đi bộ vào ban đêm, thường làm việc từ 10 - 14 tiếng/ngày.

Theo anh Tashi, một số người dân không muốn tiêm vaccine bởi họ bận rộn với vụ mùa hoặc lo ngại về phản ứng sau khi tiêm vaccine nhưng sau khi được các tình nguyện viên thuyết phục về lợi ích của tiêm chủng, mọi người đều đồng ý.

Ngày 12/4, 464 trong số 800 người dân ở Lunana đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Dân số ở đây bao gồm một số lượng nhỏ không đủ điều kiện tiêm vaccine.

Không có ngoại lệ

Việc chăm sóc y tế ở Bhutan, một quốc gia biệt lập chỉ lớn hơn bang Maryland của Mỹ một chút và tiếp giáp biên giới với Tây Tạng, hoàn toàn miễn phí. Từ 1960 - 2014, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan đã tăng gấp đôi, lên 69,5 tuổi. Tỷ lệ miễn dịch trong những năm gần đây ở quốc gia này là trên 95%.

Tuy nhiên, hệ thống y tế của Bhutan hầu như không thể hoàn toàn tự lực bởi những bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt thường được đưa tới Ấn Độ hoặc Thái Lan để điều trị với chi phí do chính phủ chi trả, Yot Teerawattananon, một nhà kinh tế học y tế tại Đại học Quốc gia Singapore cho hay.

Ủy ban chính phủ Bhutan sẽ họp 1 lần/tuần để quyết định bệnh nhân nào cần được đưa ra nước ngoài điều trị.

"Tôi không nghĩ họ có thể đối phó với sự tăng lên của số ca mắc Covid-19 nghiêm trọng nếu điều đó xảy ra. Vì thế, ưu tiên tiêm vaccine là điều quan trọng", chuyên gia này cho hay.

Bhutan hiện ghi nhận chưa tới 1.000 ca Covid-19 và chỉ có 1 ca tử vong.

Biên giới của nước này, vốn được thắt chặt theo các tiêu chuẩn toàn cầu thậm chí từ trước đại dịch, đã đóng cửa trong 1 năm và hầu như không có ngoại lệ khi bất kỳ ai đến đây đều phải cách ly 21 ngày.

Thậm chí cả Thủ tướng nước này Lotay Tshering, người được tiêm mũi vaccine đầu tiên vào tháng trước, cũng pải cách ly sau khi trở về từ chuyến công du Bangladesh./.

Bài liên quan
Tiền Giang: Truy tố nhiều cựu cán bộ CDC nhận tiền "lại quả" từ công ty Việt Á
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Chơn khi làm Giám đốc CDC Tiền Giang đã chỉ đạo việc ứng trước test xét nghiệm để sử dụng và hợp thức hóa hồ sơ thầu nhằm cho Công ty Việt Á trúng thầu sai quy định và được nhận "lại quả" với số tiền 450 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sáp nhập xã, huyện: Tránh yếu tố dòng họ, bè phái trong lựa chọn cán bộ
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong sáp nhập xã, huyện, việc hết sức phải tránh là yếu tố về làng xã, dòng họ, bè phái. Nếu để những yếu tố này chi phối trong quá trình tổ chức thì rất dễ gây ra chuyện mất đoàn kết, dẫn tới cục bộ.
Mới nhất