Dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị) dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô qua địa phận Hà Nội có tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2km đang được các nhà thầu thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca, 4 kíp”, không có ngày nghỉ trên các công trường, quyết tâm hoàn thành vượt mức tiến độ 6 tháng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vị trí đang bị vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhà thầu phải thi công cầm chừng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Các gói thầu vừa thi công vừa ngóng mặt bằng
Tại gói thầu số 11 xây dựng đoạn tuyến từ Km48+314,71 đến Km58+200 (đoạn qua huyện Thường Tín) do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hoàng Long - Công ty Cổ phần Sông Hồng đảm nhiệm thi công, nhiều mũi thi công đang hối hả triển khai các hạng mục cầu, gia tải, xử lý nền đất yếu trên tuyến chính.
Ông Trần Viết Sơn-Giám đốc điều hành gói thầu cho biết, để hoàn thành tất cả các gói thầu theo đúng tiến độ thành phố giao cuối tháng 9/2025, các nhà thầu đã tập trung máy móc, nhân lực thi công “3 ca, bốn kíp” cùng hàng trăm thiết bị máy cơ giới thi công ngày đêm để rút ngắn tiến độ theo yêu cầu.
Theo ông Sơn, hiện tại, nhánh trái cầu Tô Lịch (nối xã Thái Hà với xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã hoàn thiện, còn nhánh phải, do vướng hạ tầng đường điện hạ thế nên chúng tôi đang phải thi công cầm chừng.
"Với gần 100 đầu thiết bị máy móc với hơn 100 cán bộ, kỹ sư, công nhân viên và tận dụng điều kiện thời tiết thuận tiện để thi công. Chúng tôi sẽ hoàn thành 100% nền đường và công trình cầu đúng tiến độ nếu không vướng mặt bằng. Mong muốn lớn nhất với đoạn tuyến này là sớm di dời hạ tầng hệ thống điện cao thế, hạ thế đang cắt ngang công trường, máy khoan, máy cẩu không thể vào công trường để thi công được”, ông Sơn nói.
Nỗ lực bám sát kế hoạch đăng ký với chủ đầu tư, song, lãnh đạo ban điều hành gói thầu cũng không khỏi sốt ruột khi trên phạm vi thi công tuyến chính hiện vẫn còn tồn tại khoảng 10 vị trí còn vướng hạ tầng kỹ thuật, đường điện.
“Đến nay mặt bằng đã bàn giao cơ bản 95%. Mặt bằng kênh cải Nhị Khê đã cắm tuyến và dự kiến bàn giao trong tháng 6/2024. Công tác di dời hạ tầng đường điện 220kV, 22kV trên tuyến cùng hệ thống chiếu sáng, cáp ngầm...đến nay BQL dự án, UBND huyện Thường Tín chưa lựa chọn được nhà thầu di dời. Vẫn chưa có kế hoạch di dời tạm đường đường trung thế 22KV thi công cầu Tô Lịch như đã dự kiến khiến việc thi công bị chậm tiến độ”, ông Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, có một điểm găng khác cũng vừa được đơn vị thi công tháo gỡ xong, đó là vị trí thi công đường Vành đai 4 qua đường sắt Bắc – Nam cũng vừa được chấp thuận giấy phép thi công đường sắt ngang QL1A và đường tiếp cận liên xã.
Cùng đó, ông Phạm Văn Thiều, cán bộ Công ty cổ phần sông Hồng cho biết thêm, đảm nhiệm thi công 5 km đường Vành đai 4 qua địa phận huyện Thường Tín, khó khăn nhất của nhà thầu hiện nay là đường dây điện chưa được di dời như kế hoạch khiến đơn vị không thể thi công được dưới những vị trí này, ảnh hưởng lớn đến tiến độ gói thầu.
Hiện nay, công trình hạ tầng, điện, nước, cáp viễn thông trên toàn tuyến chưa được di dời nên tại những vị trí này nhà thầu phải tạm dừng thi công. Đặc biệt, tại một số vị trí, đường ống nước, đường điện nằm trực tiếp trên hạng mục công trình như cầu, cống, nên cũng phải tạm dừng thi công.
Bên cạnh giải phóng mặt bằng, xử lý nền đất yếu cũng là vấn đề mấu chốt ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu.
