Trước đó, tại phiên họp thứ 14 ngày 17/9 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng đã yêu cầu các tỉnh có khối lượng thi công còn thấp tại các dự án cao tốc, trong đó có Bắc Ninh cần rà soát lại toàn bộ kế hoạch triển khai; tập trung tháo gỡ về vật liệu xây dựng; chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công tại các khu vực đã có mặt bằng, các hạng mục không bị ảnh hưởng bởi nguồn vật liệu; rà soát năng lực của nhà thầu thi công để kịp thời xử lý theo quy định nếu triển khai chậm tiến độ.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 6/2023.
Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có chiều dài tuyến theo lý trình cao tốc là 35,3 km, trong đó 25,6 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối đường Vành đai 4 với đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long. Tổng mức đầu tư 5.274 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Bắc Ninh được giao thực hiện 2 dự án thành phần: Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư địa phận tỉnh Bắc Ninh và dự án thành phần xây dựng đường song hành địa phận tỉnh Bắc Ninh.
Về công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay, tỉnh đã bàn giao 364/374 ha, chiếm 97,2% tổng mặt bằng cho chủ đầu tư, còn 2,8% diện tích đất ở dự kiến bàn giao vào cuối tháng 11/2024. Lãnh đạo tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện hoàn thành 11 dự án tái định cư.
Cùng với đó, phấn đấu hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật từ tháng 12/2024 - 2/2025, hoàn thành di dời hệ thống điện cao thế trong tháng 2-3/2025.
Về công tác tổ chức thi công, dự án được chia làm 3 gói thầu và tổ chức 24 mũi thi công. Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Bắc Ninh tăng cường chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, yêu cầu các nhà thầu thi công 3 ca, 4 kíp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, phấn đấu từ tháng 9-11/2024, nâng tổng sản lượng thi công lên hơn 400 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2025 (đối với những đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng trong năm 2023) và các hạng mục còn lại trong năm 2026, phấn đấu hoàn thành toàn bộ vào tháng 4/2026, trước 7 tháng so với dự kiến.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cung cát, đất đắp do Bắc Ninh không có mỏ vật liệu nên không chủ động được. Về vấn đề này, tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành chủ động liên hệ với các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ để tiếp cận với các nguồn cung.
Kiểm tra tiến độ, động viên kỹ sư, công nhân trên công trường tại thị xã Thuận Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh tập trung hoàn thành dứt điểm việc giải phóng mặt bằng để có mặt bằng đến đâu thi công đến đó; tích cực di dời các công trình kỹ thuật như cột truyền tải điện; làm việc, phối hợp với các địa phương khác để bảo đảm cung ứng nguyên vật liệu.
Nêu rõ quan điểm khuyến khích doanh nghiệp địa phương tham gia dự án nhưng phải dưới một nhà thầu chịu trách nhiệm, Thủ tướng đề nghị các nhà thầu huy động máy móc, nhân lực để thi công 3 ca 4 kíp, "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ.
Địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, các lực lượng quân đội, công an, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, công đoàn, người dân... tham gia làm những việc có thể làm được cùng ban quản lý dự án, nhà thầu...
Quá trình thi công, lực lượng tư vấn giám sát phải tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, tiến độ, khẩn trương làm các công tác thanh quyết toán.
Thủ tướng yêu cầu rút ngắn tiến độ hơn nữa, đến ngày 31/12/2025 phải hoàn thành dự án đoạn qua tỉnh Bắc Ninh. Dự án sớm hoàn thành thì sớm mở ra không gian phát triển mới. người dân, doanh nghiệp Bắc Ninh được hưởng thụ; do đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm".
Cũng trên công trường, Thủ tướng đã cho ý kiến về hướng giải quyết vướng mắc liên quan việc triển khai đầu tư 3 cây cầu trên Vành đai 4, gồm cầu Mễ Sở (tỉnh Hưng Yên), cầu Hồng Hà (Hà Nội) bắc qua sông Hồng và cầu Hoài Thượng (tỉnh Bắc Ninh) bắc qua sông Đuống; yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và 3 địa phương khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để bảo đảm tiến độ toàn tuyến.