"Việc xử lý đất yếu của gói thầu số 11 rất nhiều, chiếm 70% khối lượng gói thầu. Hiện tại các nhà thầu đang tập trung đào đắp nền, xử lý đất yếu cố gắng đến 30/6 này sẽ hoàn thành thi công xử lý đất yếu đắp gia tải, sau đó chờ gia tải rất lâu, từ 6 – 9 tháng”, ông Thiều cho biết.
Là đơn vị đảm nhiệm gói thầu số 9, xây dựng đoạn tuyến từ Km13+017,92 đến Km36+166,74 là gói thầu lớn nhất của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đặt mục tiêu hoàn thành gói thầu trước 6 tháng, tức vào cuối năm 2025.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Chỉ huy trưởng gói thầu số 9 nhà thầu Vinaconex, điều này phụ thuộc lớn vào tiến độ giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, công trình hạ tầng, điện, nước, cáp viễn thông trên toàn tuyến chưa được di dời nên tại những vị trí này nhà thầu phải tạm dừng thi công. Đặc biệt, tại một số vị trí, đường ống nước, đường điện nằm trực tiếp trên hạng mục công trình như cầu, cống, nên cũng phải tạm dừng thi công.
Bên cạnh giải phóng mặt bằng, xử lý nền đất yếu cũng là vấn đề mấu chốt ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu. Hiện nay, hai huyện Đan Phượng và Hoài Đức đã bàn giao được 97% tổng diện tích mặt bằng; trong đó, đã bàn giao 100% diện tích đất nông nghiệp, còn vướng diện tích mặt bằng “xôi đỗ” ở 9 vị trí trên tuyến, chiếm khoảng 2,7 km chưa thi công được, chủ yếu là đất ở của người dân, khu mồ mả, đất của doanh nghiệp.
Phải GPMB xong trong quý III
Ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, tiến độ triển khai dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị) đáp ứng yêu cầu.
Song, với phạm vi cần xử lý nền đất yếu, đơn vị thi công chưa được bàn giao mặt bằng, nên rất khó khăn trong việc đảm bảo hoàn thành công tác đắp gia tải của các đoạn xử lý đất yếu trước mùa mưa năm nay.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), ông Cường cho biết, phần đất nông nghiệp cơ bản đáp ứng tiến độ, trừ phạm vi phải xử lý nền đất yếu chưa GPMB.
"Chúng tôi đánh giá công tác GPMB với đất ở, tái định cư và di chuyển công trình ngầm nổi chưa đáp ứng theo tiến độ chỉ đạo. Trong đó, trên toàn tuyến, các quận, huyện đã GPMB được 774,26ha, đạt 97,86%, đã di chuyển được 10.104 ngôi mộ, còn lại 242 ngôi mộ.
Thành phố đã hoàn thành toàn bộ 13 khu tái định cư và một số địa phương đã phê duyệt giá đất đầu đi - đầu đến, thực hiện tái định cư cho các hộ dân", ông Cường cho hay.
Dù vậy, theo ông Cường đến nay các địa phương cũng chưa hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu để di chuyển công trình ngầm, nổi. Việc này dẫn đến không thể áp dụng được cơ chế đặc thù về chỉ định thầu của dự án theo Nghị quyết số 56 Quốc hội.
Về công tác di chuyển điện cao thế, đến nay, Ban Quản lý dự án chưa triển khai việc di chuyển các tuyến cáp điện, đấu nối đóng điện đáp ứng tiến độ.
Riêng với dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), thành phố đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành thủ tục để có thể đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong tháng 6.
Ngày 13/6 vừa qua Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội kiểm tra tình hình thi công dự án.
Tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị, quận, huyện nơi đường vành đai 4 đi qua phải bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho dự án về di dời mồ mả, sắp xếp chỗ tái định cư cho người dân phải nhường đất cho dự án theo tinh thần: “bảo đảm nơi ở mới phải bằng và hơn nơi ở cũ cho người dân”.
Bí thư Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh các phần việc, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn GPMB các công trình ngầm, nổi, nhất là đường dây điện, đường dây 500kV xong trong quý III năm nay.
Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài 112,8km (gồm 58,2km qua địa phận Hà Nội, còn lại là 9,7km tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh). Sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác.
Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Riêng tại Hà Nội, vành đai 4 đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.